Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thường xuyên họp rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thanh tra

Phương Hiếu

Thứ năm, 04/05/2023 - 06:36

(Thanh tra) - Phó Cục trưởng Cục I Phạm Hùng chia sẻ như vậy khi nói về việc làm thế nào để nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra.

Phó Cục trưởng Cục I Phạm Hùng. Ảnh: LP

Công tác rút kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra của các cơ quan thanh tra, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ mà điển hình là tại Cục I là một trong nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thanh tra. Thông qua việc tổ chức sinh hoạt rút kinh nghiệm thường xuyên có thể đánh giá một cách tổng quát về thực trạng hoạt động trong quá trình thanh tra; qua đó thấy được những mặt mạnh, mặt yếu để tìm ra các nguyên nhân của những hạn chế từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Về phương pháp thực hiện, ngay khi kế hoạch thanh tra được phê duyệt, cấp ủy, lãnh đạo cục tổ chức cuộc họp mở rộng với trưởng các phòng nhằm đánh giá, phân tích đặc điểm, tính chất của từng cuộc thanh tra để có định hướng sắp xếp các đoàn thanh tra, đảm bảo cơ cấu, số lượng, gắn với năng lực, trình độ phù hợp cuộc thanh tra, đặc biệt là trưởng, phó đoàn thanh tra, đề xuất lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.

Để triển khai các cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, các đoàn thanh tra đều tiến hành khảo sát theo quy định. Qua khảo sát, định hình, xác định được phạm vi, nội dung trọng tâm, trọng điểm để xây dựng kế hoạch thanh tra, đề cương yêu cầu báo cáo phù hợp, đề xuất danh mục công trình, dự án thanh tra cân đối với khả năng, năng lực của đoàn thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho các thành viên đoàn thanh tra, bám sát nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch thanh tra được phê duyệt, đồng thời triển khai nhiệm vụ khoa học trên nguyên tắc tiết kiệm thời gian và hiệu quả công việc.

Trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra chủ động nghiên cứu hồ sơ, tài liệu thu thập được, đồng thời yêu cầu đơn vị liên quan báo cáo giải trình ngay về các vấn đề tồn tại, sai phạm, vi phạm mà không chờ kết thúc đoàn thanh tra mới thực hiện, từ đó chủ động báo cáo kết quả thanh tra về từng nội dung, từng vụ việc cụ thể ngay trong thời gian đang thanh tra.

Trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra chủ động báo cáo, đề xuất người ra quyết định thanh tra xin ý kiến chỉ đạo hoặc xin ý kiến bộ, ngành về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, nội dung phức tạp... để kịp thời nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng, tiến độ cuộc thanh tra.

Ngoài việc báo cáo tiến độ theo quy định, trưởng đoàn thanh tra còn thường xuyên phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phụ trách để kịp thời điều chỉnh, chấn chỉnh (nếu có), xử lý cuộc thanh tra cho phù hợp, tránh việc khi kết thúc cuộc thanh tra mới báo cáo, nhiều vấn đề liên quan cuộc thanh tra sẽ khó khăn trong việc khắc phục, ảnh hưởng tiến độ xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra.

Theo ông Hùng, thực hiện tốt các nhiệm vụ này, không những kịp thời bổ sung thông tin, tài liệu còn thiếu, mà còn giúp đảm bảo tiến độ khi kết thúc thanh tra trực tiếp tại địa phương.

Ngay khi kết thúc thanh tra, các đoàn thanh tra tiếp tục làm việc tập trung trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 ngày để hoàn thiện báo cáo kết quả thanh tra và xây dựng dự thảo kết luận thanh tra.

Nội dung nêu tại kết quả thanh tra đều được đoàn thanh tra bàn bạc, trao đổi, tranh luận dân chủ, thẳng thắn. Các ý kiến tham gia đều được tiếp thu để đi đến thống nhất làm cơ sở ban hành Báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trình Tổng Thanh tra Chính phủ.

Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức trong đơn vị, nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra, theo ông Hùng cần phải thường xuyên tổ chức các buổi rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai các cuộc thanh tra kết hợp với việc đánh giá, xếp loại đối với đoàn thanh tra theo quy định tại Quyết định số 465/QĐ-TTCP.

Có hình thức khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra để biểu dương, khích lệ, nâng cao hiệu quả. Đồng thời, tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cán bộ, công chức chuẩn bị tham gia các cuộc thanh tra có nội dung, tính chất phức tạp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của cuộc thanh tra.

Chưa hết, các đoàn thanh tra cần phối hợp tốt với Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra ngay trong quá trình thanh tra và thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; tiếp thu, báo cáo làm rõ các nội dung, ý kiến phản biện nêu tại báo cáo thẩm định dự thảo kết luận thanh tra để đảm bảo kết luận thanh tra được khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Ông Hùng cho biết, tại các cuộc họp Đảng và chuyên môn, cấp ủy chi bộ luôn chủ động phối hợp cùng lãnh đạo cục thực hiện tốt công tác phê bình, tự phê bình; nhận xét, đánh giá khách quan, minh bạch về tiến độ, chất lượng của các cuộc thanh tra, nghiêm túc rút kinh nghiệm về những tồn tại, thiếu sót để chấn chỉnh, thống nhất biện pháp tháo gỡ. Đồng thời yêu cầu và tạo điều kiện tốt nhất để các đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ, trên nguyên tắc đảm bảo thời gian, hiệu quả công việc.

Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, thông qua công tác theo dõi, quản lý đảng viên, chi bộ tổ chức sinh hoạt lồng ghép yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc thanh tra, tiến độ cuộc thanh tra, phát huy tinh thần gương mẫu, tự giác của đảng viên là trưởng, phó đoàn thanh tra để từ đó từng đảng viên, tổ Đảng thảo luận về nguyên nhân khách quan, chủ quan, lý do chậm, muộn tại các đoàn thanh tra để bàn các giải pháp khắc phục, chấn chỉnh, thấy được những mặt mạnh, mặt yếu, tìm ra các nguyên nhân của những hạn chế để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm