Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 07/06/2023 - 22:49
(Thanh tra) - Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài ngay cửa ngõ Thủ đô đến nay vẫn chưa được dỡ bỏ. Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng: Trách nhiệm thuộc về ai khi Nghị quyết 62 của Quốc hội không được thực hiện triệt để.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: Đ.X
Chiều 7/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, sau hơn 7 tháng nhận nhiệm vụ lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải.
Cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, nhiều dự án BOT sẽ bị ảnh hưởng
Nêu vấn đề chất vấn, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nói, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành Giao thông, nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT.
“Đến nay, một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư bằng ngân sách Nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh làm phá vỡ phương án tài chính của dự án”, ông nói.
Đại biểu Hoàng Anh dẫn chứng, nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT, sau khi đưa vào sử dụng chưa được một năm, Bộ Giao thông Vận tải đầu tư từ ngân sách Nhà nước tuyến tránh thị xã Buôn Hồ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến doanh nghiệp và họ “đang đứng bên bờ phá sản”.
“Đề nghị, bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và phương án giải quyết vấn đề trên”, đại biểu hỏi.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển hạ tầng giao thông “đôi khi không tính toán hết được”.
Cách đây 10 - 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, nguồn lực lại hạn, nên lúc đó Nhà nước tạo mọi điều kiện để mời gọi nhà đầu tư. Khi kinh tế - xã hội phát triển, các cơ quan rà soát lại thấy cần tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, nên rất nhiều dự án sẽ bị ảnh hưởng.
“Sắp tới khi hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, chia sẻ lưu lượng”, ông Thắng nói và dẫn chứng cụ thể, sau khi khánh thành tuyến Dầu Giây - Phan Thiết, tuyến BOT trên Quốc lộ 1A giảm tới 83% doanh thu tại Bình Thuận. Nguyên nhân là đi tuyến mới “vừa nhanh, vừa vắng, lại không mất tiền”.
Vì thế, Luật Hợp tác công tư (PPP) đã tính toán, khi dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp có doanh thu vượt quá 125% so với dự tính thì nhà đầu tư chia sẻ lại cho Nhà nước. Nếu doanh thu thấp hơn 75% so với dự kiến thì Nhà nước phải chia sẻ.
Với dự án đại biểu nêu, ông Thắng cho biết, khi làm tuyến tránh Buôn Hồ thì tuyến BOT Quang Đức bị ảnh hưởng. Trước đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, mua lại dự án của nhà đầu tư, bởi khi có tuyến tránh không mất tiền mà đi nhanh hơn thì không ai đi tuyến chính.
“Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế thu phần vốn Nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc. Bộ cũng sẽ tham mưu cơ chế xử lý với các dự án BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường tránh”, ông Thắng cho biết.
Bộ đã làm “hết trách nhiệm rồi”, sẽ trình xử lý 8 dự án BOT
Chưa hài lòng, đại biểu Lê Hoàng Anh tranh luận, Phó Thủ tướng có chỉ đạo và kết luận từ tháng 4/2022, đến nay đã hơn 1 năm rồi mà vẫn chưa có phương án giải quyết.
“Khi nào, bộ có phương án giải quyết cuối cùng để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp? Tôi xem lại các trả lời của bộ đối với một số vấn đề mà cử tri Gia Lai phản ánh và bức xúc, bộ đều trả lời sẽ quyết liệt, sẽ hoàn thành và sớm hoàn thành”, ông Hoàng Anh nói.
Ông nêu, dự án nâng cấp Quốc lộ 19 nối tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, Bộ Giao thông Vận tải trả lời “sẽ sớm giải quyết để tránh ảnh hưởng đến người dân và giảm tai nạn giao thông”, nhưng đến nay dự án này không hoàn thành theo tiến độ đã đặt ra.
“Chúng tôi mong muốn bộ cho câu trả lời thời hạn sớm là đến bao giờ?”, đại biểu hỏi.
Bộ trưởng trả lời: Thực ra, Bộ Giao thông Vận tải đã làm hết trách nhiệm rồi, đã thành lập các đoàn công tác đi khảo sát ở các địa phương. Theo ông, hiện nay toàn bộ cơ chế để xử lý 8 dự án BOT đang có vấn đề đã được trình Thủ tướng, Chính phủ, sau đó sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Bây giờ kết quả chưa biết như thế nào, cho nên đại biểu hết sức thông cảm”, ông Nguyễn Văn Thắng nói.
Chung mối quan tâm về nhiều dự án BOT chưa được giải quyết dứt điểm dự án BOT, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) dẫn ví dụ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài ngay cửa ngõ Thủ đô vẫn chưa được dỡ bỏ.
Nghị quyết 62 của Quốc hội khóa XV ghi rõ trong năm 2022 giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT. Bộ trưởng cho biết nhiệm vụ, trách nhiệm thuộc về ai khi Nghị quyết 62 Quốc hội không được thực hiện triệt để và giải pháp sắp tới là gì? Ông Huân nêu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay vấn đề liên quan đến việc một số trạm thu phí BOT theo Nghị quyết 62 vừa qua đã triển khai nhưng vướng mắc rất nhiều, đặc biệt liên quan đến hợp đồng ký kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các nhà đầu tư.
Theo ông Thắng, Nhà nước, doanh nghiệp rất bình đẳng khi đặt bút ký hợp đồng, do đó, quá trình xử lý rất cố gắng, nỗ lực và đã có những trạm đã xử lý được rồi, những trạm còn lại phải tiếp tục đàm phán, để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư.
“Rất nhiều dự án BOT không phải lỗi do nhà đầu tư, cũng không phải lỗi của Nhà nước mà do kinh tế - xã hội phát triển, do nhu cầu thực tiễn phát sinh cần phải mở thêm tuyến này, làm thêm đoạn kia. Chúng tôi rất trách nhiệm, trước mắt thời gian tới tiếp tục trình 8 dự án BOT để xử lý”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.
PV
11:41 12/12/2024(Thanh tra) - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam vừa vinh dự được xướng tên trong danh sách 50 Doanh nghiệp niêm yết tiên phong và cam kết nâng cao quản trị công ty Việt Nam – VNCG50 tại Diễn đàn thường niên Quản trị công ty (AF7).
Theo VietinBank
21:28 11/12/2024Trần Quý
19:12 11/12/2024Uyên Uyên
12:45 11/12/2024Trần Quý
10:05 11/12/2024Trần Quý
22:15 10/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC