Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lãi suất giảm nhưng tiền gửi ngân hàng tăng kỷ lục: Sức hấp thụ vốn yếu

Nguyễn Điểm

Thứ năm, 24/08/2023 - 06:35

(Thanh tra) - Dù lãi suất đã giảm mạnh, người dân vẫn chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng để đảm bảo an toàn trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém.

Lãi suất giảm nhưng tiền người dân gửi vào ngân hàng vẫn tăng cao. Ảnh: NĐ

Ngân hàng cần bình quân kỳ hạn tài chính giữa tiền gửi và cho vay

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, lượng tiền gửi ngân hàng liên tục tăng cho thấy người dân chưa sẵn sàng đầu tư vào các thị trường khác. Trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản đang đình trệ, nên họ chỉ tập trung vào kênh tiền gửi tiết kiệm nhằm đảm bảo nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tương lai.

Tiền gửi dân cư tiếp tục tăng cũng khiến lãi suất cho vay chưa thể giảm, bởi trong chu kỳ 3-4 tháng trước đó, ngân hàng đã huy động vào với lãi suất khá cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp mong muốn lãi suất cho vay thấp hơn, song điều này vẫn chưa thể khả thi.

Nợ xấu ngân hàng cũng tăng cao trong 6 tháng đầu năm nay, tăng gần như gấp đôi tỷ lệ nợ xấu của chu kỳ trước đây. Khi đó, tiền ngân hàng cho vay không thu hồi về được để cho vay tiếp, theo đó, tín dụng khả dụng cũng rất thấp, khiến lãi suất cho vay chưa thể giảm.

TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. Ảnh: NĐ

Việc nhiều người dân chọn gửi tiền ở ngân hàng một phần do khả năng hấp thụ yếu của nền kinh tế. Theo nhóm phân tích Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất từ đầu năm 2023 đến nay, nhưng nhu cầu vay vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước vẫn đang ở mức thấp, trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng có xu hướng giảm trong nửa đầu năm 2023. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhu cầu nội địa đang có dấu hiệu suy yếu khi tiêu dùng của hộ gia đình tăng khá chậm (2,68%) so với cùng kỳ năm 2022. Điều này dẫn tới nhu cầu tiêu dùng mua sắm của người dân giảm mạnh, các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, lượng hàng tồn kho lớn, dẫn đến không có động lực vay vốn mở rộng quy mô sản xuất.

Nhìn từ phía cung, các ngân hàng thương mại hiện nay cũng đang gặp phải tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" khi khó tìm được khách hàng tốt để cho vay với lãi suất thấp, trong khi các khách hàng sẵn sàng vay thì có rủi ro tín dụng cao, không đáp ứng được các tiêu chí vay vốn, dẫn đến các ngân hàng còn e ngại giải ngân.

Tiền gửi có tiếp tục tăng?

Nhận định về sự sụt giảm tiền gửi của các tổ chức kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, do năm nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không có đơn hàng, không sản xuất, xuất khẩu được nên tiền gửi của nhóm này vào hệ thống ngân hàng cũng ở mức thấp, đây cũng là một trong những lý do làm lãi suất cho vay vẫn neo cao bởi tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đang ở mức thấp.

Theo báo cáo tài chính của ngân hàng quý II/2023, CASA đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn giảm mạnh tại khu vực một số ngành xuất khẩu, đặc biệt là nông sản và thủy sản. Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng tiền gửi rất thấp, mà tiền gửi CASA chủ yếu lại đến từ khu vực này.

Dự báo sắp tới, ông Nghĩa cho rằng CASA có xu hướng tăng dần nhưng vẫn còn khó khăn nhất định khi khu vực chế biến, chế tạo muốn xuất khẩu sang châu Âu đòi hòi tín chỉ carbon.

Đánh giá về xu hướng tiền gửi trong thời gian tới, ông Nghĩa cho rằng, tiền gửi dân cư vào ngân hàng vẫn có xu hướng tăng vì họ cũng chưa tìm được những kênh đầu tư tốt hơn khi vàng có nhiều biến động, chứng khoán đang phục hồi nhưng ở mức độ rất thấp, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang đóng băng.

Nhóm phân tích Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng nhận định, mặc dù tiền gửi ngân hàng của dân cư đạt mức cao kỷ lục, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm rõ rệt trong các tháng gần đây, kết hợp với các dữ liệu lịch sử cũng chỉ ra rằng việc điều chỉnh của chính sách tiền tệ cần có độ trễ về mặt thời gian để có thể phát huy hiệu quả, cho thấy việc tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh lãi suất giảm hiện nay hoàn toàn nằm trong dự đoán và tầm kiểm soát của Chính phủ Việt Nam.

Việt Nam cần thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ các khó khăn về vốn cũng như tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục, hồ sơ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước tăng cung tiền cho vay vào những lĩnh vực có thể tạo ra những cầu nội địa lớn, ví dụ như là bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, bán lẻ để kích thích cầu tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, cần phối hợp nhịp nhàng chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa. “Chính sách giảm thuế VAT vừa được thực hiện sẽ tạo ra một nguồn thu và giảm bớt căng thẳng về dòng tiền cho các doanh nghiệp”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

PVcomBank khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học

PVcomBank khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học

(Thanh tra) - Nhằm tăng cường an toàn, bảo mật đồng thời đảm bảo các giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử không bị gián đoạn sau ngày 01/01/2025, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) khuyến nghị khách hàng cần nhanh chóng cập nhật giấy tờ tùy thân còn hiệu lực và hoàn thành đối chiếu khớp đúng với thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản/thẻ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

21:11 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm