Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Tăng lương lên 1,6 triệu đồng/tháng mà giá tiêu dùng tăng thì không có ý nghĩa”

Thứ ba, 22/10/2019 - 13:15

(Thanh tra) – Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,6 triệu đồng/tháng năm 2020 của Chính phủ “rất phù hợp”. Song, “tăng lương mà để giá cả tiêu dùng tăng lên thì không có ý nghĩa”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi

Bên hành lang Quốc hội sáng (22/10), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi trao đổi với báo chí liên quan đến việc Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở năm 2020.

Lấy nguồn lực ở đâu để tăng lương?

+ Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng, tức tăng hơn 100.000 đồng so với mức lương hiện nay. Theo ông điều này có phù hợp?

Lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng. Chính phủ đề xuất tăng tiền lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng, tức tăng hơn 100.000 đồng so với mức lương hiện nay, như vậy là tăng 7,33%, đúng với tinh thần Nghị quyết của Quốc hội giao.

Chúng ta thực hiện được việc nâng mức lương cơ sở cho khu vực hành chính sự nghiệp vào năm 2020 thì chúng ta sẽ có cơ hội để cải cách tiền lương vào năm 2021 theo Nghị quyết 27 của Trung ương.

Tuy nhiên, Chính phủ cân đối nguồn lực để tăng lương lấy ở đâu, đấy mới quan trọng.

Trong khi, tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội rất chậm, hiệu quả chưa cao. Bộ máy lớn mà ta cứ cố cải cách tiền lương thì dẫn đến chuyện ta sẽ lạm phát tiền lương. Bởi bởi tiền lương là giá trị chi trả sức lao động trên thị trường. Anh tăng lương mà để cho giá cả tiêu dùng tăng lên thì không có ý nghĩa.

+ Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, nếu tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng sẽ phải dùng đến 40% khoản tăng thu ngân sách của địa phương, 50% khoản tăng thu ngân sách Trung ương để có nguồn chi trả. Vậy điều này có đe dọa đến nguồn chi cho đầu tư phát triển của đất nước hay không?

Chắc chắn sẽ đe dọa đến nguồn chi cho đầu tư xây dựng cơ bản và hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn nâng cao năng suất lao động và đảm bảo đời sống cho người lao động thì phải tăng lương, vì lương của công chức viên chức nước ta hiện còn thấp.

Theo tôi, đầu tư cho tiền lương cũng chính là đầu tư cho phát triển. Khi tính toán việc điều chỉnh tiền lương cơ sở bao giờ chúng ta cũng phải cân nhắc đến cả hai yếu tố là đảm bảo quyền lợi cho người lao động hoặc ưu tiên vào đầu tư cho xây dựng cơ bản. Và khi đánh giá thì việc không đầu tư cho người lao động sẽ gây ra tác động tiêu cực nhiều hơn.

Đương nhiên tăng lương sẽ dẫn tới tăng chi thường xuyên

+ Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cảnh báo, tăng lương cơ sở sẽ làm tăng chi thường xuyên trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực để giảm chi thường xuyên?

Đương nhiên tăng lương sẽ dẫn tới tăng chi thường xuyên. Tuy nhiên, như tôi đã nói, cải cách chính sách tiền lương là thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, và đây là đảm bảo đời sống cho người lao động.

Việc tăng lương cũng là theo Nghị quyết của Trung ương và của Quốc hội để đảm bảo đời sống của người lao động.

Vấn đề cơ bản như tôi đã nói ở trên, Chính phủ phải điều hành kinh tế vĩ mô sao cho không làm tăng chỉ số giá sinh hoạt CPI và tiếp tục tích cực cải cách bộ máy để giảm nhẹ biên chế và chuyển mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ tự chịu trách nhiệm.

Như vậy mới có nguồn để cải cách tiền lương và mới giảm được chi hành chính, trong đó có chi ngân sách cho tiền lương.

+ Theo ông, làm thế nào để đảm bảo nguồn ngân sách để chi cho việc tăng lương cơ sở?

Ngoài đề xuất của Chính phủ như giảm chi hành chính, tiết kiệm, tăng nguồn thu ngân sách… thì tôi cho rằng, Chính phủ cũng phải hết sức lưu ý việc chúng ta đang thực hiện các nghị quyết của Trung ương về đổi mới tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nói cách khác, phải dành được nguồn tiền lương mà chúng ta tiết kiệm được do thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức nhờ cơ cấu lại bộ máy để chuyển bổ sung vào nguồn cải cách chính sách tiền lương.

Ví dụ, ngành y tế trong 2 năm vừa qua đã giảm được 25.000 biên chế, tiết kiệm được cho ngân sách hơn 2.100 tỷ đồng, thì nguồn tiết kiệm này phải được đưa vào cải cách tiền lương.

Vấn đề quan trọng hiện nay là tiến độ sắp xếp lại các đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức trong bộ máy của chúng ta, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, còn rất chậm, hiệu quả chưa cao. Điều đó sẽ tác động đến vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bởi bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách sẽ không chịu nổi.

Cho nên, muốn cải cách chính sách tiền lương tốt, thì phải tích cực giảm biên chế, cải cách bộ máy hành chính, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng nhanh chóng chuyển sang cơ chế tự chủ.

+ Xin cảm ơn ông!

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm