Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nợ đọng BHXH trên 31 tỷ đồng trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ hai, 28/03/2011 - 08:40

(Thanh tra) - Trong quá trình hoạt động, BHXH tỉnh Tiền Giang có quá nhiều ưu đãi. Có công việc thuộc chức năng nhiệm vụ lại được cấp kinh phí chi hỗ trợ. Kinh phí chi không hết lại đưa vào kinh phí tiết kiệm chi quản lý bộ máy… gây bức xúc trong dư luận.

Trụ sở BHXH tỉnh Tiền Giang

Tác động tiêu cực

Kết thúc thanh tra việc thu, quản lý và sử dụng quỹ BHXH của các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh Tiền Giang, Đoàn Thanh tra nhận thấy, cơ quan BHXH chưa quan tâm, đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động đăng nộp BHXH kịp thời theo quy định, dẫn tới tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, kéo dài. Mức nợ tăng bình quân 56%/năm.

Từ năm 2005 - 2009 toàn tỉnh có 3.434 doanh nghiệp (DN) thành lập đang hoạt động, nhưng số DN tham gia đóng BHXH, BHYT chỉ 1.308 DN, đạt 38%. Trong số các đơn vị được kiểm tra, xác minh, hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, sử dụng lao động phổ thông, thường xuyên biến động. Do đó DN chỉ tham gia BHXH cho một bộ phận nhỏ người lao động làm việc gián tiếp, còn đa số lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thì DN chưa đăng ký tham gia BHXH, BHYT.

Nguyên nhân là một số đơn vị sử dụng lao động trốn tránh trách nhiệm, bằng cách ký hợp đồng lao động thời hạn dưới 3 tháng, thực tế số người này làm việc liên tục từ 6 tháng đến trên 1 năm; ký hợp đồng khoán việc không thể hiện mức lương; hoặc ký hợp đồng mà số tiền trích đóng BHXH, BHYT được đưa thẳng trong phần tiền lương của người lao động. Trên địa bàn Tiền Giang hiện còn 319 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài từ năm 2007 đến tháng 03/2010, với số tiền 31 tỷ đồng, riêng năm 2009,  số nợ đọng lên tới 11,75 tỷ đồng, chiếm 37,9% tổng số nợ đọng thời kỳ 2005 - 2009 nhưng BHXH các huyện chưa kịp thời kiến nghị cơ quan thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý. Vấn đề này đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động và tác động tiêu cực đến chính sách BHXH, BHYT.

Vi phạm nguyên tắc

Tại Quyết định số 915/LĐTBXH ngày 30/7/2006 và Quyết định số 1152/2003/QĐ- LĐTBXH ngày 18/09/2003 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… thì người lao động thuộc ngành nghề trên, thời gian được nghỉ và hưởng chế độ thai sản là 5 tháng hoặc 6 tháng nhưng ở các cơ sở khám chữa bệnh thuộc huyện, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm, thực phẩm, Công ty cổ phần thủy sản Vinh Quang… chỉ được ngành BHXH tỉnh Tiền Giang giải quyết thời gian nghỉ và chi trả chế độ thai sản… 4 tháng. Như vậy, BHXH Tiền Giang và các BHXH huyện đã vi phạm khoản 1 điều 31 Luật BHXH. Vấn đề mà người lao động quan tâm là, công tác tập huấn, tuyên truyền, triển khai văn bản về chế độ thai sản BHXH Tiền Giang còn mang tính chất qua loa, đại khái, thường lồng ghép với các cuộc họp khác nên hiệu quả tuyên truyền rất hạn chế, thậm chí một số cán bộ của BHXH tỉnh cũng không biết chủ trương, chính sách này. Chính Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cũng chưa một lần nghe phổ biến và không biết chủ trương cho cán bộ ngành Y tế, được nghỉ và hưởng chế độ thai sản từ 5 tháng đến 6 tháng!?  

Việc thực hiện các chế độ BHYT, Đoàn Thanh tra phát hiện các dạng sai phạm trong khám chữa bệnh số tiền 11.814.991 đồng, như: Mượn Thẻ BHYT, không có Thẻ BHYT hoặc cùng thời điểm sử dụng Thẻ BHYT tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, cấp phát sai chủng loại thuốc, sai đơn giá, kê khống, thuốc không có trong danh mục do Bộ Y tế quy định. Trong tổng số 11.849 bệnh án được kiểm tra, số hồ sơ bệnh án có sai phạm về thủ tục hành chính, về thống kê chi phí là 1.692 bệnh án, với số tiền sai phạm là 21.067.475 đồng.

Đối với dự án (DA) cải tạo, mở rộng trụ sở BHXH tỉnh Tiền Giang,  kinh phí được cấp là 2,917 tỷ đồng, DA hoàn thành năm 2006 và quyết toán năm 2008. Kinh phí sau khi quyết toán còn tồn 116.460.672 đồng nhưng BHXH tỉnh Tiền Giang không chuyển trả về BHXH Việt Nam mà lại đưa vào tài khoản chi quản lý bộ máy của đơn vị. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ thu và kinh phí tuyên truyền BHXH, BHYT quyết toán thừa từ năm 2005- 2009, số tiền 2,112 tỷ đồng, được BHXH tỉnh đưa vào tiết kiệm chi là 1,572 tỷ đồng… Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp làm giảm hiệu quả công tác tuyên tuyền BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

Theo quy định, cơ quan BHXH tỉnh Tiền Giang phải xây dựng quy chế chi tiêu quỹ khen thưởng- phúc lợi, áp dụng cho các đơn vị trực thuộc. Nhưng BHXH tỉnh không thực hiện đúng quy định trên và đã chi sai số tiền 959.450.000 đồng… Tổng số sai phạm về kinh tế tại BHXH tỉnh Tiền Giang là 1,432 tỷ đồng, trong đó, Đoàn Thanh tra kiến nghị thu nộp Ngân sách Nhà nước 69.753.334 đồng, chi thêm cho số bệnh nhân được hưởng là 240.028.338 đồng, điều chỉnh nguồn, chấn chỉnh rút kinh nghiệm số tiền 1,122 tỷ đồng, kiến nghị kiểm điểm 32 cán bộ, nhân viên liên quan đến sai phạm đồng thời yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra.


Minh Tâm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thấy gì qua thanh tra Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch

Thấy gì qua thanh tra Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch

(Thanh tra) - Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra trong Kết luận thanh tra số 119/KL-TTr ngày 15/11/2024 về thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch do Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư.

Trần Quý

21:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm