Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng với các doanh nghiệp, tập đoàn dự án sân sau

Nguyễn Điểm

Thứ tư, 08/02/2023 - 22:21

(Thanh tra) - Đó là nhấn mạnh của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tại hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ngày 8/2. Đây là điểm vô cùng quan trọng mà các cấp có thẩm quyền cao tập trung chỉ đạo, quan tâm.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ngày 8/2. Ảnh: NĐ

Các doanh nghiệp bất động sản đề xuất gì?

Mở đầu phát biểu của các doanh nghiệp, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinhomes đề nghị NHNN cho phép các ngân hàng tài trợ cho hoạt động mua bán, đặt cọc, chuyển nhượng phần vốn góp và cổ phần trong các công ty đầu tư dự án và hoạt động M&A.

Đồng thời, ông cho rằng lãi suất vay vốn cần được điều chỉnh lại, song song với việc duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo như các khoản vay thông thường đối với các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý.

"Đề nghị NHNN và các ngân hàng làm rõ các quy định, tháo gỡ các vướng mắc về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân tại các văn bản hướng dẫn, có biện pháp tháo gỡ về cơ chế liên quan đến việc xếp loại và kiểm soát cho vay trong lĩnh vực bất động sản”, ông Hoa nói.

Đại diện Novaland, bà Đỗ Thị Phương Lan - phụ trách tư vấn dự án tái cấu trúc Novaland cho hay, khi làm việc với chủ nợ là các tập đoàn quốc tế, tất cả đều thống nhất những khó khăn hiện nay là rủi ro hệ thống, rủi ro của toàn thị trường.

Do đó, các bên chấp thuận phương án cơ cấu lại các khoản nợ cho phù hợp hơn với tình hình đang diễn ra ở Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp không rơi vào tình trạng vỡ nợ hay vi phạm, vi phạm chéo các khoản vay.

Tuy nhiên, khi tạm thời thỏa thuận xong với các chủ nợ quốc tế, doanh nghiệp lại gặp khó khăn khi làm việc với các chủ nợ trong nước. "Chúng tôi hy vọng NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong 24 - 36 tháng", bà Lan nêu ý kiến.

Có doanh nghiệp triển khai cùng lúc 50 dự án

Thống đốc cho biết, sau cuộc họp với các doanh nghiệp bất động sản, đã tổng kết được các khó khăn đang tồn tại trên thị trường, chủ yếu xoay quanh: Mục đích vay vốn, hệ số rủi ro áp dụng cao với các khoản tín dụng bất động sản/tín dụng được đảm bảo bằng bất động sản, tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo, vướng mắc chính sách về quy định pháp lý, lãi suất…

Để thực hiện các giải pháp tín dụng cho thị trường bất động sản, thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để có dư địa cho vay hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài ra, Thống đốc yêu cầu tập trung vốn tín dụng vào các phương án khả thi, có dự án pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đúng hạn, có mục tiêu nhà ở. Đồng thời, phía tổ chức tín dụng cần chủ động rà soát các dự án bất động sản đang được cấp tín dụng để kịp thời gỡ khó khăn nếu có vướng mắc pháp lý. Bên cạnh đó, kiểm soát dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, vật tư vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn cho thị trường bất động sản.

Đặc biệt, bà Hồng nhấn mạnh phải kiểm soát rủi ro tín dụng với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung và bất động sản không có nhu cầu kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, hỗn loạn thị trường bất động sản.

"Song song đó, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, người có liên quan của cổ đông, tổ chức tín dụng cho vay chéo... để cân đối tỷ trọng dư nợ tín dụng hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng", Thống đốc thông tin.

"Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, sử dụng vốn, nhất là với các doanh nghiệp, tập đoàn dự án sân sau. Đây là điểm vô cùng quan trọng mà các cấp có thẩm quyền cao tập trung chỉ đạo, quan tâm", bà Hồng nhấn mạnh tại cuộc họp.

Theo lãnh đạo NHNN, nếu tập trung vào các doanh nghiệp sân sau lớn sẽ rất rủi ro. Các doanh nghiệp rủi ro thì sẽ vạ lây sang ngân hàng.

Về cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại có giải pháp tín dụng phù hợp, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc; báo cáo các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết những vướng mắc mang tính pháp lý, thủ tục… tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

"Tôi biết có doanh nghiệp ngồi đây triển khai cùng lúc 50 dự án liền. Tôi không hiểu doanh nghiệp sẽ giải quyết thế nào khi gặp khó khăn. Tôi mong muốn doanh nghiệp trong mảng kinh doanh của mình dù lớn hay nhỏ, nhất là những doanh nghiệp phải vay nhiều, cần hết sức chú trọng việc quản trị dòng tiền", lãnh đạo NHNN cho hay.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm