Xã cho 4.144 trường hợp thuê đất không đúng quy định

Trong việc cho thuê đất thuộc quỹ đất công ích do UBND cấp xã quản lý, theo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Thái Bình, tổng diện tích loại đất này trên địa bàn huyện Kiến Xương là 874,176ha (gồm đất 5% công ích và các loại đất khác), đã cho thuê 463,963ha (đạt 53,18%); chưa cho thuê 410,213ha (chiếm 46,82%).

Tổng số tiền cho thuê đất là 12.494,545 triệu đồng. Trong đó, đã thu 11.468,602 triệu đồng; còn nợ đọng 1.025,943 triệu đồng.

Đáng nói, trong giai đoạn 2018 - 2022, các xã trên địa bàn huyện Kiến Xương đã cho 4.144 trường hợp thuê với diện tích 303,222ha không đúng quy định tại Khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai năm 2013.

Cụ thể, không thông qua đấu giá 303,222ha với 4.144 trường hợp. Có 8 trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê đất với diện tích 15,59ha không phải người địa phương (xã Thượng Hiền 2 trường hợp; Tây Sơn 4 trường hợp; Lê Lợi 2 trường hợp).

32 trường hợp sử dụng không đúng mục đích thuê đất. Trong đó, 29 trường hợp xây dựng các nhà tạm, lán trại trông coi với tổng diện tích vi phạm khoảng 850m2; 3 trường hợp sử dụng 0,7038ha vào mục đích kinh doanh.

Cụ thể, tại xã Tây Sơn, ông Trần Văn Hữu đã sử dụng 5.500 m² đất công ích làm bãi tập kết kinh doanh vật liệu. Tại xã Thượng Hiền, ông Phạm Ngọc Hải đã san lấp mặt bằng, làm đường và xây dựng xưởng sản xuất sàng lọc phế liệu nhôm, nấu đúc nhôm trên diện tích 1.088m² đất công ích; ông Nguyễn Văn Trường sử dụng 450m² đất công ích để xây dựng lán để xe.

Bên cạnh đó, xã Tây Sơn và Thượng Hiền cho 25 trường hợp thuê đất công ích với diện tích 11,484ha không đúng về thời hạn cho thuê (quá 5 năm). Thời điểm thuê từ năm 2015 đến trước tháng 4/2020. Các trường hợp thuê đất đã thanh toán tiền cho cả thời gian thuê; đến thời điểm hiện tại, các xã chưa thanh lý hợp đồng để xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, một số xã chưa có phương án, biện pháp để thu dứt điểm 1.025,943 triệu đồng tiền nợ đọng thuê đất công ích.

Đối với việc cho thuê đất thuộc thẩm quyền cấp huyện, trong giai đoạn 2018 - 2022, UBND huyện Kiến Xương đã ký quyết định cho 8 cá nhân thuê đất với diện tích 150.184,4m² (thuê đất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp 145.598,9m²; thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp 4.585,5m²); đã cấp giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất cho 8/8 trường hợp.

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 6/2023, còn 2 hộ chưa nộp tiền thuê đất.

Tại xã Tây Sơn, có 2 trường hợp vi phạm trên đất thuê của UBND huyện. Cụ thể, ông Bùi Văn Cường đã xây tường bao trên mái đê và trong phạm vi bảo vệ đê; xây cổng, dựng cột bê tông và căng lưới B40 trên diện tích đất thuê từ năm 2020.

Ông Bùi Văn Miu xây dựng nhà ở 75m² trên diện tích đất thuê và đã chuyển nhượng cho ông Bùi Văn Cường. Đến thời điểm hiện tại, những vi phạm của hộ ông Cường chưa được xử lý dứt điểm.

Buông lỏng việc chuyển mục đích sử dụng đất, quản lý bến bãi

Trong giai đoạn từ 1/1/2018 đến 31/12/2022, trên địa bàn huyện Kiến Xương có 24 bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng hoạt động. Trong đó, có 13 bến bãi nằm trong quy hoạch; 11 bến bãi nằm ngoài quy hoạch.

Trong 13 bến bãi nằm trong quy hoạch, có 7 bến bãi đang hoạt động chưa có quyết định cho thuê đất của cấp có thẩm quyền; 1 bến bãi do UBND xã Minh Tân cho bà Ngô Thị Minh thuê đất để làm bến bãi nhưng chưa thực hiện thanh lý hợp đồng cho thuê; 1 bến bãi tại xã Vũ Bình do ông Nguyễn Văn Điệp tự ý sử dụng đất để làm bến bãi vật liệu.

8 bến bãi đang hoạt động nhưng không có cấp có thẩm quyền quản lý, không thực hiện nghĩa vụ tài chính (các xã: Lê Lợi, Tây Sơn, Trà Giang, Vũ Bình mỗi xã 1 bến bãi; riêng xã Minh Tân 4 bến bãi).

Đặc biệt, đối với 11 bến bãi nằm ngoài quy hoạch, UBND huyện Kiến Xương chưa chấm dứt hoạt động và thực hiện giải toả theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình; 4 bến bãi đang hoạt động không có cấp có thẩm quyền quản lý, không thực hiện nghĩa vụ tài chính; 5 bến bãi do UBND các xã, thị trấn cho thuê đất để làm bến bãi chưa thực hiện thanh lý hợp đồng cho thuê…

Trong giai đoạn 2018 - 2022, huyện Kiến Xương đã thực hiện tổng số 155 công trình công cộng với tổng diện tích 44,63299ha. Có 9 công trình được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Trong 9 công trình được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, mới chỉ có 4 công trình kê khai và nộp vào ngân sách Nhà nước tiền bảo vệ đất trồng lúa, số tiền 78.546.600 đồng. Còn 146 công trình công cộng, UBND các xã chưa lập hồ sơ đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giai đoạn này, UBND huyện Kiến Xương đã cho phép chuyển mục đích, công nhận quyền sử dụng đất cho 2.688 trường hợp với diện tích 45,497ha.

Kết quả kiểm tra 855 hồ sơ (648 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, 207 hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất) của 8 xã, thị trấn cho thấy, có 168 trường hợp có đơn xin chuyển mục đích không theo mẫu quy định; 168 trường hợp không có biên bản kiểm tra xác minh tại thực địa; 125 trường hợp có thời gian thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất không đảm bảo…

Có 46 trường hợp là hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích 9.502,8m² từ đất trồng lúa sang đất ở chưa nộp 199.550.400 đồng tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định.

Ngoài ra, có 171 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, tổng diện tích 21,370ha. Đáng nói, chính quyền mới chỉ xử lý dứt điểm 38 trường hợp, diện tích 1,106 ha; đã xử lý nhưng chưa dứt điểm 110 trường hợp, diện tích 8,764 ha (UBND xã mới lập biên bản vi phạm, chưa triển khai bước tiếp theo); chưa xử lý 23 trường hợp, diện tích 11,5ha...

Trọng Tài