Thanh tra tỉnh Hải Dương vừa có Kết luận thanh tra số 834/KL-TTr về việc thu, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đối với UBND huyện Tứ Kỳ, các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc UBND huyện Tứ Kỳ và UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Tứ Kỳ.

Qua thanh tra cho thấy, tại huyện Tứ Kỳ, UBND xã Đại Sơn ký 40 hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích với các hộ dân có thời hạn trên 5 năm đến 50 năm.

UBND xã Đại Sơn còn ký hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích với Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Tân Thuận Cường.

Ngoài ra, UBND xã Đại Sơn xác nhận hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Đoàn Văn Chín và ông Nguyễn Đức Nhật chưa đúng quy định tại khoản 5 Điều 67 Luật Đất đai số 13/2003/QH11 ngày 26/11/2003, khoản 3 Điều 132, khoản 5 Điều 126 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013.

Tương tự, UBND xã Hưng Đạo ký 7 hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích với các hộ dân có thời hạn trên 10 năm đến 50 năm.

UBND xã Hưng Đạo ký 2 hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích với 2 hộ dân sử dụng làm ki ốt, quán bán hàng chưa đúng quy định tại khoản 5 Điều 67 Luật Đất đai số 13/2003/QH11 ngày 26/11/2003 và khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013.

UBND xã Đại Hợp ký hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích với 119 hộ dân có thời hạn 20 năm và thu tiền hằng năm chưa đúng quy định tại khoản 5 Điều 67 Luật Đất đai số 13/2003/QH11 ngày 26/11/2003 và khoản 5 Điều 126 của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013.

Cơ quan thanh tra phát hiện, UBND xã Minh Đức, lãnh đạo thôn Mép ký hợp đồng thỏa thuận cho phép các đơn vị viễn thông đặt trạm phát sóng trên diện tích đất thuộc quỹ đất công ích do UBND xã quản lý là không đúng quy định tại khoản 2, Điều 7, Luật Đất đai 2013. 3 thôn và 2 cá nhân ký hợp đồng bảo vệ trông coi, làm vệ sinh, duy tu, bảo dưỡng với các đơn vị viễn thông nhưng bản chất trả tiền thuê trạm phát sóng.

Bên cạnh đó, các xã thực hiện một số khoản chi chưa phù hợp theo quy định. Cụ thể, năm 2021, năm 2022, UBND xã Đại Sơn và xã Hưng Đạo chi tiền công tác phí khoán cho toàn bộ cán bộ, công chức nhưng không giải trình được căn cứ phải thường xuyên đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng là chưa phù hợp theo quy định tại Điều 6 Quyết định 32/2017/QĐ-UBND ngày 19/12/2017 của UBND tỉnh Hải Dương, trong đó xã Đại Sơn là 100 triệu đồng, xã Hưng Đạo là 64  triệu đồng.

Trong khi đó, một số xã thực hiện công khai ngân sách chưa đầy đủ theo quy định như: Không niêm yết công khai dự toán, quyết toán tại trụ sở UBND xã theo quy định; không công khai chỉ tiêu, biểu mẫu và thuyết minh làm căn cứ trình HĐND xã quyết định dự toán ngân sách xã và kế hoạch hoạt động tài chính khác ở xã theo quy định; mẫu, biểu thực hiện công khai dự toán và quyết toán ngân sách hằng năm chưa đầy đủ, chưa đúng theo quy định.

Đáng chú ý, năm 2016, UBND xã Đại Hợp nhận tiền bồi thường trạm bơm Cống Bía và trạm bơm Độ Trung hơn 1,1 tỷ đồng nhưng không nộp ngân sách là không đúng quy định Luật Ngân sách.

Thanh tra tỉnh đề nghị UBND các xã được thanh tra tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến những hạn chế, thiếu sót được nêu trong kết luận thanh tra, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những hạn chế, thiếu sót trong thu, quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí.

UBND các xã Đại Sơn, Hưng Đạo, Đại Hợp thực hiện thanh lý hợp đồng với các hộ gia đình, cá nhân và Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Tân Thuận Cường được UBND các xã cho thuê đất không đúng quy định pháp luật về đất đai. UBND xã Minh Đức chấm dứt việc lãnh đạo thôn Mép ký hợp đồng thỏa thuận cho phép đơn vị viễn thông đặt trạm phát sóng trên diện tích đất thuộc quỹ đất công ích do UBND xã quản lý. UBND xã Đại Hợp nộp vào ngân sách hơn 500 triệu đồng tiền bồi thường trạm bơm chưa sử dụng.

Hoàng Long