Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Vốn ngân hàng "mắc kẹt" vì chậm thi hành án

Uyên Uyên

Thứ hai, 26/08/2024 - 14:58

(Thanh tra)- Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại 15 ngân hàng hội viên cho thấy, có tới 399 vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung vào các địa bàn lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nghệ An...

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại 15 ngân hàng hội viên cho thấy, có tới 399 vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc. Ảnh minh họa

Đại diện một số ngân hàng chỉ ra nguyên nhân khiến các vụ việc mắc kẹt tại khâu thi hành án, chủ yếu là vướng mắc về pháp lý. Đơn cử, tài sản đảm bảo là bất động sản kê biên trên thực tế có sai lệch về diện tích so với hồ sơ thế chấp; phát sinh tranh chấp với bên thứ ba khi thi hành án; chưa có quy định hướng dẫn chi tiết về kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, định giá lại tài sản khi kê biên…

Về phía cơ quan kiểm sát lại cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thi hành án khó khăn là ngân hàng khi thẩm định và cho vay đã xác định giá trị tài sản thế chấp không sát thực tế, đặc biệt là bất động sản. Còn với tài sản là nhà xưởng, máy móc, nhiều tài sản đảm bảo khi chuyển sang giai đoạn thi hành án đã bị hư hao, không đủ điều kiện để thi hành hết khoản nợ. Thực tế, nhiều loại máy móc, dây chuyền sản xuất khi được chuyển sang cơ quan thi hành án (máy ủi, máy xúc, xe kéo) thì chỉ có thể bán được với giá ve chai, sắt vụn.

Với động sản (ô tô, tàu thuyền…), việc thi hành án càng khó khăn hơn nếu con nợ chây ỳ, bởi tài sản đó đã được giấu ở địa phương, vùng miền khác, mà ngân hàng và thi hành án không kiểm soát, quản lý được.

Theo cơ quan thi hành án, việc án tín dụng tồn đọng nhiều, một phần do lỗi của các ngân hàng trong thẩm định, quản lý tài sản thế chấp. Trong thực tế, nhiều tài sản thế chấp là bất động sản trong quá trình vay đã được thi công, xây dựng trên đất rất nhiều, làm thay đổi hiện trạng tài sản thế chấp.

Điều đáng nói, khi dự án trên đất lại không phải của người thi hành án, dẫn tới khoản nợ phải thi hành án trở thành chưa đủ điều kiện thi hành án. Chưa kể, nhiều vụ việc ngay từ đầu ngân hàng đã không thẩm định kỹ tính pháp lý, quyền sở hữu… dẫn tới khi thi hành án mới phát sinh tranh chấp, khiến hợp đồng thế chấp bị vô hiệu, không thể thi hành án.

Hiện, Tổng cục Thi hành án Dân sự (Bộ Tư pháp) đã đề xuất trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án Dân sự, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành án các bản án nói chung, cũng như các bản án về tín dụng nói riêng. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo còn bất cập.

Các ngân hàng thương mại cũng đề nghị, cơ quan chức năng cần hướng dẫn thống nhất trường hợp xử lý tài sản là quyền sử dụng đất mà diện tích sau khi đo đạc thực tế có sự sai lệch so với giấy chứng nhận đã được cấp thì vẫn được xử lý để thanh toán cho người được thi hành án…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm