Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thị trường chứng khoán 2025: Kỳ vọng khởi sắc hay tiếp tục thách thức?

Đông Hà

Thứ ba, 10/12/2024 - 10:53

(Thanh tra) - Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức trước những biến động khó lường của xung đột địa chính trị, tỷ giá, lạm phát và lãi suất toàn cầu. Dù vậy, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp và các yếu tố nội tại tích cực, thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn trong tương lai.

Chưa đầy một tháng nữa thị trường chứng khoán sẽ bước sang năm 2025 - năm được kỳ vọng sẽ khởi sắc nhờ triển vọng nâng hạng, các chính sách mới đi vào hiệu lực và dòng tiền ngoại gia tăng. Liệu những yếu tố này có đủ để mang lại “niềm vui” cho nhà đầu tư?

Thách thức lớn

Ngày 10/12, trả lời Báo Thanh tra, chuyên gia chứng khoán Đinh Quang Hinh (VnDirect) nhận định: Năm 2025, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức lớn, cần có sự chuẩn bị kỹ càng từ cả cơ quan quản lý và các nhà đầu tư.

Trên bình diện quốc tế, “thương chiến” sẽ là một trong những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất khi thế giới bước vào năm 2025 và đây cũng là một trong những rủi ro chính gây bất ổn tới kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính trong năm tới. Với việc tổng thống đắc cử của Mỹ Donal Trump theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại, đe dọa áp đặt thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, điều này chắc chắn sẽ gây ra những xáo trộn không nhỏ tới dòng chảy thương mại và đầu tư trên toàn cầu.

Chuyên gia chứng khoán Đinh Quang Hinh. Ảnh: VND

Việt Nam là nước có độ mở kinh tế rất lớn (đứng thứ 2 khu vực chỉ sau Singapore), những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ và các thị trường lớn khác sẽ có những ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và tác động tới tăng trưởng kinh tế, việc làm trong năm 2025.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cần chú ý tới một số rủi ro khác có thể gây bất ổn tới thị trường tài chính toàn cầu như tình trạng thâm hụt ngân sách và vấn đề nợ công tại Mỹ hay tăng trưởng suy yếu và khủng hoảng thị trường bất động sản chưa có hồi kết tại Trung Quốc.

Trong nước, vấn đề nợ xấu ngân hàng chưa được giải quyết triệt để. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn những ách tắc và chưa lấy lại được “niềm tin” của nhà đầu tư cá nhân. Thị trường bất động sản dù phục hồi nhưng vẫn còn những quan ngại về tính bền vững khi chưa giải quyết được vấn đề về sự lệch pha cung-cầu tại nhiều phân khúc, giá một số phân khúc tăng nóng. Một số động lực tăng trưởng kinh tế trong nước như đầu tư tư nhân, tiêu dùng đang “chững lại”.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho hay, thị trường chứng khoán Việt năm tới có thể đối mặt với nhiều thách thức đến từ các yếu tố như rủi ro địa chính trị, chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, sự biến động mạnh của các kênh đầu tư khác và tác động từ chính sách tài khóa, tiền tệ trong nước.

Rủi ro xung đột và căng thẳng địa chính trị đang tiềm ẩn nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là những ngành phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế như dệt may, điện tử và thủy sản. Đồng thời, các cuộc xung đột còn đẩy giá hàng hóa và năng lượng tăng cao, tạo áp lực lạm phát trên toàn cầu, làm gia tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.

Việc ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng có thể mang lại những thay đổi lớn trong chính sách kinh tế Mỹ. Chiến lược bảo hộ kinh tế, bao gồm các biện pháp áp thuế nhập khẩu mạnh tay, đặc biệt đối với hàng hóa từ Trung Quốc, được dự báo sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu. Sự hỗ trợ nền kinh tế nội địa Mỹ có thể khiến đồng USD duy trì ở mức cao, tạo áp lực lớn lên các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Ngoài ra, sự biến động của các kênh đầu tư khác như: Vàng, tiền ảo và bất động sản cũng là một yếu tố đáng chú ý. Năm 2024 đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của vàng và Bitcoin. Giá vàng tăng 25% kể từ đầu năm, trong khi Bitcoin tăng vọt từ 68.000 USD lên 90.000 USD chỉ trong vòng vài tuần. Những kênh đầu tư này thu hút lượng lớn dòng tiền, có thể làm giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán.

Giám đốc phân tích Chứng khoán Nhất Việt (VFS) Nguyễn Minh Hoàng. Ảnh: VFS

Đồng quan điểm, ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên cao cấp thuộc khối nghiên cứu Chứng khoán MBS cho rằng, kinh tế toàn cầu năm 2025 dự kiến sẽ đối mặt với nhiều biến động lớn. Các chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump (dự kiến tiết lộ vào đầu năm 2025) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại Việt Nam - Mỹ và biến động tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng.

Bên cạnh đó, các cuộc xung đột kéo dài, đặc biệt ở châu Âu (như cuộc chiến Nga - Ukraine) hoặc căng thẳng tại châu Á (như vấn đề Đài Loan), Hàn Quốc, có thể tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu và niềm tin nhà đầu tư. Căng thẳng thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể gây bất lợi cho chuỗi cung ứng mà Việt Nam đang tham gia.

Trong khi đó, với thị trường trong nước, một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đặc biệt từ nhóm bất động sản, sẽ đáo hạn vào năm 2025. Cách xử lý thế nào và mức độ ảnh hưởng của vấn đề này sẽ tác động tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư chứng khoán trong năm 2025.

"Những thách thức trên sẽ tạo áp lực lớn lên thị trường chứng khoán Việt Nam, đòi hỏi cơ quan quản lý và nhà đầu tư phải chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp đồng bộ để thích nghi, giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội nhằm duy trì tăng trưởng bền vững", chuyên gia Ngô Quốc Hưng nhận định.

Trong “nguy” có “cơ”

Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá, thị trường chứng khoán năm 2025 dù đối mặt với nhiều thách thức, song cũng luôn tiềm ẩn những cơ hội đáng giá trong “nguy”. Ông Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, chính sách tài khóa và tiền tệ trong nước mang đến những cơ hội lớn. Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021–2025, với trọng tâm là đẩy mạnh đầu tư công. Các dự án lớn như đường cao tốc, cảng biển và sân bay Long Thành được kỳ vọng hoàn thành đúng tiến độ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, vật liệu và bất động sản.

Chính phủ cũng có thể tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế và khuyến khích đầu tư vào các ngành chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và dịch vụ. Những chính sách này không chỉ cải thiện doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp niêm yết mà còn tạo tác động tích cực lên giá cổ phiếu, giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.

Chuyên gia chứng khoán MBS Ngô Quốc Hưng. Ảnh: MBS

Theo chuyên gia Ngô Quốc Hưng, năm 2025 là năm cuối trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 của Chính phủ Việt Nam, là thời điểm về đích của các mục tiêu kinh tế như: tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, năng lượng, số hóa và đô thị… sẽ là lực đẩy giúp cải thiện môi trường đầu tư và sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8% cho năm 2025 để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch năm 2026 và cả giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã đề xuất kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số mặt hàng, dịch vụ thêm sáu tháng, tức tới giữa năm 2025. Mục tiêu là nhằm kích cầu tiêu dùng, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.

Quốc hội cũng vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam hơn 1,7 triệu tỷ đồng, bên cạnh đó tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.

Giới đầu tư trong và ngoài nước đang kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi (Emerging Market) theo tiêu chí của FTSE Russell và MSCI vào năm 2025.

“Nhìn chung, thị trường chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm 2015 sẽ “dễ thở” hơn so với năm 2014 khi xu hướng cắt giảm lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đã được định hình”, chuyên gia Ngô Quốc Hưng nhận định.

Chuyên gia Đinh Quang Hinh cũng cho rằng, dù còn đối mặt với thách thức, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều “điểm sáng” trong năm 2025. Nền kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng vững chắc và ổn định vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động. Lạm phát hạ nhiệt giúp Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ lãi suất vay thấp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Các chính sách như đẩy mạnh phân cấp, tăng đầu tư công cũng sẽ tác động tích cực, góp phần nâng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tăng 15 - 17%, trở thành yếu tố hỗ trợ quan trọng cho thị trường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm tới. Đánh giá tích cực từ đại diện FTSE củng cố kỳ vọng này, mở ra khả năng thu hút hàng tỷ đô la từ các quỹ đầu tư quốc tế.

Thêm nữa, định giá thị trường ở mức hấp dẫn với P/E dự phóng VN-Index khoảng 12-13 lần. Triển vọng lợi nhuận khả quan và nâng hạng thị trường có thể thúc đẩy định giá được nâng cao hơn.

“Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều biến động trong năm tới khi mà chủ nghĩa bảo hộ dâng cao trên toàn cầu, tuy vậy với những nội lực đã tích lũy được trong những năm qua và kỳ vọng gặt hái thành quả từ việc nâng hạng thị trường, tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ duy trì xu hướng vận động đi lên và kịch bản chỉ số Vn-Index quay trở lại vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi”, ông Hinh cho hay.

Trong bối cảnh đó, Nguyễn Minh Hoàng khuyến nghị nhà đầu tư cần theo dõi sát sao các yếu tố vĩ mô và diễn biến thị trường để đưa ra chiến lược đầu tư phù hợp, tận dụng tốt những cơ hội từ sự thay đổi của bối cảnh trong và ngoài nước.

"Tôi cho rằng chiến lược phù hợp nhất với nhà đầu tư cá nhân trên thị trường là tập trung vào các mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản, định giá hấp dẫn, được hưởng lợi từ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước hoặc thế giới (bao gồm ngân hàng, đầu tư công, xuất nhập khẩu, bất động sản, thép, logistic), có kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định hoặc đang trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục lợi nhuận. Cùng với đó, chỉ nên đầu tư nắm giữ dài hạn khi xuất hiện các điểm mua an toàn, thị trường rung lắc chiết khấu với những tin tức tiêu cực khiến giá giảm về những vùng hỗ trợ mạnh", ông Hoàng nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

OCB lọt Top các doanh nghiệp bền vững  năm 2024

OCB lọt Top các doanh nghiệp bền vững năm 2024

(Thanh tra) - Với mục tiêu trở thành ngân hàng xanh tiên phong tại Việt Nam và kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững từ rất sớm, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã nhận được sự đánh giá cao và công nhận từ nhiều tổ chức uy tín. Vừa qua, OCB tiếp tục được vinh danh trong top 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI 100) năm 2024.

TC

14:00 26/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm