Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hàng loạt vi phạm về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

Thái Hải

Thứ năm, 16/07/2020 - 16:56

(Thanh tra) - Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh vừa ký thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh: Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang (giai đoạn 2011-2017).

Hàng loạt vi phạm về việc BVMT trong khai thác khoáng sản tại 6 tỉnh. Ảnh minh họa: Internet

Nợ, chậm nộp hàng chục tỷ đồng phí BVMT

Kết luận chỉ ra, tại Yên Bái, thời điểm thanh tra, các dự án còn nợ phí BVMT với tổng số tiền là 6.377 triệu đồng.

Đến hết năm 2019, còn 73 điểm mỏ nợ, chậm nộp tiền ký quỹ với tổng số tiền là 45.240 triệu đồng.

Tại Cao Bằng, đến thời điểm thanh tra (tháng 10/2018), các dự án khai thác khoáng sản (trong đó có một số mỏ hết hạn giấy phép khai thác, đang làm thủ tục đóng cửa mỏ) còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là 5.442,7 triệu đồng. Ngoài racác doanh nghiệp còn nợ phí BVMT với số tiền 3.118 triệu đồng.

Tại tỉnh Bắc Kạn, kết luận chỉ ra, các doanh nghiệp vẫn còn nợ 35.131 triệu đồng phí BVMT. Tại 6 dự án được thanh tra còn có một số hạng mục công trình BVMT chưa hoàn thành hoặc chưa đảm bảo về kích thước, yêu cầu theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cam kết BVMT đã được phê duyệt.

Tương tự, tại tỉnh Hà Giang, đến thời điểm thanh tra vẫn còn 26 dự án chưa nộp đủ số tiền ký Quỹ BVMT với tổng số tiền 38.210,98 triệu đồng; 17 dự án nợ phí BVMT với tổng số tiền 1.508,4 triệu đồng.

Tại tỉnh Lai Châu, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 21 dự án không lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường; 21 dự án không nộp, còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; 7 dự án nợ phí BVMT.

Tuyên Quang, tại thời điểm thanh tra, việc để 24 dự án nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với số tiền 4.144 triệu đồng; 22 dự án còn nợ phí BVMT với số tiền 4.105,0 triệu đồng.

Thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường sai quy định

Tại tỉnh Yên Bái, kết luận chỉ ra, việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, cam kết BVMT, đề án cải tạo phục hồi môi trường, có một số trường hợp chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM chưa nhìn nhận, đánh giá đầy đủ những khó khăn về địa hình nên bố trí công trình BVMT chưa phù hợp, tính khả thi chưa cao; trong khi đó hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM cũng chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện khó khăn về địa hình để yêu cầu đơn vị tư vấn, chủ đầu tư điều chỉnh cho phù hợp, dẫn đến có một số công trình không thực hiện được theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.

Trong số dự án thanh tra, có 8 cơ sở mặc dù chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành nhưng đã tiến hành khai thác.

Ngoài ra, trước khi đưa dự án vào khai thác, cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành các công trình BVMT theo quy định. Tuy nhiên, có một số dự án đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình BVMT trước khi vận hành, nhưng kết quả kiểm tra thực tế cho thấy còn có dự án có công trình BVMT được xây dựng nhưng không đầy đủ về hạng mục hoặc kích thước chưa đạt yêu cầu theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.

Tương tự, tại Cao Bằng, quá trình lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM tại một số dự án có chất lượng chưa tốt; đơn vị tư vấn chưa xác định được hết các yếu tố gây tác động xấu đến môi trường, một số phương án xử lý môi trường chưa phù hợp nhưng hội đồng thẩm định chưa kịp thời phát hiện dẫn đến một số nội dung trong báo cáo ĐTM được phê duyệt còn thiếu tính khả thi khi thực hiện trong thực tế.

Bên cạnh đó, có 14 mỏ chưa có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh, trong đó có 2 mỏ chưa khai thác, chủ dự án đã làm hồ sơ đóng cửa mỏ, 2 mỏ tạm dừng khai thác, 5 mỏ chưa khai thác do chưa giải phóng được mặt bằng, 5 mỏ đang hoạt động.

Việc UBND các huyện và Sở TN&MT để các đơn vị tự thuê, tự chuyển đổi hoặc chuyển nhượng đất trồng lúa của người dân để sử dụng vào hoạt động khoáng sản nhưng chưa có xác nhận về sự phù hợp quy hoạch sử dụng đất đối với hoạt động khoáng sản.

Kết luận cũng chỉ ra, có 2 dự án (Mỏ Thua Phia, huyện Trùng Khánh và Mỏ Chì kẽm Bản Bó, huyện Bảo Lâm) chưa hoàn thành các công trình BVMT, chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành nhưng vẫn tiến hành khai thác; 5 dự án thay đổi vị trí các hạng mục như trạm nghiền, bãi thải, bãi tập kết vật liệu… so với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt nhưng chủ đầu tư chưa báo cáo bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, chấp thuận để triển khai.

Đến thời điểm thanh tra (10/2018), trên địa bàn tỉnh còn 22 điểm mỏ giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn nhưng chủ đầu tư dự án chưa lập đề án đóng cửa mỏ. Cá biệt, có mỏ đã có quyết định phê duyệt đề án đóng của mỏ, tuy nhiên chủ đầu tư chưa thực hiện, cơ quan chuyên môn của tỉnh thiếu kiểm tra, đôn đốc như: Mỏ mangan Kha Mon, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh của Công ty Cổ phần khoáng sản NIKKO Việt Nam; đã có Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 16/5/2018 của UBND tỉnh Cao Bằng về đóng cửa mỏ, trong đó quy định thời gian đóng cửa mỏ là 5 tháng kể từ ngày quyết định có hiện lực, tuy nhiên đến thời điểm kiểm tra (10/2018), đơn vị chưa thực hiện.

Quỹ BVMT của các tỉnh hoạt động không thống nhất

Tại tỉnh Hà Giang, việc UBND tỉnh chi tổng số tiền 18.539 triệu đồng, trích từ nguồn thu phí BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ cho 7 công trình, dự án về thủy lợi, nhà lưu trú học sinh chưa đúng mục đích phục vụ công tác BVMT.

Bản cam kết BVMT do cấp huyện phê duyệt còn sơ sài, thiếu nội dung so với yêu cầu thực tế công tác BVMT mà dự án phải thực hiện. Qua thanh tra tại một số dự án khai thác khoáng sản thực tế cho thấy, vẫn còn có một số công trình BVMT trên thực tế chưa đúng với nội dung, yêu cầu được nêu trong báo cáo ĐTM được phê duyệt.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn còn 10 dự án chưa lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định9 dự án không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường khi hết hạn khai thác để được đóng cửa mỏ theo quy định.

Kết luận chỉ ra, có 6/13 dự án chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành, nhưng đã khai thác.

Việc để 4/13 dự án thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành gồm các đơn vị đã nêu trong phần kết quả thanh tra.

Có 4/13 dự án còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; 1/13 dự án không thực hiện việc nộp Báo cáo định kỳ kết quả quan trắc, giám sát môi trường, Báo cáo quản lý chất thải nguy hại gửi về Sở TN&MT.

Ngoài ra, cấp phép cho 5 dự án với tổng diện tích 159,23 ha, đã nhiều năm nay nhưng không tiến hành khai thác, không thực hiện nghiêm túc pháp luật về BVMT; 2 dự án đã kết thúc việc khai thác nhưng chủ đầu tư dự án không thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định pháp luật.

Trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp có đủ chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, gây khó khăn cho việc vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại của các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; hầu hết dự án khai thác khoáng sản được kiểm tra đều không lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác.

Tại một số dự án khai thác khoáng sản, việc khai thác còn chưa đảm bảo theo đúng thiết kế và biện pháp được phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động (nhất là đối với các mỏ đá, chủ dự án không thực hiện cắt tầng khai thác theo thiết kế được phê duyệt; chưa đảm bảo điều kiện an toàn lao động cho công nhân trong quá trình khai thác, vận chuyển…).

Việc UBND tỉnh Lai Châu quá chậm thành lập Quỹ BVMT tỉnh, dẫn đến các đơn vị khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường tại tài khoản Sở TN&MT mở tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Lai Châu là không đúng quy định.

Ngoài ra, kết luận chỉ ra, có 3 dự án nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Mỏ đồng Dần Thàng nợ 1.835 triệu đồng; Mỏ đá Sùng Chô 2 nợ 1.640 triệu đồng; Mỏ cuội, sỏi Đội 9, xã Phúc Than, huyện Than Uyên (Công ty TNHH Đạt Phát) nợ 36.863 triệu đồng.

Kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân qua các thời kỳ

Tại tỉnh Tuyên Quang, qua thanh tra một số dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, cho thấy vẫn còn một số dự án có công trình, hạng mục công trình BVMT chưa đảm bảo yêu cầu theo báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT được phê duyệt; còn có hạng mục công trình thiếu tính khả thi, có hạng mục chủ đầu tư không thể thực hiện được trên thực tế.

Một số dự án chưa hoàn thành công trình BVMT; không thực hiện báo cáo định kỳ về kết quả quan trắc, giám sát môi trường; một số dự án được cấp phép khai thác từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện dự án (chậm tiến độ), chưa khai thác khoáng sản, chưa tiến hành xây dựng các hạng mục công trình về BVMT; 2 dự án đã kết thúc việc khai thác từ trước năm 2013 nhưng chủ đầu tư dự án đến nay chưa thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường; có 3/17 dự án được thanh tra nêu trên chưa hoàn chỉnh thủ tục đất đai (chưa có quyết định cho thuê đất, chưa có hợp đồng cho thuê đất) là vi phạm Luật Đất đai.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang và Tuyên Quang tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra các tồn tại, khuyết điểm, sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, Chủ tịch UBND tỉnh có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý phù hợp đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nhiều khoản đầu tư tài chính tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, mất vốn tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam

Nhiều khoản đầu tư tài chính tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, mất vốn tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam

(Thanh tra) - Qua công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và 3 công ty con, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện nhiều khoản đầu tư tài chính tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, mất vốn, đồng thời kiến nghị nộp ngân sách gần 12 tỷ đồng.

Trần Quý

21:00 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm