Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 14/06/2013 - 18:20
(Thanh tra) - Nhiều chuyên gia lo lắng, nếu tình hình kinh tế năm 2012 là khó khăn, thì đến bây giờ là vô cùng đáng lo ngại khi doanh nghiệp (DN) phá sản ngày một nhiều. Việc tiếp sức giúp DN đang là vấn đề cấp bách, càng chậm trễ càng khó khăn “điều trị”.
Doanh nghiệp đã suy kiệt
Tình hình hiện nay cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng là bất thường so với các năm. Theo số liệu ngành Ngân hàng công bố gần đây, tính đến tháng 5/2013, tăng trưởng tín dụng dưới 3% là rất thấp, gây lo lắng cho các nhà quản lý, các DN. Bởi nhiều năm liền, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của VN ở mức rất cao. Cụ thể là năm 2007 tới 53,98%, năm 2008 là 23,38%, năm 2009 là 37,53%, năm 2010 là 31,19%. Hai năm sau đó, tín dụng vẫn tiếp tục tăng trưởng dù tốc độ tăng giảm đi, cụ thể năm 2011 là 10,9%, năm 2012 là 8,91%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng thấp có nghĩa là thị trường không tốt, các DN đang rất khó khăn. Nếu tiếp tục tài trợ tín dụng không phù hợp cho các DN sẽ làm thị trường xấu hơn, các DN sẽ khó khăn hơn. Tăng trưởng tín dụng thấp là hệ quả chứ không phải nguyên nhân tạo ra các khó khăn. Với các điều kiện như hiện nay, tăng trưởng tín dụng không phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường mới là bất bình thường, tạo thêm các nguy cơ cho một nền kinh tế vốn đang có nhiều vấn đề phải giải quyết.
Chỉ cần nhìn vào những con số thống kê cũng thấy rõ tình hình kinh tế hiện tại đáng lo. Năm 2012, có tới 69% DN báo lỗ, con số lớn nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra là tình hình thực sự có thể còn nguy cấp hơn rất nhiều. Những vấn đề trầm kha như nợ xấu, hàng hóa tồn kho, bất động sản đóng băng càng khiến chuyến xe kinh tế dường như bị sa lầy.
Hiện nay, nút nghẽn lớn nhất của nền kinh tế là không hấp thụ được vốn. Nguyên nhân chính là do sức cạnh tranh thị trường yếu ớt, và hàng tồn kho của các DN rất khó xử lý. Theo đó là nhu cầu thị trường các loại hàng hóa có xu hướng giảm rõ rệt, vì thế ưu tiên của DN là giải quyết hàng tồn kho để quay vòng vốn, thúc đẩy nhu cầu sản xuất , từ đó mới có nhu cầu hấp thụ vốn của ngân hàng. Như vậy, dòng vốn hiện nay không chảy vào sản xuất kinh doanh, bị ứ đọng tại ngân hàng.
Theo dự kiến, mục tiêu tăng tín dụng cả năm sẽ là 14 - 15% để kích thích tăng trưởng GDP 5,5%. Tuy nhiên, con số này xem ra rất khó để thành hiện thực. Rõ ràng đã có sự lệch pha giữa nguồn cung và cầu tín dụng, mà lý do chính là do các DN đang mất phương hướng kinh doanh. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh tế ì ạch như hiện nay, ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính quốc gia cho rằng, ngoài một số ít nguyên nhân khách quan còn chủ yếu là do các Bộ, ngành chức năng không sâu sát với tình hình thực tế của DN.
Trong khi đó, thực tế số lượng các DN dừng hoạt động vẫn không ngừng tăng. Nếu năm 2010 có 43.000 DN giải thể, phá sản, thì năm 2011 con số này hơn 53.000, và năm 2012 là hơn 54.000. Năm tháng đầu năm 2013, mỗi tháng có trên 4.500 đơn vị ngừng hoạt động và tổng số đến nay hơn 23.000 DN. Những DN còn hoạt động thì cũng cầm chừng, chờ đợi thời cơ bứt phá. Vì thế, làm sao khơi dậy niềm tin thị trường, kích thích, tiếp sức cho DN “khỏe” lại là một bài toán khó.
Kích cầu để cứu doanh nghiệp?
Hiện nay, dấu hiệu suy giảm kinh tế ngày càng rõ nét. Thực tế đang đặt ra lại khả năng hấp thụ nguồn vốn của DN.
Lãi suất đã hạ xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, nhưng DN vẫn khó khăn, thậm chí không muốn vay vốn. Điều này cho thấy, nhiều DN đã phải trả giá đắt vì bài học quản trị tài chính: Lấy vốn lưu động để đầu tư tài sản cố định dẫn đến mất cân đối vốn.
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu không có những giải pháp hữu hiệu, kịp thời, thì những thách thức trên sẽ là cản trở lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế năm 2013. Một số chuyên gia mạnh dạn đưa ra “liều thuốc” chính hiện nay nhằm cứu nền kinh tế thoát khỏi suy thoái là kích cầu. Dẫn luận rằng, cách đây vài năm lãi suất 17 - 25%/năm, nhưng DN vẫn vay, và hoạt động vẫn có lãi. Tại sao? Câu trả lời là vì có thị trường. Hiện nay, tuy lãi suất đã giảm khoảng 6 - 7%/năm so với hai năm trước, nhưng vốn vẫn ứ đọng tại ngân hàng, điều này chứng tỏ là do thị trường chứ không phải vì lãi suất.
Theo khảo sát của VCCI, hơn 70% DN cho biết, khó khăn của họ hiện nay không còn là vấn đề lãi suất hay không thể tiếp cận vốn ngân hàng, mà là thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Thời gian qua lãi suất cho vay quá cao, thu ngân sách quá lớn đã làm suy yếu các DN. DN bị kiệt quệ đã kéo nền kinh tế đi từ lạm phát chuyển sang giảm phát làm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tê liệt, đời sống xã hội khó khăn và chưa có lối thoát.
Lựa chọn con đường
Các chuyên gia cho rằng, tồn kho cao gây kiệt quệ các DN hiện nay là kết quả của sự giảm sút sức cầu trên thị trường. Nguyên nhân chính là cơ cấu và hệ thống phân bổ nguồn lực của nền kinh tế đang có vấn đề. Một nền kinh tế tăng trưởng dựa nhiều vào vốn, trong khi cơ chế phân bổ vốn lại không hợp lý, việc quản lý sử dụng vốn lại lỏng lẻo, làm cho hiệu quả đầu tư thấp, dẫn đến lạm phát cao kéo dài gây suy giảm nhu cầu của thị trường là kết cục tất yếu.
Thời gian qua, Chính phủ đặt ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN là rất đúng và kịp thời, nhưng triển khai rất chậm, trong khi DN đang dần mất niềm tin vào chính sách. Điều này thể hiện DN không muốn đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng cũng không sẵn sàng chi tiêu, nên tổng cầu và tổng cung năm 2013 khó cải thiện.
Làm thế nào để khơi dậy niềm tin kinh doanh, giúp DN giảm hàng tồn kho thông qua các chính sách vĩ mô và nhất là để DN tiếp tục tin tưởng đầu tư mở rộng sản xuất? Hiện nay, Chính phủ có đưa ra một số dự kiến chính sách mới, như giảm thuế TNDN hoặc nghiên cứu giảm thuế VAT… Có thể thấy, việc hạ giảm các loại thuế phí cho DN đang là việc làm hết sức cần thiết, có thể giúp các DN giảm thiểu những khoản chi phí trong khả năng kiểm soát.
Chưa có giai đoạn nào mà Chính phủ và các chuyên gia kinh tế lại lo lắng như vậy đối với “sức khỏe” của DN, nhất là sau khi Việt Nam vừa “vui vẻ” với quãng thời gian tăng trưởng được xem là nhanh và nóng. Có lẽ do sự tăng trưởng nhanh và nóng không dựa trên những nền tảng thực chất là “sức khỏe” của DN, nên đến khi gặp khó khăn thì nền kinh tế chững lại, lao dốc và thiếu những lực đẩy để vực dậy.
Theo các chuyên gia, năm 2013 là năm niềm tin của thị trường bị giảm sút nghiêm trọng. Nếu muốn khoan sức DN, tạo động lực xúc tiến thương mại, đầu tư trước hết các chính sách phải lấy lại niềm tin cho thị trường. Bởi năm 2013 là năm tích tụ những khó khăn của sụt giảm kinh tế kéo dài từ năm 2008 để lại.
Anh Huy
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán Công ty cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 242,5 triệu đồng.
Trần Quý
20:27 13/12/2024(Thanh tra) - Mã cổ phiếu TTL của Tổng công ty Thăng Long liên tục tăng kịch trần trong 5 phiên giao dịch liên tiếp, khiến công ty phải giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Đông Hà
09:13 13/12/2024Theo VietinBank
21:28 11/12/2024Trần Quý
19:12 11/12/2024Uyên Uyên
12:45 11/12/2024Trần Quý
Lê Hữu Chính
Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn