Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiến tạo hậu COVID -19: Cải cách không chỉ “cắt, giảm” mà còn 4 “bớt”

Hương Giang

Thứ sáu, 10/07/2020 - 21:34

(Thanh tra) - Theo đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), để kiến tạo nền kinh tế hậu COVID -19, giữ mạch cải cách thì không chỉ “cắt, giảm” mà còn phải “bớt sợ trách nhiệm”, “bớt dè dặt”, “bớt sợ thiếu việc” và “bớt sốt ruột”.

CIEM cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 là 2,1% hoặc 2,6%. Ảnh minh hoạ: Internet

Sáng ngày 10/7, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), CIEM tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới”.

Cảnh báo rủi ro về khủng hoảng nợ toàn cầu

Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh cho hay, trước diễn biến khó lường của đại dịch COVID -19, các tổ chức quốc tế liên tục hạ dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu 2020.

Vào cuối tháng 6/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo GDP toàn cầu có thể sụt giảm 4,9%. Đầu tuần này, Bộ phận Nghiên cứu chính sách của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cũng dự báo GDP của khu vực APEC có thể giảm tới 3,7%.

Nhưng khó khăn với kinh tế thế giới và khu vực có thể không chỉ dừng ở đó.

“Chúng ta đã thấy không ít cảnh báo về làn sóng dịch thứ hai, rủi ro đối với hợp tác kinh tế đa phương, suy giảm niềm tin chiến lược, cạnh tranh giữa các siêu cường kinh tế trong bối cảnh COVID-19, thậm chí cả rủi ro về khủng hoảng nợ toàn cầu trong bối cảnh các gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ được sử dụng nhiều và dồn dập hơn ở nhiều nước”, Viện trưởng CIEM nói.

Với Việt Nam là nền kinh tế dựa đáng kể vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài nên chịu nhiều hệ luỵ cả trực tiếp và gián tiến từ đại dịch COVID -19.

Từ phản ứng chính sách của Việt Nam trong ngăn chặn, ứng phó đại dịch, cũng như bức tranh nền kinh tế 6 tháng đầu năm, theo CIEM, Việt Nam đã tạo dựng được niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với công tác phòng chống dịch, đặc biệt trên phương diện điều hành gắn với “mục tiêu kép”.

Quan trọng hơn, Việt Nam vẫn giữ được không gian chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó với những diễn biến bất lợi trong tương lai.

2 kịch bản tăng trưởng: 2,1% hoặc 2,6%

CIEM cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020. Theo đó, với kịch bản 1, tăng trưởng có thể đạt mức 2,1%, xuất khẩu cả năm giảm 3,1%. Kịch bản 2 thì khả quan hơn, với mức tăng trưởng 2,6%, còn xuất khẩu giảm 1,9% (so với năm 2019). Lạm phát bình quân năm 2020 lần lượt đạt 4,3% và 4,5%.

“Ở góc độ nghiên cứu của CIEM, con số tăng trưởng dự báo trên là khá tích cực”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM) nói và cho hay, các đối tác của CIEM nói rằng mở cửa nền kinh tế thì cũng phải sang năm 2021.

Theo CIEM, Việt Nam vẫn cần thận trọng trong đánh giá tình hình các tháng cuối năm, đồng thời thực hiện các nhóm giải pháp phù hợp để vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế, giữ mạch cải cách, duy trì sức sống cho cộng đồng doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh, đại dịch COVID-19 mở ra thêm những vấn đề, chiều cạnh mà Việt Nam phải cân nhắc thấu đáo hơn. Ảnh: TN

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để kiến tạo nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh bình thường mới? Hỗ trợ tài khóa - tiền tệ là cần thiết, song có nên bắt chước các giải pháp ồ ạt như ở các nước phát triển khác không?

CIEM cho rằng, cần giữ dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực (đặc biệt cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc, diễn biến đại dịch COVID-19, rủi ro khủng hoảng nợ toàn cầu, xung đột địa chính trị.)…

Cùng với đó, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phát triển hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng số); thực hiện hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA mới (CPTPP, EVFTA)….

Thích ứng trong bối cảnh “bình thường mới”

Ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh, trong bối cảnh bình thường mới với nhiều băn khoăn, lo ngại thì cải cách phải thích ứng. “Cải cách không phải chỉ cắt, giảm”, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM nói.

Cũng theo ông Dương, trong tư duy cần phải “bớt sợ trách nhiệm”, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công, nếu không 30 tỷ USD phải giải ngân trong năm nay vẫn chỉ trên kế hoạch.

Tiếp đó, là “bớt sốt ruột” trong hỗ trợ tài khoá tiền tệ. “Quan điểm của chúng tôi là phải đánh giá trên tình hình thực tế của Việt Nam, chứ không phải nghe các nước khác làm thế thì cũng phải làm thế. Đồng ý rằng kiến nghị của doanh nghiệp là rất cần thiết nhưng cũng đừng quên cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện sự sáng tạo, thích nghi như thế nào trong bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung”, ông Dương phát biểu.

Thứ 3 là “bớt dè dặt”. Theo đại diện CIEM, với các vấn đề mới như kinh tế số, tiền điện tử… và pháp lý liên quan thì không nên quá rè rặt quá. Bởi ở góc độ kiến tạo thì nên “dám cho thử nghiệm, dám cho chơi, nếu không sẽ chậm chận”.

Cuối cùng là “bớt sợ thiếu việc”. “Nếu các bộ, ngành vẫn cứng nhắc, chỉ làm việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình mà không phản ứng kịp vấn đề mới thì chắc sẽ rất khó. Và lúc đó, họ sẽ nghĩ không có gì để làm trong khi có rất nhiều việc phải làm”, ông Dương nêu quan điểm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

PVcomBank khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học

PVcomBank khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học

(Thanh tra) - Nhằm tăng cường an toàn, bảo mật đồng thời đảm bảo các giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử không bị gián đoạn sau ngày 01/01/2025, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) khuyến nghị khách hàng cần nhanh chóng cập nhật giấy tờ tùy thân còn hiệu lực và hoàn thành đối chiếu khớp đúng với thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản/thẻ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

21:11 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm