Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 26/12/2011 - 09:06
(Thanh tra) - “Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, không để tình trạng khiếu kiện kéo dài; báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trong Quý I/2011” - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng về khiếu nại của gia đình nông dân Đỗ Văn Trắng trước các sai phạm của Công ty Nhị Hiệp. Thế nhưng, năm 2011 đã trôi qua, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng chỉ có hiệu lực trên giấy…
Ngày cuối năm 2011 đến với những người nông dân ở phường Trường Thạnh quận 9, TP. Hồ Chí Minh thật ảm đạm. Những ngày đầu năm, người dân hân hoan, hy vọng khi nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng về xử lý sai phạm của Công ty Nhị Hiệp, tiếp sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhưng nay nỗi buồn, sự thất vọng bao trùm. Lão nông Đỗ Văn Trắng tuổi đã ngoài 80 không giấu được bức xúc: “Đã 11 năm qua, những người nông dân là nạn nhân của Công ty Nhị Hiệp đã chịu quá nhiều khổ ải, bất công. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn cán bộ Thanh tra Chính phủ vào cuộc, lật ra những sai phạm của Công ty Nhị Hiệp và những cán bộ thoái hóa biến chất. Người dân đặt niềm tin vào Đảng, Chính quyền khi nhận được công văn chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ do Văn Phòng Chính phủ gửi về. Thế nhưng, kết luận Thanh tra Chính phủ cũng như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ cũng không được ai ngó ngàng tới. Người dân còn biết tin vào đâu khi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chỉ có hiệu lực trên giấy, khi cấp dưới không thực hiện”. Lời tâm sự của lão nông ở tuổi ngoài 80 làm chúng tôi không khỏi đắng lòng…
Trong nỗi thất vọng, niềm tin đã cạn kiệt, những người nông dân kể cho chúng tôi nghe về sự trần ai mà họ phải gánh chịu trong suốt 11 năm qua và chưa biết còn chịu đựng đến bao giờ. Phường Trường Thạnh nằm trong vùng bưng 6 xã, vốn nổi danh trong hai cuộc kháng chiến cứu nước. Những người nông dân hiền lành, chân chất một lòng một dạ nghe theo Đảng, theo cách mạng. Thế nhưng, niềm tin mãnh liệt đó đã bị xúc phạm do chính một số cán bộ, đảng viên trên mảnh đất này. Đối tượng đầu tiên là Giám đốc Công ty Nhị Hiệp Huỳnh Văn Mạnh, vốn là cán bộ xã. Khi đất nước mở cửa, ông cán bộ xã chuyển sang làm doanh nghiệp, lập Công ty Nhị Hiệp ngay trên mảnh đất Trường Thạnh. Tai ương đổ lên đầu người dân kể từ năm 1999, khi Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ban hành Quyết định (số 807/QĐ-TTg) thu hồi nhà, đất của nông dân giao cho Công ty xây dựng nhà xưởng sản xuất giày xuất khẩu. Thực hiện quyết định của Phó Thủ tướng, hàng chục gia đình nông dân tháo dỡ nhà cửa, di dời mồ mả để nhường đất cho dự án. Người dân tin vào chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước và mọi người hy vọng sẽ được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Thế nhưng, thực tế thì ngược lại. Công ty Nhị Hiệp do ông Huỳnh Văn Mạnh sử dụng quyết định thu hồi đất của Thủ tướng để làm bảo bối, tấm bình phong hòng lấy đất của dân mà không phải trả tiền đền bù. Ông Đỗ Văn Trắng rạch ròi nói: Đối với gia đình mẹ góa con côi như bà Trần Thị Vui, ông Mạnh mượn đất rồi xây nhà trên đó. Gia đình bà Nguyễn Thị Ba thì bị Công ty đổ đất lấn dần. Ngoài ra, Công ty còn xây dựng nhiều nhà vệ sinh ngay lối ra vào gia đình bà Ba. Riêng gia đình ông Trắng, Giám đốc Mạnh mua đất trên giấy, sang nhượng lại sổ đỏ đã bị quận ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ, rồi lấy cớ để không bồi thường. Nếu ông không cam đảm cùng con cái dùng dao rựa chống lại thì nhà cửa, đất đai của gia đình đã bị san ủi từ lâu. Sau hơn 11 năm sống trong sự oan ức, bất công nhiều người bị mất đất đã chết nhưng không nhìn văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Nhưng nay người dân càng thất vọng, buồn hơn khi chỉ đạo của Phó Thủ tướng cũng không được thực hiện. Những cán bộ Nhà nước không đứng về lẽ phải, mà cương quyết dung dưỡng, bao che cho sai phạm.
Đã nhiều năm sau khi Nhà nước thu hồi nhà cửa, đất đai của người dân để giao cho Công ty Nhị Hiệp nhưng cho đến nay người dân vẫn không được bền bù, điều này đã gây bức xúc trong dư luận. Bà còn khiếu nại lên UBND quận 9, UBND TP. Hồ Chí Minh nhưng đơn có gửi mà không được giải quyết. Người dân đi đến đâu cũng gặp sự im lặng của cán bộ. Trong lúc người dân đang hoang mang, thì năm 2005, ông Phó Chủ tịch UBND quận 9 ban hành văn bản, nội dung: “Công ty Nhị Hiệp đã đền bù, giải phóng mặt bằng được 90% diện tích phải thu hồi. Trong số 10% còn lại có phần nhà đất của ông Đỗ Văn Trắng, do không thỏa thuận được giá đền bù”. Thực tế quá phũ phàng, lúc đó diện tích thu hồi chỉ được 65%, trong đó nhiều gia đình công ty chưa một lần tiếp xúc. Điều mà những người nông dân không ngờ tới, đây là “phép” của ông Phó Chủ tịch quận nhằm dọn đường để sau đó chính ông Phó Chủ tịch sẽ ban hành quyết định, tổ chức cưỡng chế tháo dỡ nhà cửa của dân bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp. Bởi theo quy định của pháp luật hiện hành, khi dự án đã đền bù được 90% thì chính quyền tổ chức cưỡng chế, thu hồi phần đất còn lại giao cho chủ đầu tư. Hành vi bao che quá thô bạo của ông Phó Chủ tịch đã gây căm phẫn trong dư luận quần chúng nhân dân. Nhiều đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng cũng vô cùng bức xúc khi biết hành động này nên âm mưu cưỡng chế, tháo dỡ nhà dân đã bị ngăn chặn .
Niềm tin của người dân lại bừng lên khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc để làm rõ những sai phạm của Công ty Nhị Hiệp và những các bộ đã tiếp tay bao che, dung dưỡng cho sai phạm. Và mọi người tin tưởng, hy vọng rằng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng sẽ được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh thực hiện và họ sẽ được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Thế nhưng, điều hiển nhiên đó cũng không đến được với người dân vì chỉ đạo của Phó Thủ tướng không được thực hiện, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ bị làm trái nhằm mục đích bảo vệ cho sai phạm của doanh nghiệp.
Những sai phạm có hệ thống của Công ty Nhị Hiệp cũng như hành vi sai trái của một số cán bộ chủ chốt đã dẫn đến sự thống khổ của nông dân hơn 10 năm qua, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Công ty phải tự thỏa thuận, thương lượng đền bù cho người dân, nếu không sẽ điều chỉnh dự án, trả lại đất để người dân ổn định đời sống”. Đây là sự chỉ đạo cương quyết, đúng tình, hợp lý. Thế nhưng, một lần nữa để cứu Công ty Nhị Hiệp, lãnh đạo UBND quận 9 lại đứng ra gánh giùm cho doanh nghiệp. Chính quyền tổ chức giải tỏa đền bù thay cho Công ty phải tự thỏa thuận, thương lượng. Quận 9 đã sốt sắng thực hiện kiểm kê, đo vẽ. Nhiều người yêu cầu quận thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng thì nhận được thông báo, sẽ xử lý hành chính những đối tượng không thực hiện chủ trương của Nhà nước. Dư luận cho rằng, đây là đòn phép của cán bộ quận 9 nhằm ép người dân, áp đặt giá đền bù thấp và kéo dài thời gian đền bù. Lần này, sự ra tay của lãnh đạo quận 9 đã có tác dụng. Thời hạn yêu cầu thực hiện kiến nghị Thanh tra Chính phủ của Phó Thủ tướng đã qua từ lâu, năm 2011 đã hết nhưng những người nông dân vẫn chưa được đền bù và chưa biết đến bao giờ mới được thực hiện.
“Khi cán bộ, đảng viên bảo kê cho sai phạm, dân biết tin vào đâu?” - lời nghẹn ngào thốt lên từ những người nông dân thấp cổ bé họng làm chúng tôi không khỏi suy nghĩ. Trên thực tế, qua điều tra, chúng tôi còn được biết lãnh đạo quận còn ra những chiêu “rùng mình” chỉ để làm khó người dân, bao che cho sai phạm…
(Còn tiếp)
Kim Chi
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thực hiện 2 dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại thị xã Thuận Thành và TP Bắc Ninh.
Hải Hà
12:54 15/12/2024(Thanh tra) - Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kết luận thanh tra số 15/KL-TTr về việc thanh tra công vụ tại UBND huyện Thạch Hà và một số đơn vị trực thuộc. Trong đó nóng vấn đề tinh giản biên chế.
Lê Hữu Chính
10:35 15/12/2024Thu Huyền
21:00 14/12/2024Hương Trà
16:36 14/12/2024Thu Huyền
16:28 14/12/2024Trần Quý
15:00 14/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh