Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vay dăm triệu, lời bạc tỷ

Thứ ba, 24/03/2015 - 06:39

(Thanh tra)- Khởi điểm vay vốn ban đầu chỉ được dăm triệu, rồi dần dần, cứ trả rồi lại vay, vay rồi lại trả để phát triển mô hình chăn nuôi, đến nay, nhiều gia đình nông dân ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội đã có trong tay sản nghiệp lên tới vài tỷ đồng.

Chị Nụ đang chăm sóc đàn bò sữa của gia đình. Ảnh: Nhật Minh

1 vốn vay, trăm vốn lời

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang mới xây hồi năm ngoái, với giá trị đầu tư gần 2 tỷ đồng, vợ chồng anh chị Chu Quang Văn và Nguyễn Thị Nụ ở thôn Hà Tân, xã Tản Lĩnh hồ hởi khi kể về sự nghiệp gần 15 năm gắn bó với con bò sữa, con bê thịt, những con vật nuôi không chỉ “nuôi” gia đình trong suốt ngần đấy năm, mà còn giúp anh chị có được số vốn “khiêm tốn” vài tỷ đồng để tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa.

Anh Văn cho biết, vợ chồng anh bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2001. Thời điểm đó, trong tay chỉ có vài triệu, anh chị quyết định mua mấy con bò sữa để chăn nuôi. Nhưng ngặt nỗi, số tiền để mua bò không đủ, anh chị quyết định vay 3 triệu đồng ở Phòng Giao dịch (PGD) Tản Lĩnh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Ba Vì. Sau khi mua được bò, 2 anh chị lại mò mẫm tự học cách chăm nuôi, học kinh nghiệm từ những người khác, với quyết tâm “mình nuôi bò thì sau này bò sẽ “nuôi” lại mình”. Cứ thế, vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, khi thấy mấy con bò mua ban đầu sống khỏe, tăng trưởng bình thường, anh chị Văn, Nụ quyết định mua thêm bò, bê.

Mua thêm thì lại cần thêm vốn, anh chị Văn, Nụ lại đến “thăm” PGD Tản Lĩnh của Agribank Ba Vì. Lần này, anh chị được vay 12 triệu để phát triển đàn bò sữa. Tuy nhiên, đến năm 2006, công việc chăn nuôi không thuận lợi, gia đình anh chị đứng trên bờ vực phá sản. Nhờ được Agribank Ba Vì hỗ trợ lãi suất trong vòng 18 tháng, nên anh chị đã “vắt” hết công sức để chăm nuôi, phục hồi lại đàn bò sữa, lấy lại niềm tin không chỉ cho chính vợ chồng anh chị, mà cho cả ngân hàng, đơn vị đã hỗ trợ anh chị rất nhiều trong lúc khó khăn.

Cứ thế, đàn bò sinh trưởng và phát triển, anh Văn, chị Nụ bán lứa này, rồi dồn cả vốn lẫn lãi, cộng thêm vốn vay ngân hàng, tiếp tục mua lứa khác, nên đàn bò sữa của gia đình anh chị ngày càng tăng dần theo năm tháng. Ban đầu anh chị vay dăm triệu, rồi dần dần, khi đàn bò tăng trưởng, anh chị mạnh dạn vay nhiều hơn, lúc thì vài chục triệu, rồi lên đến cả trăm triệu.

Khi đàn bò phát triển, cung cấp lượng sữa tương đối nhiều, cùng với việc nhiều hộ nông dân trong thôn, trong xã cũng đầu tư nuôi bò sữa, anh Văn, chị Nụ đã nghĩ ngay tới mô hình trại thu mua sữa. Nghĩ là làm, anh chị tiếp tục vay vốn tại PGD Tản Lĩnh, Agribank Ba Vì, với số tiền lên tới vài trăm triệu đồng, để đầu tư mở trại thu mua sữa bò cho bà con nông dân trong thôn, trong xã.

Dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, không ngại khổ, cùng với sự hỗ trợ cho vay vốn của Agribank Ba Vì, đến nay, vợ chồng anh Văn, chị Nụ đã có trong tay 19 con bò sữa, 11 con bê thịt và 1 trại sữa, thu mua bình quân mỗi ngày 1,3 tấn sữa tươi với giá 2.700 đồng/kg. Tính theo giá thị trường khoảng 80 triệu/con bò sữa, 20 triệu/con bê thịt, như vậy tổng cộng gia đình anh chị Văn, Nụ đã có số vốn gần 2 tỷ đồng. Đó là chưa kể ngôi nhà khang trang, rộng rãi mới xây dựng hồi năm ngoái với giá trị khoảng 2 tỷ đồng, cùng với 9.000m2 đất mà vợ chồng anh tích cóp mua được nhờ những khoản lợi nhuận thu được từ quá trình kinh doanh, chăn nuôi bò sữa. Chỉ sau gần 15 năm, từ vốn vay ban đầu chỉ 3 triệu đồng, giờ anh chị đã có cơ ngơi, nguồn vốn bạc tỷ, khiến nhiều người mơ ước. Nhưng, để có được cơ ngơi đó, anh chị đã bỏ ra rất nhiều mồ hôi, công sức, và quan trọng nhất, đã biết sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất.

Không riêng gì vợ chồng anh chị Văn, Nụ, nhờ vay vốn ban đầu, đến nay đã có cơ ngơi bạc tỷ, mà vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung và chị Phùng Thị Chính, ở thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh, cũng giàu lên nhờ vào nguồn vốn vay từ Agribank.

Lăn lộn với đủ nghề chăn nuôi, từ nuôi bò sữa, đến nuôi lợn nái cộc đuôi, nhưng cái “duyên” chăn nuôi lại đưa vợ chồng anh Trung, chị Chính đến với những con đà điểu, vốn khá xa lạ với người dân vùng núi Ba Vì.

Năm 2007, sau một thời gian nghiên cứu cách thức chăm sóc, điều kiện chăm sóc, chuồng trại, anh Trung thấy rằng, nuôi đà điểu là thích hợp nhất, bởi cách nuôi đơn giản, chuồng trại đơn giản. Đà điểu là giống 70% gia cầm và 30% gia súc, nên nuôi đà điểu kết hợp cho ăn cám và cỏ phay nhỏ. Khi đà điểu trưởng thành, không sợ hiện tượng bị chết hàng loạt do các loại bệnh, dịch cúm gia cầm. Nếu có, đà điểu thường chỉ mắc bệnh Niu-cát-xơn (hay còn gọi là bệnh gà rù) khi còn nhỏ.

Do đó, anh Trung quyết định mua 50 con đà điểu giống 1 tuần tuổi, với giá 2,7 triệu đồng/con. Thiếu vốn, anh Trung đã đến đặt vấn đề vay vốn tại PGD Tản Lĩnh, Agribank Ba Vì. Được sự chỉ dẫn nhiệt tình của nhân viên ngân hàng, anh đã nhanh chóng hoàn tất thủ tục và vay được 50 triệu (tương đương gần 50% vốn đầu tư ban đầu).

Đến năm 2008, thấy khả năng có thể phát triển được đàn đà điểu, anh Trung lại vay vốn đầu tư, nâng đàn đà điểu lên thành 70 con. Đến năm 2009, nhận thấy mô hình nuôi đà điểu khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Ba Vì, chính quyền huyện Bà Vì bắt đầu nghiên cứu mô hình chăn nuôi đà điểu của gia đình anh chị Trung, Chính, để phổ biến rộng rãi tới bà con nông dân trên địa bàn huyện, khuyến khích chăn nuôi theo mô hình này.

Khi nguồn cung cấp thịt đà điều đã đủ nhiều, vợ chồng anh Trung nghĩ ngay tới việc mở cửa hàng cung cấp thịt đà điểu cho những khách hàng có nhu cầu. Theo anh Trung, với giá 300 nghìn đồng/kg, với người dân địa phương thì hơi cao, nhưng với khách hàng ở khu vực nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận, đó là giá chấp nhận được. Chính vì thế, cửa hàng của anh cung cấp thịt đà điểu tươi sống chủ yếu cho đối tượng khách hàng cá nhân, các nhà hàng, quán ăn ở các quận nội thành Hà Nội. Ngoài ra, số lượng khách ở các tỉnh khác đặt hàng thông qua điện thoại hoặc người quen giới thiệu cũng không phải ít. Thế nên, theo anh Trung, hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình anh cung cấp cho thị trường 40 - 50 tấn thịt đà điểu, thu về khoảng 12 - 15 tỷ đồng.

Anh Trung bên đàn đà điểu của gia đình. Ảnh: Nhật Minh

Giúp mình, giúp người

Công việc chăn nuôi ngày càng phát triển, có trong tay bạc tỷ tiền vốn, nhưng những người nông dân ở xã Tản Lĩnh không vì thế mà trở nên “trọc phú”, họ vẫn giữ nguyên được bản chất tình làng nghĩa xóm, giữ được cái chân chất của người nông dân, thấy khó thì giúp, thấy khổ thì sẻ chia.

Như vợ chồng anh chị Văn, Nụ, dù giờ đây có trong tay vài tỷ đồng, nhưng với hàng xóm láng giềng, nhất là với bạn hàng, anh chị luôn sẵn sàng giúp đỡ cả về truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi cũng như về vốn, con giống.

Anh Văn cho biết, với những người nông dân mới bắt đầu chăn nuôi, cái khó nhất đối với họ là vốn. Thế nên, vợ chồng anh chị khi thấy ai có nhu cầu nuôi bò sữa mà không có vốn, anh chị sẵn sàng cho vay không lấy lãi suất, rồi chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò sữa hiệu quả. Cho vay rồi, anh chị lại sẵn sàng bao tiêu đầu ra cho nguồn sữa bò, rồi trừ dần hàng tháng tiền cho vay, chứ không trừ luôn “một cục”. Vì thế, nhiều người nông dân ở thôn Hà Tân, xã Tản Lĩnh đã thoát nghèo và trở nên khấm khá hơn nhờ sự giúp đỡ tận tình của vợ chồng anh Văn, chị Nụ.

Cũng chính vì thế, anh Văn cho biết thêm, hiện trong thôn đã có khoảng 50 hộ gia đình chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên, hầu hết là chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít, chỉ có khoảng 2 - 3 hộ có quy mô nuôi 20 - 30 con như gia đình anh chị.

Còn với vợ chồng anh Trung, chị Chính thì lại khác. Dù chưa giúp ai về vốn, nhưng với ai cần con giống, anh chị không nề hà giúp liền. Theo anh Trung, việc mở rộng quy mô chuồng trại đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố mở rộng diện tích đất. Trong khi những hộ gia đình khác vẫn còn rất nhiều đất, anh chị lại khó mở rộng diện tích do nhiều thủ tục giấy tờ, nên tập trung vào đầu tư nuôi con giống, rồi bán lại cho các hộ nông dân khác.

Anh Trung cho biết, anh mua con giống khoảng 1 tuần tuổi, cân nặng 600 - 800gram, với giá 1,66 triệu đồng/con. Nuôi khoảng 2 tháng sau, khi đà điểu cân nặng từ 8 - 12kg/con thì lại bán cho người dân để nuôi tiếp, với giá 2,5 triệu đồng/con. Hỏi lý do vì sao người khác không mua con giống 1 tuần tuổi trực tiếp về nuôi, anh Trung cho rằng, có thể do khoảng thời gian từ 1 tuần tuổi đến 2 tháng tuổi, đà điểu còn non, nếu không biết cách chăm sóc và phòng trừ bệnh, thì dễ mắc bệnh Niu-cát-xơn. Với kinh nghiệm lâu năm của mình, anh Trung mới đảm bảo được việc nuôi đà điểu non sinh trưởng tốt, không bệnh tật. Ngoài 2 tháng tuổi, đà điểu gần như miễn nhiễm với các dịch bệnh gia cầm, nên người dân có thể yên tâm nuôi đà điểu đến khi nó trưởng thành.

Người dân mua con giống của anh Trung, về nuôi tiếp khoảng 6 tháng thì đà điểu trưởng thành, đạt cân nặng từ 85 - 90kg/con. Sau đó, những người dân này lại bán đà điểu trưởng thành cho gia đình anh chị Trung, Chính với giá khoảng 85 - 90 nghìn đồng/kg (khoảng trên dưới 8 triệu/con đà điểu thịt trưởng thành), để gia đình anh Trung cung cấp thịt đà điểu tươi sống cho thị trường. Như vậy, không chỉ cung cấp đà điểu giống khỏe mạnh cho người dân, vợ chồng anh Trung, chị Chính sẵn sàng mua hết đà điểu trưởng thành của người dân trong thôn, trong xã với giá bằng giá thị trường, không ép giá, không làm khó cho người nông dân.

Mặc dù “ôm” hết các mối đà điểu trong thôn, trong xã, nhưng anh Trung cho biết, vẫn phải tìm kiếm thêm nguồn hàng ở các tỉnh khác mới tạm đủ để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Anh Trung khẳng định “Hiện nay, bắt đầu có hiện tượng “cháy” hàng thịt đà điểu tươi sống”.

Nhật Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công ty cổ phần Rạng Đông Holding bị xử phạt 242,5 triệu đồng

Công ty cổ phần Rạng Đông Holding bị xử phạt 242,5 triệu đồng

(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 1383/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (Mã chứng khoán RDP) số tiền 242,5 triệu đồng.

Trần Quý

19:12 11/12/2024

Tin mới nhất