Sở Y tế Thái Bình cho biết, trong Tháng Hành động vì ATTP 2024, tỉnh Thái Bình đã thành lập 295 đoàn kiểm tra. Trong đó, tuyến tỉnh 19 đoàn (3 đoàn liên ngành và 16 đoàn chuyên ngành); tuyến huyện 16 đoàn (8 đoàn liên ngành, 8 đoàn chuyên ngành); tuyến xã 260 đoàn liên ngành.

Tiến hành kiểm tra tổng số 4.507 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 3.187 cơ sở đạt; 751 cơ sở có vi phạm; xử phạt 127 cơ sở với tổng số tiền hơn 343 triệu đồng.

Cùng với đó, thực hiện kiểm nghiệm nhanh 1.803 mẫu thực phẩm; kết quả, 1.615 mẫu đạt, 188 mẫu không đạt. Kiểm nghiệm 36 mẫu thực phẩm tại labo; kết quả, 13 mẫu đạt, 2 mẫu không đạt và 21 mẫu chưa có kết quả.

Ngoài ra, trong tháng hành động, 2 đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình chủ trì cũng đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về ATTP tại 8/8 huyện, TP. Trong quá trình làm việc tại các huyện, TP đã kiểm tra quản lý Nhà nước về ATTP tại 8 xã, thị trấn.

Đánh giá quá trình triển khai thực hiện Tháng Hành động vì ATTP 2024, theo Sở Y tế Thái Bình, thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn đã luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội quan tâm, chỉ đạo; hoạt động truyền thông, hướng dẫn quy định của pháp luật về ATTP, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng được chú trọng và đẩy mạnh bằng nhiều hình thức…

Các địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP các cấp và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Việc thành lập ban chỉ đạo đã giúp tập trung nguồn lực, giải quyết triệt để, chủ động, hiệu quả các vấn đề cấp bách về ATTP; mọi hoạt động từ kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP đều hiệu quả, nhanh chóng, thông suốt và đủ sức răn đe.

Thực tế triển khai cho thấy, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, phân bố rải rác, hoạt động sản xuất theo mùa vụ, không thường xuyên; không quan tâm, chú trọng đầu tư trang thiết bị, dụng cụ và đảm bảo an toàn vệ sinh trong quá trình sản xuất.

Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nắm rõ quy định của pháp luật về ATTP hoặc chưa tự giác chấp hành. Cá biệt, một số cơ sở có thái độ né tránh, không hợp tác khi đoàn kiểm tra đến làm việc, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của cơ sở…

Ngoài ra, cấp huyện, xã chưa có cán bộ chuyên trách, không được đào tạo chuyên môn về ATTP; thường xuyên có sự thay đổi về vị trí công tác; nhận thức về quản lý ATTP trong đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ở cấp cơ sở còn chưa đồng đều…

Nguồn kinh phí bố trí cho việc quản lý ATTP còn hạn chế; đặc biệt thiếu các trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và việc kiểm định mẫu phải mất thời gian dài; vì vậy, khi có kết quả kiểm định thì không thể thu hồi sản phẩm vi phạm đối với thực phẩm tươi sống do đã tiêu thụ hết.

Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP, Sở Y tế Thái Bình cho rằng, cùng với việc tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ; quan tâm bổ sung đầu tư kinh phí, các địa phương trong tỉnh cần tập trung công tác kiểm tra, giám sát ATTP để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm theo thẩm quyền.

Đồng thời, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường ký cam kết bảo đảm ATTP đối với cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tổ chức kiểm tra hậu kiểm việc thực hiện theo cam kết của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn…

Trọng Tài