Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đã xử lý được 678.403 triệu đồng

Trần Quý

Thứ ba, 27/08/2024 - 09:42

(Thanh tra) - Thông tin trên được ông Đậu Minh Thanh, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng chia sẻ với PV Báo Thanh tra về kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 1229/KL-TTCP ngày 30/5/2023 của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng được Thanh tra Chính phủ thanh tra.

Tính đến ngày 30/6/2024, các tổng công ty đã thực hiện xử lý tài chính và nộp ngân sách 678.403 triệu đồng. Ảnh: TQ

Ông Thanh cho biết, đến hết ngày 15/7/2024, Bộ Xây dựng đã nhận được 11/11 báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra của các tổng công ty.

Việc sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước theo đề án, ông Thanh cho biết, đối với Tổng Công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN), Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (SONGDA), Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 - CTCP (FICO), Tổng Công ty LICOGI-CTCP (LICOGI), Bộ Xây dựng đã thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại 4 tổng công ty theo đúng kế hoạch (trước ngày 31/8/2020), được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020. Việc rà soát, quyết định phê duyệt và triển khai phương án sắp xếp cơ cấu lại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết của 4 tổng công ty trên mà Kết luận thanh tra số 1229/KL-TTCP nêu thuộc thẩm quyền của SCIC và tổ người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Đối với Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - CТСР (LILAMA), Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (HANCORP), Bộ Xây dựng tiếp tục là cơ quan đại diện chủ sở hữu tại 3 tổng công ty trên. Giai đoạn 2021-2025, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 382/QĐ-BXD ngày 11/4/2023 về kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022-2025.

Bộ Xây dựng đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại giai đoạn 2021- 2025: Quyết định số 858/QĐ-BXD ngày 18/8/2023 đối với HUD; Quyết định số 528/QĐ-BXD ngày 11/6/2024 đối với VICEM; đang thẩm định để có ý kiến với người đại diện phần vốn Nhà nước tại HANCORP để thông qua Đề án Cơ cấu lại HANCORP theo thẩm quyền.

“Hiện tại, các tổng công ty đang tích cực, nghiêm túc thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại các danh mục đầu tư theo kế hoạch trong Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025”, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết.

Kết quả thoái vốn Nhà nước tại các tổng công ty theo kết luận thanh tra, ông Thanh cho biết, đối với CC1, tháng 11/2020, Bộ Xây dựng đã thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước (chiếm 40,53% vốn điều lệ) tại Tổng Công ty CC1. Nhà nước thu về 1.022 tỷ đồng theo đúng kế hoạch tại Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Tổng Công ty VIGLACERA - CTCP (VIGLACERA) và VICEM, các tồn tại theo Kết luận thanh tra số 1229/KL-TTCP nêu đã được Hội đồng Thành viên VICEM, người đại diện phần vốn Nhà nước tại VIGLACERA rà soát, đánh giá và cập nhật vào kế hoạch để triển khai thực hiện trong nội dung Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt/thông qua.

Đối với nội dung, sau cổ phần hóa, nhiều tổng công ty có tỷ lệ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rất cao, ông Thanh cho biết, về cơ bản Bộ Xây dựng đã thực hiện thoái vốn và chuyển giao về SCIC theo đúng kế hoạch được giao (trước 31/8/2020 đã chuyển giao LICOGI, FICO, VIWASEEN, SONGDA, Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam - CTCP (VNCC); thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại CC1, Công ty IDICO, Công ty SONGHONG, thoái giảm vốn Nhà nước về dưới 51% tại VIGLACERA). Hiện tại, Bộ Xây dựng đã và đang triển khai công tác tái cơ cấu (sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước) tại các tổng công ty do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu.

Đối với nội dung Tổng Công ty VIWASEEN thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty Viwaseen Huế số tiền (tạm tính) là 7.154 triệu đồng, nguy cơ gây thất thoát vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, phải được xử lý theo quy định. Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đã làm việc với Bộ Xây dựng về nội dung liên quan đến việc thoái vốn đầu tư của VIWASEEN tại Viwaseen Huế. Bộ Xây dựng đã cung cấp thông tin, hồ sơ và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an theo yêu cầu.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đang vào cuộc vụ Tổng Công ty VIWASEEN thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty Viwaseen Huế. Ảnh: TQ

Đối với việc COMA chuyển nhượng 1.000.000 cổ phần tại Công ty Cổ phần Địa ốc COMA cho Vietradico, theo ông Thanh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành kiểm tra và sẽ có báo cáo kết quả để xử lý theo quy định việc COMA chuyển nhượng 1.000.000 cổ phần tại Công ty Cổ phần Địa ốc COMA cho Vietradico theo nội dung yêu cầu tại Kết luận thanh tra số 1229/KL-TTCP.

Đối với nội dung Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý tài chính và nộp ngân sách Nhà nước 5.690.456 triệu đồng, trong đó, xử lý tài chính 46.543 triệu đồng; nộp ngân sách 5.643.913 triệu đồng.

Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, tính đến ngày 30/6/2024, các tổng công ty đã thực hiện xử lý tài chính và nộp ngân sách 678.403 triệu đồng (xử lý tài chính 31.101 triệu đồng; nộp tiền vào ngân sách 647.302 triệu đồng).

Đang thực hiện xử lý tài chính và nộp ngân sách 492.197 triệu đồng (xử lý tài chính là 15.442 triệu đồng; phải nộp vào ngân sách 476.755 triệu đồng). Giá trị các khoản đang thực hiện, chủ yếu là các tổng công ty đang kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn xử lý tài chính và đề nghị miễn tiền lãi do chậm nộp khoản chênh lệch tăng giữa giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần với giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Chưa phải thực hiện/không phải thực hiện 4.520.537 triệu đồng (chưa phải thực hiện 3.013.537 triệu đồng; không phải thực hiện 1.507.000 triệu đồng). Trong đó đối với số tiền tạm tính 4.518 tỷ đồng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo VICEM thực hiện xử lý tài chính gồm:

Xử lý tài chính khi cổ phần hóa. Hiện nay chưa phải thực hiện. Lý do theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, VICEM chưa phải thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2021-2025.

Xử lý chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tăng vốn điều lệ của VICEM để xử lý theo quy định.

Những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của Decoimex tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đã làm việc với COMA. Tổng Công ty đã cung cấp thông tin, hồ sơ và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an theo yêu cầu.

“Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện, đối với 5 tổng công ty do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu (VICEM; LILAMA; HANCORP; VIGLACERA; COMA). Căn cứ báo cáo của các tổng công ty, Bộ Xây dựng sẽ làm việc trực tiếp với một số đơn vị để làm rõ việc thực hiện xử lý tài chính theo kết luận thanh tra, thu thập các tài liệu chứng minh đã nộp tiền vào ngân sách của các đơn vị và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện một số nội dung liên quan (nếu có)”, ông Thanh cho biết.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

An Giang: Bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt

An Giang: Bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt

(Thanh tra) - Ngày 20/11, Công an tỉnh An Giang cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi (sinh năm 1991), Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt để điều tra về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cảnh Nhật

17:05 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm