Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Rà soát, thực hiện các giải pháp giảm thiểu nợ thuế

Thứ ba, 13/08/2019 - 18:07

(Thanh tra)- Theo báo cáo của Tổng cục Thuế về tình hình thu hồi nợ thuế cho thấy, số nợ đến thời điểm 31/7/2019 đã giảm so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, số tiền nợ thuế so với thời điểm 31/12/2018 lại tăng. Do đó, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế rà soát, có giải pháp thu hồi nợ, đảm bảo từ nay đến cuối năm giảm số nợ thuế so với hiện nay.

Nợ thuế giảm so với cùng kỳ

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế tính đến 31/7/2019 là 83.158 tỷ đồng, giảm 5,7% (tương đương gần 5.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018; giảm 0,3% so với thời điểm 30/6/2019. Trong đó, tiền nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày (tức nợ thuế có khả năng thu) là 44.148 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 53% tổng số tiền nợ, giảm 16,9% (tương đương gần 9.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018.

Các khoản nợ thuế, phí là 16.539 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 20% tổng số tiền thuế nợ, giảm 38,8% (tương đương gần 10.500 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018. Các khoản nợ liên quan đến đất là 10.931 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,1% tổng số tiền nợ thuế. Các khoản nợ do phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp là 16.678 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,1% tổng số tiền nợ thuế.

Báo cáo cũng cho thấy, số tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi (người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 39.010 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,9% tổng tiền nợ thuế, tăng 11,4% (tương đương 3.992 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018, tăng 0,3% so với thời điểm 30/6/2019.

Trao đổi với phóng viên về tình hình nợ thuế, ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, số nợ thuế tính đến 31/7/2019 đã giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, so với thời điểm 31/12/2018 thì lại tăng 8,9%.

“Nguyên nhân số nợ thuế tăng là do một số người nộp thuế trong quá trình sản xuất, kinh doanh đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc liên quan đến trách nhiệm hình sự… Điều này đã làm gia tăng số nợ thuế không có khả năng thu hồi. Đồng thời, số nợ không có khả năng thu hồi này vẫn phải tính tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày”, ông Toản cho biết.

Một số giải pháp trọng tâm thu hồi nợ thuế

Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và từng cán bộ công chức trong việc thu hồi nợ thuế.

Tiếp tục đánh giá, phân loại, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thu nợ phù hợp; thực hiện triệt để các biện pháp thu hồi nợ thuế như: trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, thu hồi giấy phép kinh doanh, công khai thông tin người nợ thuế…

Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thu hồi nợ đọng thuế; thành lập ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng, tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý

Tăng cường các giải pháp thu nợ

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến 31/7/2019, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ đọng. Tại thời điểm 31/12/2018 thu đạt 19.440 tỷ đồng, bằng 50,2% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 12.553 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 6.887 tỷ đồng.

Ông Toản cho biết thêm, trước tình hình nợ thuế không có khả năng thu hồi có chiều hướng tăng, Tổng cục Thuế đã cử đoàn công tác làm việc với các cục thuế để rà soát, yêu cầu các cục thuế có giải pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế. Đến nay tổng cục đã rà soát tại 54 cục thuế, chỉ còn  9 cục thuế có số thu thấp chưa rà soát. Sau khi rà soát và kiểm tra công tác thu hồi nợ, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2019 phải giảm số nợ thuế ở mức thấp nhất có thể.

Cùng với việc rà soát, chỉ đạo công tác thu hồi nợ thuế,  ông Toản cũng cho biết, để giảm số nợ thuế phát sinh, từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục bám sát Chỉ thị số 04/CT-BTC của Bộ Tài chính, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp, phối hợp tốt với UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế để giảm nợ thuế.

“Chỉ thị của Bộ Tài chính đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp xây dựng phương án xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện xử lý nợ đọng thuế. Đồng thời, chỉ thị cũng nêu rõ trách nhiệm và các giải pháp cụ thể trong việc thu hồi, xử lý nợ đọng. Đến nay, cơ quan thuế các cấp vẫn đang triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trên địa bàn để phối hợp thu, xử lý nợ đọng thuế”, ông Toản nói.

Nhật Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ngân hàng tăng lãi suất, khuyến cáo khách hàng tránh sập bẫy mã QR giả

Ngân hàng tăng lãi suất, khuyến cáo khách hàng tránh sập bẫy mã QR giả

(Thanh tra) - Đã có 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong 2 tháng qua, mức tăng từ 0,1-0,7% tùy kỳ hạn, và ngân hàng. Kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi dao động từ 4,6-5,95%/năm. Các ngân hàng khuyến cáo chủ cơ sở kinh doanh chủ động rà soát các mã QR của mình nhằm phát hiện kịp thời và gỡ bỏ các mã QR giả mạo.

Uyên Uyên

12:45 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm