Theo Bộ GDĐT, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở đào tạo ĐH lớn, có bề dày truyền thống và uy tín trong nước và quốc tế; có đội ngũ viên chức, người lao động có kiến thức và trình độ chuyên môn cao; đã đào tạo ra hàng nghìn học viên trong các lĩnh vực đào tạo sư phạm kỹ thuật; được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng nhiều huân chương cao quý.

Trường cũng là đơn vị được thực hiện tự chủ trong các lĩnh vực hoạt động liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân sự, quản lý tài chính, tài sản và việc thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo, nghiên cứu khoa học, đã đảm bảo tự chủ được 100% kinh phí chi thường xuyên, thu nhập của viên chức, người lao động được cải thiện qua các năm; đảm bảo chi các hoạt động chuyên môn, mua sắm tài sản và các khoản chi khác.

Tuy nhiên, Bộ GDĐT đã chỉ ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về công tác quản lý tài chính, trường còn nhiều hạn chế, thiếu sót, sai phạm.

Trong việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí cấp bù, miễn giảm học phí sư phạm do Bộ GDĐT cấp trong năm 2014, trường thực hiện rút dự toán hơn 8,5 tỷ đồng được giao theo Quyết định số 222/QĐ-BGDĐT ngày 23/1/2014 và hơn 14,8 tỷ đồng được Bộ GDĐT giao theo Quyết định số 5731/QĐ-BGDĐT ngày 4/12/2014, là không đúng quy định tại Điều 9, Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BTC-BGDĐT-BLĐTBXH.

Qua kiểm tra, xác minh, việc quyết toán kinh phí cấp bù, miễn giảm học phí sư phạm được giao năm 2014, trường đã làm thủ tục rút toàn bộ số tiền hơn 23,3 tỷ đồng kinh phí cấp bù, miễn giảm học phí sư phạm, là không tuân thủ đúng các quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BTC-BGDĐT-BLĐ&TBXH, Thông tư số 199/2013/TT-BTC và Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002, dẫn đến phải thu hồi số tiền sử dụng không đúng mục đích hơn 11 tỷ đồng do quyết toán không dựa trên số lượng đối tượng thực tế được hưởng chính sách miễn, giảm học phí và mức học phí theo quy định.

Khi chưa có văn bản quy định cụ thể quy trình thực hiện việc mở các lớp, quy định về quản lý việc tổ chức các lớp học, nhưng Phòng Đào tạo của trường đã triển khai thực hiện theo nhiều cách khác nhau, dẫn đến tình trạng cách thức thực hiện, quản lý không thống nhất khi thu, quản lý, sử dụng tiền mở lớp ôn tập thi cao học; lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn; lớp ôn tập và thi sát hạch tiếng Anh.

Không những vậy, Phòng Đào tạo còn phát hành văn bản mở các lớp đào tạo, ký các biên bản thoả thuận, hợp đồng không lấy số, đóng dấu của trường, không đúng theo quy định của trường; tổ chức thu hơn 856,7 triệu đồng học phí lớp ôn tập thi cao học; 271 triệu đồng học phí lớp ôn tập và thi sát hạch tiếng Anh và 156 triệu đồng tiền lệ phí tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ bằng phiếu thu tự in, không phải biên lai của Phòng Kế hoạch Tài chính (KHTC); không kịp thời báo cáo và nộp về trường để hạch toán vào sổ sách kế toán toàn bộ số tiền trên, là không chấp hành đúng quy định.

Việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí cấp bù học phí sinh viên sư phạm; cấp bù tiền miễn, giảm học phí do Bộ GDĐT cấp trong năm 2014 cho trường, thuộc trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị tại thời điểm năm 2014 là ông Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng và ông Lê Hiếu Giang - Phó Hiệu trưởng.

Phòng KHTC tại thời điểm năm 2014 chịu trách nhiệm về việc xây dựng hồ sơ rút dự toán; bà Trương Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng (kế toán trưởng tại thời điểm năm 2014) chịu trách nhiệm về việc ký giấy rút dự toán ngân sách, bảng kê chứng từ thanh toán, danh sách chi trả tiền miễn, giảm học phí và việc đề xuất sử dụng kinh phí cấp bù học phí sinh viên sư phạm, cấp bù tiền miễn, giảm học phí không đúng quy định.

Đối với việc thu, quản lý, sử dụng tiền mở lớp ôn tập thi cao học, lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, lớp ôn tập và thi sát hạch tiếng Anh và việc cho phép người học được chuyển điểm sau khi học chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức khi học chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ tại trường, trách nhiệm thuộc về các cá nhân, đơn vị trong giai đoạn 2018 - 2020 là ông Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng và ông Lê Hiếu Giang - Phó Hiệu trưởng.

Bộ GDĐT kiến nghị Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền hơn 11 tỷ đồng khoản kinh phí rút dự toán, quản lý sử dụng không đúng quy định.

Chỉ đạo Phòng Đào tạo rà soát và nộp lại toàn bộ các khoản thu từ việc tổ chức các lớp ôn tập thi cao học, lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, lớp ôn tập và thi sát hạch tiếng Anh về trường, nộp hồ sơ quyết toán về Phòng KHTC đối với các hoạt động chưa nộp hồ sơ quyết toán để xem xét việc thực hiện quyết toán; yêu cầu các đơn vị liên kết chuyển trả số tiền trường được hưởng theo thỏa thuận từ các hợp đồng đã ký của hơn 2,3 tỷ đồng thu từ các hoạt động mở lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, để hạch toán vào sổ sách kế toán của trường theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo Phòng Đào tạo, Phòng KHTC cùng phối hợp rà soát lại toàn bộ hồ sơ chứng từ đã chi cho hoạt động mở lớp ôn tập thi cao học, lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, lớp ôn tập và thi sát hạch tiếng Anh, thu tiền lệ phí tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ theo quy định của pháp luật kế toán, tài chính và quy chế chi tiêu nội bộ của trường. Đối với những khoản đã thực chi và chi đúng quy định của pháp luật thì được phép quyết toán theo quy định và phải hạch toán đầy đủ vào sổ sách kế toán, điều chỉnh lại các báo cáo tài chính theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với những khoản chi sai quy định, đề nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước. Trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thanh, quyết toán theo quy định.

Trong quá trình kiểm soát chứng từ thu, chi quyết toán, nếu phát hiện có dấu hiệu giả mạo, hợp thức hóa chứng từ, tài liệu, thì trường có trách nhiệm chuyển cơ quan công an tiến hành điều tra, xác minh để xử lý theo thẩm quyền.

Bộ GDĐT cũng yêu cầu chấm dứt việc cho phép học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn được chuyển điểm, miễn học môn học đã học trong chương trình này khi học chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ của trường; chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, quản lý đào tạo và phát hành văn bản hành chính; xây dựng văn bản quy định cụ thể quy trình mở lớp; quy định về quản lý, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm công tác quản lý được chặt chẽ.

Tổ chức xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý của trường trong việc để xảy ra các hạn chế, thiếu sót, sai phạm nêu tại kết luận thanh tra.

Thanh tra Bộ có trách nhiệm tổng hợp việc theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra, báo cáo Bộ trưởng theo quy định.

Lê Phương