Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thái Bình: Phát triển kinh tế xã hội bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường

Trọng Tài

Chủ nhật, 10/12/2023 - 13:38

(Thanh tra) - Hiện nay, tỉnh Thái Bình đang trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, quan điểm xuyên suốt của tỉnh là: “Phát triển kinh tế xã hội bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường”.

Thái Bình phát triển kinh tế theo hướng mở rộng không gian ra biển. Ảnh: Trọng Tài

Coi trọng bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn ven biển

UBND tỉnh Thái Bình cho biết, quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, trong gần 10 năm qua, tỉnh rất coi trọng công tác bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế tạo sinh kế cho người dân ven biển.

Điển hình, tỉnh đã chú trọng việc bảo tồn và sử dụng có hiệu quả toàn bộ diện tích vùng đất ngập nước được UNESCO công nhận trên địa bàn huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải; cũng như khu vực ngoài biển khơi cách bờ biển 6 hải lý.

Cùng với đó, duy trì, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, nuôi trồng thủy sản trên khu vực bãi triều ven biển; gắn bảo vệ môi trường với phòng, chống thiên tai có hiệu quả và tạo sinh kế cho người dân ven biển… Xây dựng các mô hình sinh kế dưới tán rừng khoảng 2.000/4.300ha rừng để nuôi ong mật, nuôi vịt biển, tạo nông sản xanh, an toàn; xây dựng mô hình du lịch sinh thái dưới tán rừng tạo công ăn việc làm, gia tăng giá trị từ rừng.

Đồng thời, thường xuyên trang bị các kiến thức về khoa học, sản xuất nông nghiệp bền vững, canh tác cây trồng và nuôi trồng thủy sản theo hướng giảm phát thải nhà kính và thuận theo tự nhiên tại các vùng cửa sông, bãi bồi (nuôi Ngao 2.800ha; nuôi Rươi, nuôi Cáy gần 1.000ha) để bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực được UNESCO đã công nhận; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân ven biển, ven cửa sông.

Tỉnh Thái Bình đã dành nhiều nguồn lực để phát triển mạnh rừng ngập mặn ven biển; thực hiện việc cắm mốc, phân loại rừng. Ảnh: Trọng Tài

Đặc biệt, từ năm 2019 nay, toàn bộ diện tích rừng của tỉnh được phân lô, cắm mốc xác định rõ vị trí và diện tích của từng địa phương, thuận lợi cho công tác quản lý bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng; công tác quản lý bảo vệ rừng được coi trọng, không có tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng xảy ra trên địa bàn; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Hàng năm, địa phương đã tổ chức các hoạt động thiết thực để hưởng ứng Ngày đất ngập nước; năm 2023, tỉnh phối hợp cùng với Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí tổ chức phát động trồng rừng tại xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy) và đã trồng 30.000 cây rừng tại các vùng đất ngập nước.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã dành nhiều nguồn lực, thu hút nhiều dự án để phát triển mạnh rừng ngập mặn ven biển; thực hiện việc cắm mốc, phân loại rừng.

Mặc dù thực tế những năm qua cho thấy, việc phát triển rừng gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, thủy văn nhưng diện tích rừng vẫn tăng nhanh qua từng năm; từ 3.709ha năm 2015, đến nay, Thái Bình đã có gần 4.300ha rừng, đáp ứng đủ các tiêu chí của rừng phòng hộ và đặc dụng, giúp phòng chống thiên tai có hiệu quả và cải thiện rõ rệt môi trường sinh thái vùng ven biển, tạo sinh kế cho nhiều người dân ven biển.

Thái Bình có hơn 54km đường bờ biển, hội tụ nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Ảnh: PV

Với quan điểm, định hướng rõ ràng, trong những năm tới, Thái Bình sẽ tiếp tục trồng thêm nhiều diện tích rừng mới; phấn đấu đến năm 2030, tỉnh sẽ trồng thêm hơn 1.000ha rừng.

Khu kinh tế - khát vọng phát triển của nhân dân Thái Bình

Ngày 29/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg về việc thành lập Khu Kinh tế Thái Bình.

Đến năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1486/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình, với diện tích hơn 30.500ha; bao gồm 31 xã, thị trấn khu vực ven biển của 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Theo quy hoạch, Khu Kinh tế Thái Bình có 5 khu chức năng chính, gồm: Trung tâm điện lực (853ha); các KCN (KCN) - đô thị - dịch vụ, KCN và cụm công nghiệp (8.020ha); khu cảng biển và các khu bến (khoảng 500ha); các khu du lịch và dịch vụ tập trung (3.110ha); các đô thị; các khu dân cư nông thôn và nông nghiệp tập trung.

Khu Kinh tế Thái Bình. Ảnh:PV

Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình đã được các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành Trung ương xây dựng, thẩm định trên các sở cứ khoa học và thực tiễn, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Thái Bình; đảm bảo khoa học, khách quan giữa giữ gìn, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế… Trong đó, chỉ rõ các diện tích, phân khu để tập trung bảo vệ và phát triển rừng, xác lập các diện tích bảo tồn đa dạng sinh học...

Trong 3 năm qua, tỉnh Thái Bình đã khẩn trương cụ thể hoá, triển khai trên thực địa các định hướng phát triển Khu Kinh tế Thái Bình. Các khu công nghiệp (KCN) được xây dựng và trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Phân khu chức năng nhanh chóng được hình thành. Diện tích rừng ngập mặn tập trung và khu bảo tồn tiếp tục được đầu tư và nâng cao chất lượng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của người dân, việc xây dựng và phát triển khu kinh tế đã được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Tỉnh đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 đối với 11 khu chức năng; hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 700ha đất để bàn giao cho nhà đầu tư hạ tầng làm cơ sở thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Một góc KCN Liên Hà Thái (Khu Kinh tế Thái Bình). Ảnh: CTV

Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, kế hoạch phát triển khu kinh tế; tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối. Đến nay, Khu Kinh tế Thái Bình đã thu hút được dự án hạ tầng KCN Liên Hà Thái, KCN Hải Long và một số dự án sản xuất công nghiệp có quy mô khá lớn, như: Dự án sản xuất chân cắm ram của Công ty Lotes 120 triệu USD; dự án sản xuất điện thoại, máy tính bảng, thiết bị thông minh của Công ty Compal 260 triệu USD; dự án sản xuất thiết bị làm vườn của Công ty TNHH Greenworks 200 triệu USD... Hiện, đang triển khai thủ tục đầu tư đối với dự án hạ tầng KCN VSIP và có nhiều nhà đầu tư đang nghiên cứu đầu tư vào khu kinh tế.

Tổng vốn đầu tư thu hút vào khu kinh tế đến nay khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD). Trong đó, vốn đầu tư FDI đạt hơn 1 tỷ USD, cao hơn tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh cả giai đoạn 2020 trở về trước; góp phần đưa Thái Bình xếp thứ 15, 16 của cả nước về thu hút FDI năm 2021, 2022 (nằm trong top 10 của cả nước về thu hút FDI cấp mới năm 2022)…

Khu Kinh tế Thái Bình là khát vọng phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược để tăng trưởng kinh tế. Với việc tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cùng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2021 - 2025, khu kinh tế sẽ thu hút đầu tư được 5 tỷ USD; phát triển toàn diện về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Chủ trương nhất quán của tỉnh Thái Bình là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Khát vọng “tiến xa ra biển, làm giàu từ biển” đã được tỉnh định hình bằng những quy hoạch chi tiết, bài bản, hướng tới tương lai. Lịch sử đang trao cho lãnh đạo và người dân Thái Bình cơ hội “tiến ra biển lớn” để tạo ra những bước phát triển đột phá, chưa từng có…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.

Đông Hà + Thanh Hoa

09:00 12/12/2024
Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

(Thanh tra) - Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào quản lý, điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng là tất yêu và đòi hỏi sự cấp bách. Với chủ trương mang đến những tiện ích tối đa cho khách hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đã liên tục hiện đại hoá, áp dụng công nghệ từ khâu tìm kiếm, lựa chọn phương tiện cho tới khâu thanh toán, sử dụng.

Cao Sơn

07:05 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm