Không thể “suy đoán có tội”

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, theo Tổng Thanh tra, qua tìm hiểu kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới và theo quy định của Hiến pháp, các quy định pháp luật hiện hành, Chính phủ đề xuất 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai; tài sản, thu nhập biến động mà không được giải trình một cách hợp lý.

Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân.  Đồng thời, Dự thảo Luật Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g khoản 2 Điều 23), quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật PCTN (Điều 123 của Dự thảo Luật).

Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Trong 2 phương án, Chính phủ lựa chọn phương án 1. "Phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở nước ta hiện nay, nhằm thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều không có đủ bằng chứng xác thực về căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật", ông Lê Minh Khái khẳng định.

Luật PCTN coi như đã có một khoản thu nhập được tích lũy trong quá khứ nhưng chưa kê khai của người có nghĩa vụ kê khai, vợ, chồng, con chưa thành niên của họ và do vậy, sẽ phát sinh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Việc đánh thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, theo Tổng Thanh tra, có thể tránh được cách hiểu "theo hướng hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng hoặc trái với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền”. 

Quy định này nhận được đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra dự án luật tán thành. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng đồng tình với đề xuất của Chính phủ và nêu quan điểm, "không thể có “suy đoán có tội”, pháp luật chỉ có “suy đoán vô tội”".

“Không thể nói không giải trình được một cách hợp lý là bất hợp pháp. Không giải trình được một cách hợp lý nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không chứng minh được tài sản đó là bất hợp pháp thì phải suy đoán vô tội, coi đó là tài sản hợp pháp. Tài sản hợp pháp tăng thêm thì phải nộp thuế theo khung của Luật Thuế thu nhập cá nhân”, ông Định nhấn mạnh.

Chống tham nhũng, không để tiền “chạy” ra nước ngoài

Ông Định cũng cho rằng, đánh thuế không có nghĩa hợp pháp hóa tài sản bất minh. Khi cơ quan Nhà nước chứng minh được tài sản đó là bất minh thì xử lý hình sự, dân sự, hay kỷ luật... Tuy nhiên, ông không tán thành mức thuế suất 45% và đề nghị làm rõ thế nào là “giải trình một cách không hợp lý”.

“Tránh quy định chung chung, người này cho là hợp lý, người khác cho là không hợp lý sẽ dẫn đến không khả thi trong thực tế”, ông Định dẫn chứng, một cán bộ giải trình rằng tài sản ông ta có là do bố mẹ để lại, hỏi ông bố thì bảo "do ông cụ nhà tôi để lại".

Theo ông Định, “thế nào là không hợp lý? Vấn đề này rất là khó. Chúng tôi cho rằng phải tính toán hết sức chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi, chứ đưa ra mà không thực hiện được thì mất lòng tin với nhân dân".

Người đứng đầu Ủy ban Pháp luật lưu ý thêm, công tác PCTN hiện nay còn có nhiều bất cập, nhưng có bất cập có thể khắc phục được, có bất cập khắc phục phải có lộ trình.

“Chúng ta không hi vọng sửa luật này là có thể khắc phục được hết những bất cập ngay lập tức đâu. Nhưng sửa luật phải tạo ra cơ sở pháp lý mới có tính dự báo, có tính dài hạn, có tầm nhìn để khi luật đi vào thực hiện được một số năm, chứ không sửa xong rồi thực hiện được 1 - 2 năm lại thấy bất cập”, ông Định nói.

Cũng nhấn mạnh sửa Luật PCTN không thể khắc phục được hết những bất cập, “chỉ cố hết sức để thực hiện tốt nhất”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, về cơ bản ủng hộ phương án đánh thuế.

Theo ông Dũng, cử tri rất quan tâm đến dự luật. “Có hai luồng ý kiến. Phần đông cử tri đang rất ủng hộ chống tham nhũng. Một nhóm không phải không muốn chống tham nhũng nhưng họ có một số tài sản nhất định, đang rất nghe ngóng xem cách thể hiện luật của chúng ta quy định thế nào để họ ứng xử cho phù hợp”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nêu và dẫn chứng, có những người có mấy tỉ đồng, không biết khai kiểu gì nên cứ cho con đi học (nước ngoài).

“Cách xử lý của chúng ta như thế nào để vừa chống được tham nhũng vừa để đồng tiền đang có trong nước không chạy tuột ra nước ngoài. Mình vay nước ngoài được một vài triệu USD, cảm ơn lên cảm ơn xuống nhưng ta làm mất hàng chục tỉ USD lại chả thấy xót xa gì”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng tán thành phương án đánh thuế. Theo bà, trong bối cảnh nước ta hiện nay, chọn phương án 1 là tối ưu nhất. “Mức thuế suất 45% thì tôi băn khoăn, nên cân nhắc mức thuế suất cho phù hợp với các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay”, bà Hải đề nghị.

Nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa "chốt" chọn phương án nào. Theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau. Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 dự kiến khai mạc vào tháng 5 tới đây.

Kinh nghiệm thế giới xử lý tài sản không giải trình được thế nào?

Để yên tâm với đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đặt câu hỏi: Các nước trên thế giới quy định xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý như thế nào?

Theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, nhiều nước trên thế giới có các phương thức chính, gồm: Xử lý thông qua bản án hình sự của tòa án (tội phạm hóa hành vi kê khai không trung thực và hành vi chiếm giữ tài sản, thu nhập mà không giải trình được về nguồn gốc một cách hợp lý); thông qua trình tự tố tụng dân sự (khởi kiện vụ án dân sự chứng minh tài sản, thu nhập không thuộc về người kê khai); thông qua xử phạt hành chính (tịch thu tài sản, thu nhập thông qua quyết định hành chính của các cơ quan có thẩm quyền) hoặc các công cụ về thuế (thu thuế thu nhập cá nhân tương ứng với giá trị tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý).

Cơ quan Chống Tội phạm và Ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của các quốc gia thành viên để nhân rộng cho các quốc gia thành viên khác đã coi việc đánh thuế đối với tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng là một phương thức thu hồi tài sản thay thế.

“Phương án thu thuế đối với các khoản thu nhập, tài sản bất minh, trong đó có từ hành vi có dấu hiệu tham nhũng đã được thực hiện ở một số quốc gia như Hoa Kỳ, Australia, New Zealand và một số quốc gia khác quy định dựa trên quan điểm cho rằng: Nếu không đánh thuế đối với những khoản thu này thì cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích cho các hành vi làm giàu bất minh và trốn thuế”, Tổng Thanh tra cho biết.


“Về mặt pháp lý không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”. Mặt khác, nếu coi đó là tài sản của Nhà nước để tiến hành xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu thì vừa không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về các căn cứ xác lập quyền sở hữu, vừa rất khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện” - Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm Dự án Luật.

Hương Giang