Tính đến nay có 4.000 điều kiện kinh doanh trái luật. Một DN bị “trói” bởi nhiều loại dây: Điều kiện kinh doanh do các thông tư ban hành trái luật, nghị định hướng dẫn trái luật…

Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD”.

Một số nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp cũng đã nêu rõ: Các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành hoặc các cấp chính quyền địa phương ban hành mà không căn cứ vào luật, pháp lệnh, nghị định quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD các ngành, nghề đó đều không có hiệu lực thi hành”.

Vậy mà hơn 10 năm qua, ĐKKD do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật chẳng những không giảm mà còn tăng đến mức không ngờ. Tính đến thời điểm này, đã có 4.000 ĐKKD trái luật. Số lượng rào cản lớn như thế, dây trói nhiều vòng như thế thì DN Việt “chết” yểu với tỷ lệ cao so với tỷ lệ đăng ký mới là điều không có gì ngạc nhiên cả!

Đại hội Đảng lần thứ 12 đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, Việt Nam phải  có 1 triệu DN hoạt động. Vì thế, khoảng thời gian còn lại hơn 3 năm, chúng ta phải phấn đấu thêm trên 50 vạn DN hoạt động vào đích 2020. Hiện tại, mới có khoảng gần 50 vạn DN đang chống chèo vượt khó. Nghị quyết 35 là cú hích để hướng tới mục đích này.

Với phương châm, giải pháp gỡ khó nhanh cho DN, thời gian qua đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo với sự có mặt của nhiều nhà quản lý, nhà luật, nhà DN… Một tiếng nói chung đã đạt được: Nếu không thực hiện đúng các quy định đã nêu trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… thì năng lực cạnh tranh của DN Việt chắc chắn không được nâng lên. Đặc biệt môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ không cải thiện được để tạo nên sức thu hút đầu tư lớn.

Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm cảnh báo: “Các bộ, ngành đang chuyển các điều kiện kinh doanh từ thông tư lên nghị định, có nghĩa một nghị định sẽ bao hàm nội dung của nhiều thông tư trước đây. Như vậy, các ĐKKD có cơ hội biến tướng ở văn bản cấp cao hơn”. Luật pháp quy định các thông tư chỉ có quyền hướng dẫn chứ không được “lấn sân” đưa ra điều kiện thêm cho các luật.

Được biết, trên cơ sở chuẩn bị của các bộ, hiện nay đã có 51 nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết 2 Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định 49 Nghị định.

Tại cuộc họp về xây dựng các Nghị định thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư hôm 22/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, nghị định ban hành ra phải đi vào thực tiễn cuộc sống với tinh thần là cởi trói, tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp để đầu tư phát triển, bỏ giấy phép con. Những quy định nếu thấy không phải là những điều kiện kinh doanh thì đều phải gạt bỏ trước khi trình Thủ tướng ký ban hành. “Chúng ta bảo đảm về tiến độ nhưng cũng bảo đảm về chất lượng. Ranh giới giữa điều kiện kinh doanh với quy chuẩn kỹ thuật thì quan điểm là thà bỏ sót còn hơn đưa vào nghị định để trói buộc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu quan điểm.

Tạo cú hích đầu tiên, Bộ Tài chính chuẩn bị trình Chính phủ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35. Theo đó, Bộ dự kiến trình 2 phương án xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016). Phương án 1: Áp dụng thuế suất phổ thông 17% từ 1/1/2016 đến hết năm 2020 cho DN vừa và nhỏ. Phương án 2: Áp dụng thuế phổ thông 15% từ 1/1/2016 đến 2020 (mức thuế phổ thông hiện nay đang áp dụng là 20%).

Từ trước đến nay, cộng đồng DN là đội ngũ tạo ra được nhiều việc làm cho xã hội, đó là cơ sở để đảm bảo an sinh, đời sống xã hội. Đồng thời, đội ngũ này cũng chính là lực lượng lao động cơ bản đóng góp nhiều cho ngân sách xã hội. Thời gian qua, chúng ta đã nhìn nhận đầy đủ, chính xác vai trò, vị trí của cộng đồng DN trong sự phát triển kinh tế đất nước. Tiếc là các giải pháp, chính sách khích lệ, động viên tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN vẫn chưa được thực thi đúng mực, cho nên đóng góp của cộng đồng DN chưa tương xứng với tiềm năng. Chúng ta hy vọng sự đổi thay lớn từ Nghị quyết 35.

Thế Lữ