Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những quyết định “khuất tất” của chính quyền địa phương

Thứ năm, 28/03/2013 - 14:18

(Thanh tra)- Báo Thanh tra từng có bài “Cưỡng chế trưng dụng đất… để cho thuê”, phản ánh, suốt 21 năm qua, gia đình ông Trần Trọng Thạch “bị dạt sang ở đậu bên này để nhìn sang bên kia quốc lộ 80 nơi nhà đất của mình bị cưỡng chế thu hồi cho thuê”. Trước khiếu nại (KN) của ông Thạch, chính quyền các cấp tỉnh Đồng Tháp đã ban hành những quyết định giải quyết khuất tất áp đặt, trong khi chính Văn phòng UBND tỉnh này từng “mượn đất” của ông Thạch để sản xuất “cải thiện” đời sống.

Nhà đất của gia đình ông Thạch nay thành kho kinh doanh buôn bán của Công ty Lương thực Hà Sơn Bình. Ảnh: Trúc Lâm

>>Trưng dụng, cưỡng chế để… cho thuê!

Tình cảnh đáng quan ngại vừa nêu còn bởi gia đình ông Thạch hiện không có nơi thờ phụng thân nhân liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc…

Phần đất 1.375m2 tại 26/7 khóm Hòa An, phường 2, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp là của bà Trịnh Thị Ba, mẹ ông Trần Trọng Thạch (đã mất) mua lại từ ông Nguyễn Văn Ba (ông Ba Đệ) bằng tờ sang nhượng ngày 6/4/1981 đã được chính quyền ấp Hòa Khánh trước đây xác nhận.

Trên phần đất cạnh quốc lộ 80 vừa nêu, cùng với lò đường đã được thị xã Sa Đéc cấp giấy phép kinh doanh, căn nhà gia đình ông Thạch cũng đã được UBND phường 2 của thị xã cấp phép xây dựng ngày 19/2/1986.

Tuy nhiên, “không hiểu vì sao” 2 năm sau, chính quyền địa phương “mời gia đình ông Thạch lên nghe đọc quyết định trưng dụng đất” để lập Xí nghiệp Nước mắm của thị xã, với giá bồi hoàn tổng cộng 1,8 triệu đồng.

Ngày 11/2/1989, UBND thị xã Sa Đéc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ cơ sở sản xuất và căn nhà nơi thờ phụng liệt sĩ của gia đình ông Thạch để thu hồi đất không cần lập biên bản.

Vô gia bại sản, từ đây gia đình ông Thạch phải đi ở đậu suốt hơn 20 năm qua, trong khi khu đất vừa nêu chính quyền địa phương đang cho Công ty Lương thực Hà Sơn Bình thuê làm kho kinh doanh buôn bán.

Trước KN của gia đình ông Thạch, ngày 28/4/1995, UBND thị xã Sa Đéc ban hành Quyết định 182/QĐ cho rằng, phần đất vừa nêu có nguồn gốc của chùa Phước Lâm trước đây ông Ba Đệ thuê mướn sau đó bán lại cho bà Ba -mẹ ông Thạch. Vì thế, UBND thị xã “bác đơn KN” xin lại đất của ông Thạch “do Xí nghiệp Nước mắm thị xã Sa Đéc quản lý”.

Ngày 20/9/1997, ông Thạch nhận Quyết định 150/QĐ của UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, năm 1990 chính quyền thị xã Sa Đéc “phát hiện lô đất trưng dụng 916m2 của ông Thạch là của chùa có mang số tiền bồi hoàn 1.802.344 đồng đến thương lượng nhưng nhà chùa không nhận nên sung vào vốn Xí nghiệp Nước mắm” của thị xã. Đến năm 1992, doanh nghiệp này giải thể giao mặt bằng cho Văn phòng UBND thị xã Sa Đéc quản lý. Từ đó, quyết định của UBND tỉnh Đồng Tháp “điều chỉnh quyết định” của UBND thị xã Sa Đéc theo hướng “giữ nguyên quyết định bác đơn xin lại đất” và “tăng giá bồi hoàn lên 10 triệu đồng/1.000m2”, nhưng gia đình ông Thạch không chịu.

Ngày 16/9/2003, tại UBND tỉnh Đồng Tháp, cán bộ tiếp dân tỉnh bất ngờ trưng ra “hợp đồng mướn đất” giữa bà Ba với nhà chùa thời hạn 10 năm ghi ngày 1/1/1983. Trước vấn đề “tại sao từ năm 1981 bà Ba đã sang nhượng lại đất của ông Ba Đệ mà đến năm 1983 bà Ba còn mướn đất của nhà chùa”, gia đình ông Thạch phát hiện “chữ ký trong hợp đồng vừa nêu không phải chữ ký của bà Trịnh Thị Ba” nên đã đề nghị cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Đồng Tháp “làm rõ tờ hợp đồng mướn đất vừa nêu do đâu mà có”.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp hồi đó đã kết luận “vụ việc KN của ông Thạch đã được tỉnh giải quyết theo quyết định nên không thể giải quyết lại”. Còn “gia đình ông Thạch có khó khăn (như gia đình Liệt sĩ, không có nhà ở) thì làm đơn gửi chính quyền thị xã Sa Đéc xem xét”. Vì thế, ông Thạch lại tiếp tục gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng Trung ương.

Những quyết định “giải quyết KN bác đơn” của các cấp chính quyền UBND tỉnh Đồng Tháp là áp đặt và trái thực tế. Các quyết định cho rằng, mẹ ông Thạch “mua đất có nguồn gốc nhà chùa của ông Ba là sang nhượng lén lút”, nhưng tờ sang nhượng đất ngày đó đã được chính quyền địa phương ấp Hòa Khánh xác nhận.

Người dân khóm Hòa An, thị xã Sa Đéc cho biết: Những năm 1950, đất chùa Phước Lâm là cả một vùng rộng lớn, nhà chùa để cho người dân đến cất nhà sinh sống.

Tổ trưởng Tổ dân phố 7 Mai Bé Nhỏ xác nhận, chỉ có đất của ông Thạch sang nhượng lại bị trưng dụng đang cho Công ty Lương thực thuê, còn toàn bộ nhà dân nguồn gốc đất chùa đã được chính quyền cấp sổ đỏ quyền sử dụng đất.

Trong các tờ xác nhận gửi UBND phường 2, thị xã Sa Đéc ngày 19/2/1986 và ngày 2/12/1992, bà Nguyễn Thị Hoa quản lý “miền đất chùa Phước Lâm” nêu rõ: “Trước giải phóng tôi cho ông Nguyễn Văn Ba (tức Ba Đệ) đất cất nhà ở. Qua năm 1981, tôi đã đồng ý cho ông Đệ nhượng lại cho bà Trịnh Thị Ba để xây cất lò đường. Tôi làm tờ xác nhận này cho bà Ba trình chính quyền làm thủ tục quyền sử dụng đất”.

Tài liệu chúng tôi có được còn thể hiện, ngày 10/2/1988, ông Nguyễn Hoàng Sở, Giám đốc Xí nghiệp 2/9 thuộc Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký “hợp đồng mượn đất” với ông Trần Trọng Thạch. Theo đó, gia đình ông Thạch (bên A) cho Xí nghiệp 2/9 (bên B) mượn lô đất 972m2 tại 26/7 khóm 3 phường 2 thị xã Sa Đéc thời hạn 5 năm để làm cơ sở sản xuất tự túc cho cơ quan”. Hợp đồng còn ghi rõ: “Bên B không được xây nhà kiên cố hay sang nhượng cho người khác, khi hết thời hiệu phải hoàn trả khu đất cho bên A, nếu muốn kéo dài thời hạn thì phải được sự đồng ý của bên A mới được sử dụng tiếp”.

Sau đó, ngày 16/5/1988, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp đã có Văn bản số 57/VPUB do ông Sở (lúc này là Phó Chánh Văn phòng) ký gửi UBND thị xã Sa Đéc và ông Thạch với nội dung: “Trước đây Xí nghiệp 2/9 thuộc Văn phòng UBND tỉnh có hợp đồng mượn đất với ông Thạch để làm cơ sở sản xuất, nay do Xí nghiệp 2/9 của Văn phòng UBND tỉnh chưa có vốn thực hiện, nên chúng tôi xin trả lại lô đất nói trên cho ông Thạch”.

Tại buổi làm việc ngày 22/5/2012 với đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ và đại diện cơ quan chính quyền địa phương, gia đình ông Thạch “đề nghị chính quyền tỉnh Đồng Tháp hủy bỏ việc thu hồi đất vô căn cứ” và “những quyết định giải quyết KN không đúng” của chính quyền các cấp tỉnh Đồng Tháp trước đây; đồng thời “yêu cầu bồi thường” việc đập phá nhà cửa tài sản đã xảy ra. Trước KN của gia đình ông Thạch, biên bản làm việc của đoàn thanh tra “yêu cầu Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Sa Đéc báo cáo rõ diện tích đất thu hồi do tổ chức cá nhân nào đăng ký”.

Tuy nhiên, đã 10 tháng nay, cơ quan chức năng của chính quyền địa phương chưa có báo cáo gửi đoàn thanh tra. Trong khi đó, gia đình ông Thạch “phải đi ở nhờ khiếu kiện” suốt hơn 21 năm qua, còn Công ty Lương thực Hà Sơn Bình “cứ ung dung” sử dụng phần đất của gia đình ông Thạch để kinh doanh buôn bán.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc khi có những thông tin mới.

Trúc Lâm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm