Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong xử lý sau thanh tra

Thanh tra tỉnh Bình Dương cho biết, nhiều kết luận thanh tra mặc dù đã được ban hành trong thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện dứt điểm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số kết luận dù đã có kiểm tra việc thực hiện, có báo cáo kết quả kiểm tra và chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp, nhưng sau đó vẫn phải theo dõi, đôn đốc các đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục thực hiện…

Thực tiễn cho thấy, phần lớn các kiến nghị đối với sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai… đều có thời gian thực hiện kéo dài, khó có thể dứt điểm hoặc có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này là do một số kết luận thanh tra có nội dung kiến nghị mang tính chất phức tạp; liên quan đến trách nhiệm, sự phối hợp của các ngành, đơn vị; đồng thời việc thực hiện nội dung kết luận có liên quan đến quyền lợi của các hộ dân sử dụng đất, cần thời gian để thực hiện và rà soát kỹ…

Bên cạnh đó, một số đối tượng thanh tra chưa thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, thể hiện qua sự chậm trễ trong thực hiện và báo cáo, hoặc thực hiện mang tính hình thức; thậm chí có trường hợp cố tình không thực hiện. Các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có cơ quan quản lý trực tiếp của đối tượng thanh tra chưa phát huy trách nhiệm theo quy định đối với việc đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra đối với đối tượng thanh tra trong quá trình thực hiện kết luận.

Một số đơn vị trong quá trình theo dõi, đôn đốc, kiểm tra chủ yếu tập trung xử lý các kiến nghị, quyết định xử lý về kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến các kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm và hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ chế quản lý…

Qua công tác thanh tra, kiểm tra của Thanh tra tỉnh cho thấy, một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra, thể hiện qua việc chưa bố trí cán bộ, thanh tra viên làm công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra; chưa lập danh mục theo dõi các kết luận thanh tra; chưa chú trọng việc kiểm tra theo quy định tại Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra, còn dừng lại ở việc theo dõi, đôn đốc; công tác theo dõi và cập nhật số liệu xử lý sau thanh tra của một số đơn vị còn chưa đầy đủ và kịp thời, mặc dù định kỳ hàng quý, cuối năm đã được Thanh tra tỉnh đôn đốc bằng văn bản.

Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ tháo gỡ những vướng mắc

Ông Nguyễn Thế Phong, Trưởng phòng Nghiệp vụ 3, Thanh tra tỉnh Bình Dương cho biết, để chấn chỉnh khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, cần thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế về xử lý sau thanh tra theo hướng quy định cụ thể sửa đổi các văn bản pháp luật để khắc phục những bất cập về thời gian thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với từng cấp thanh tra, từng kết luận thanh tra; quy định rõ về các chế tài bắt buộc thực hiện; hướng dẫn quy trình chi tiết kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra…

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra; chủ động xin ý kiến các bộ, ngành trong việc xử lý các vướng mắc, tồn tại trong các kết luận, kiến nghị của cơ quan Trung ương.

Cần nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, phải đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của đơn vị được thanh tra trên cơ sở xem xét, phân tích điều kiện thực tế, so sánh, đối chiếu với những quy định của pháp luật, từ đó xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về hành chính, kinh tế, công tác quản lý, để đảm bảo kết luận có tính khách quan, toàn diện, có tính thuyết phục và có tính khả thi.

Chú trọng bố trí, phân công công việc, đào tạo cán bộ làm công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra để từng bước chuyên môn hóa nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả; tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xử lý sau thanh tra như giữa cơ quan thanh tra và kiểm tra trong kiểm điểm xử lý trách nhiệm; giữa cơ quan thanh tra với cơ quan thuế, ngân hàng, tài chính, tài nguyên - môi trường… trong việc cưỡng chế thực hiện các kiến nghị xử lý về kinh tế; giữa cơ quan thanh tra với cơ quan công an liên quan đến các kiến nghị xử lý hình sự…

Nam Hà