Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tháo rào cản tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ ba, 03/04/2018 - 10:28

(Thanh tra)- Hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đều đang “khát” vốn để trưởng thành, cạnh tranh thắng lợi trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Vậy làm gì để hỗ trợ, tháo rào cản này cho DNNVV?

Theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV qua hệ thống các ngân hàng thương mại còn hạn chế. Ảnh minh họa

Chỉ 30% DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng

DNNVV chiếm tỷ lệ đa số (hơn 97%) tổng số DN trong nền kinh tế, là khu vực có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý I/2018, cả nước có 26.785 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 278 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% về số DN và 2,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Song, số DN tạm ngừng hoạt động lên đến 20.337 DN và có 3.300 DN giải thể (trong đó có hơn 3 nghìn DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,5%).

Các chuyên gia đánh giá, DNNVV Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để có thể cạnh tranh phát triển, nhất là đối với các DN khởi nghiệp. Trong khi, khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV qua hệ thống các ngân hàng thương mại còn hạn chế.

Chỉ có khoảng hơn 30% DNNVV tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, gần 70% DNNVV còn lại tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro... Giai đoạn 2012-2017, tỷ lệ dư nợ cho DNNVV chiếm trung bình khoảng 22-25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế.

Nguyên nhân chính là do tình hình “sức khỏe” không tốt, sản xuất kinh doanh còn bấp bênh, lại không có tài sản bảo đảm nên cánh cửa ngân hàng không rộng mở đối với các DNNVV. Chưa kể, tiêu chí truyền thống của ngân hàng là DN để cho vay thì phải thành lập từ 2 – 3 năm trở lên và phải đạt lợi nhuận vài năm liên tiếp… nhưng các DNVVN thường có thời gian thành lập ngắn.

Minh bạch, chia sẻ thông tin

Để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, mở rộng quy mô vốn vay của các DNNVV, theo các chuyên gia, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đối với cả hai phía ngân hàng và DNNVV.

“Trước hết, cần có cơ chế chia sẻ thông tin của các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan thuế, đăng ký doanh nghiệp, thông tin tín dụng ngân hàng... Qua đó, giúp các ngân hàng và DNNVV chia sẻ, minh bạch thông tin phục vụ việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm DNNVV tốt hơn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu nêu.

Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, các tổ chức tín dụng cần thiết kế các sản phẩm và dịch vụ phù hợp hơn dành cho DNNVV. Cùng với đó, tăng cường vai trò của các hiệp hội DNNVV và hợp tác giữa các tổ chức tín dụng và các quỹ bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ nhiều hơn trong hoạt động đào tạo, tư vấn quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính và học vấn cho DNNVV.

Ông Cấn Văn Lực cũng khuyến nghị, DNNVV nên cải thiện tính minh bạch, công khai thông tin, nâng cao quản trị của DN, sẵn sàng làm việc với các tổ chức tín dụng...

Lập quỹ bảo lãnh tín dụng có vốn tối thiểu 100 tỷ đồng

Ở góc độ chính sách, tin vui cho các DNNVV là Chính phủ vừa ban hành nghị định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.

Theo đó, Quỹ bảo lãnh tín dụng là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV.

Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vốn điều lệ thực có tối thiểu tại thời điểm thành lập Quỹ này là 100 tỷ đồng do ngân sách cấp tỉnh cấp.

Nghị định nêu rõ, đối tượng được quỹ bảo lãnh tín dụng cấp bảo lãnh tín dụng là các DNNVV theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn, có tiềm năng phát triển nhưng chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng ở các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo quy định.

Các DNNVV vay vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực sau sẽ được ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh tín dụng: các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ; Các lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong từng thời kỳ.

UBND cấp tỉnh sẽ ban hành danh mục cụ thể các ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong từng thời kỳ được quỹ ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh tín dụng theo quy định.

Điều kiện để được cấp bảo lãnh tín dụng

DNNVV chỉ được Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay;

- Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định;

- Có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh;

- Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, DN không có các khoản nợ thuế từ 1 năm trở lên theo Luật quản lý thuế và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, DN phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp;

- Có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định.

Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tối đa bằng 100% giá trị khoản vay (bao gồm cả vốn lưu động và vốn trung, dài hạn) tại tổ chức cho vay. Căn cứ vào tính khả thi, mức độ rủi ro của DN, dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của Quỹ, Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét, quyết định cụ thể mức bảo lãnh cho DN.

Thời hạn cấp bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng được xác định phù hợp với thời hạn vay vốn đã thỏa thuận giữa các bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh tại hợp đồng tín dụng và được quy định rõ trong hợp đồng bảo lãnh tín dụng, chứng thư bảo lãnh ký kết giữa các bên liên quan theo quy định.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm