Góp phần tạo việc làm, tăng thu ngân sách

Tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh các chợ trên địa bàn TP Hạ Long (các chợ không đầu tư theo hình thức BOT và BOO), Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ trước năm 2020, TP Hạ Long có 19 chợ. Sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, nâng tổng số lên 27 chợ; tổng diện tích đất các chợ đang quản lý hơn 155.000m2

Tổng vốn đầu tư nâng cấp, xây mới chợ trên địa bàn hơn 890 tỷ; trong đó, một số chợ có tổng mức đầu tư lớn, điển hình như: Chợ Cái Dăm 258 tỷ đồng; chợ Hạ Long II hơn 112 tỷ đồng; chợ Hà Khánh hơn 108 tỷ đồng...

Tại thời điểm thanh tra, có 2 chợ do Ban Quản lý chợ Hạ Long I quản lý (chợ Hạ Long I, chợ Trới ); có 8 chợ do UBND xã, phường quản lý (Cao Thắng, Hà Phong, Tân Dân, Đồng Sơn, Vũ Oai, Quảng La, Lê Lợi, Đồng Cao); 6 chợ giao quản lý qua hình thức đấu giá quyền khai thác kinh doanh (Ba Lan, Giếng Đáy, Hà Trung, Hà Khẩu, Việt Hưng, Tuần Châu).

Có 4 chợ giao qua hình thức cho thuê đất để đầu tư xây dựng (Hạ Long III, Hồng Hà, Hà Khánh, Bang); 6 chợ giao quản lý qua hình thức đầu tư BOT (Vườn Đào, Hà Lầm, Hà Tu, Cột 3, Sa Tô, Hạ Long II) và 1 chợ giao quản lý qua hình thức đầu tư BOO (Cái Dăm).

Thanh tra tỉnh Quảng Ninh nhận xét, công tác chuyển đổi mô hình quản lý, phát triển chợ, đầu tư xây dựng theo quy hoạch phát triển chợ trên địa bàn TP Hạ Long được triển khai sớm, mạnh mẽ. Qua đó, đã thu hút, tập trung được nguồn lực từ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp để đầu tư xây dựng, quản lý khai thác chợ, từng bước chuyên nghiệp, hiệu quả; tạo công ăn việc làm cho người lao động; đồng thời, tăng thu ngân sách địa phương…

Việc hoàn thành đầu tư, trong đó có nhiều D.A đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, sau khi đưa vào khai thác, kinh doanh đảm bảo khang trang, sạch sẽ, phục vụ tốt nhu cầu kinh tế, dịch vụ thương mại, phát triển du lịch; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, trật tự, an sinh, an toàn xã hội trên địa bàn.

Không kiểm tra, xử lý vi phạm

Tuy nhiên, kết luận thanh tra cũng nêu rõ, trong công tác chấp thuận chủ trương, quy hoạch, xây dựng, có nhiều D.A đầu tư hạng mục sai quy hoạch chi tiết được duyệt nhưng không được kiểm tra, xử lý vi phạm.

Cụ thể, D.A đầu tư xây dựng chợ Hồng Hà, CĐT thi công sai quy hoạch chi tiết, không đúng giấy phép được cấp hạng mục bổ sung 1 thang máy nội bộ phục vụ cán bộ, công nhân viên làm việc tại tầng 3.

Mở rộng diện tích tầng hầm 288m2, diện tích mở rộng nằm trong ranh giới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, hiện đang được bố trí khu vực để xe máy. Đến nay, chưa thực hiện khắc phục triệt để các nội dung kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra. Tại thời điểm thanh tra, đơn vị đang sử dụng tầng 4 để làm văn phòng công ty kết hợp làm Ban Quản lý chợ.

Cùng với đó, D.A đầu tư xây dựng chợ Hà Khánh, CĐT thi công sai quy hoạch chi tiết được UBND TP Hạ Long phê duyệt, gồm: 15 căn ki ốt trên diện tích bãi đỗ xe; công trình nhà văn phòng và trưng bày sản phẩm.

Quá trình khai thác D.A giai đoạn 1, CĐT tự ý sử dụng sai mục đích các ki ốt đã đầu tư, cho 10 hộ gia đình, cá nhân thuê lại. Doanh thu trước thuế do đơn vị báo cáo từ việc cho thuê sai mục đích, công năng hạng mục D.A (từ năm 2017 đến 2021) là hơn 216 triệu đồng.

Tương tự, tại D.A đầu tư chợ Bang, xã Thống Nhất, các sở, ngành chức năng, địa phương không quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để CĐT thi công một số hạng mục công trình (với giá trị khoảng 2 tỷ đồng) khi chưa đủ điều kiện khởi công (chưa được cho thuê đất, chưa hoàn thiện hồ sơ D.A, thiết kế...).

Doanh thu 5 năm (2017 đến 2021) từ hoạt động khai thác, kinh doanh chợ hơn 938 triệu đồng nhưng chưa phát sinh nộp ngân sách các khoản chi liên quan đến đất đai như thuế, phí, tiền thuê đất...

Không chỉ vậy, kết luận thanh tra còn cho biết thêm, có một số D.A đầu tư hạng mục sai quy hoạch chi tiết được duyệt, sau khi đưa vào sử dụng, khai thác, kinh doanh nhưng không được kiểm tra, xử lý vi phạm.

Cụ thể, tại chợ Hạ Long I, Ban Quản lý chợ đã thực hiện tôn nền, lắp dựng cột thép, lợp mái tôn, bố trí chỗ ngồi bán hàng hải sản lưu động và điểm ngành hàng nước đá.

Doanh thu trong ranh giới diện tích đất được giao nhưng sử dụng sai quy hoạch, gồm: Doanh thu trên diện tích ô tam giác theo quy hoạch là bãi tập kết xe và cây xanh gần 5,3 tỷ đồng; doanh thu trên diện tích nhà Ban Quản lý chợ cũ 94,5 triệu đồng.

Doanh thu trên phần diện tích đất ngoài ranh giới được thuê đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, gồm: Điểm trông giữ xe tại quảng trường chợ hơn 2,9 tỷ đồng; điểm kinh doanh nước đá, hải sản lưu động phía sau nhà chợ số 3 (diện tích khoảng 500m2) gần 4,5 tỷ đồng.

Tại chợ Trới, đơn vị quản lý chợ đã xây dựng, kinh doanh tại khu chợ tạm trên diện tích đất tạm giao quản lý (6.030m2); tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có hồ sơ, thủ tục pháp lý về đất đai theo quy định.

Theo số liệu báo cáo của đơn vị, doanh thu (từ năm 2017 đến 2021) của 45 ki ốt (đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng cho các hộ gia đình, cá nhân) có mái hiên đua ra phần đất của chợ Trới là gần 427 triệu đồng.

Bài 2: Đa số không nghiệm thu phòng cháy chữa cháy trước khi đưa vào khai thác

Trọng Tài