Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang “treo” hàng nghìn tỷ từ sắp xếp, CPH doanh nghiệp

Thứ hai, 09/09/2019 - 21:37

(Thanh tra) – TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang “treo” số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp Nhà nước trên tài khoản tạm thu tương ứng là hơn 10.200 tỷ đồng trong khi nhu cầu chi ngân sách rất cấp thiết.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chiều 9/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, CPH doanh nghiệp Nhà nước.

Báo cáo của đoàn công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2013-2018, tổng số thu Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 257.497 tỷ đồng; tổng số chi là 221.643 tỷ đồng; số dư bằng tiền tại thời điểm ngày 31/12/2018 là 52.067 tỷ đồng.

Trong tổng số tiền chi thì có 155.000 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước; phần còn lại 66.643 tỷ đồng thực hiện chi hỗ trợ lao động dôi dư, chi bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp Nhà nước, chi đầu tư bổ sung vốn để duy trì tỷ lệ phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đoàn công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp liên tục được hoàn thiện trên cơ sở bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước theo từng thời kỳ.

Hệ thống các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng được ban hành tương đối đầy đủ.

Tuy nhiên, cơ chế quản lý nguồn thu từ CPH, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bị điều chỉnh bởi nhiều nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho một số địa phương trong quản lý, sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, CPH.

Điển hình, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang “treo” số tiền thu từ sắp xếp, CPH các doanh nghiệp Nhà nước trên tài khoản tạm thu tương ứng là 8.416,485 tỷ đồng (30/6/2019) và 1.789,373 tỷ đồng (31/12/2017), trong khi nhu cầu chi ngân sách rất cấp thiết.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Vũ Hồng Khành thông tin, hai địa phương đã phải có nhiều văn bản báo cáo, đề xuất xin sử dụng nguồn vốn này, trong khi theo Luật Ngân sách Nhà nước khoản thu này đương nhiên thuộc ngân sách địa phương.

Ngoài ra, theo báo cáo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc quản lý, sử dụng quỹ cũng còn một số bất cập như trường hợp Tổng Công ty Tàu thủy và Tổng Công ty Lương thực miền Nam sử dụng quỹ vào hoạt động kinh doanh nhưng thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, Tổng Công ty Giấy Việt Nam sử dụng nguồn thu từ CPH để tăng vốn điều lệ 21 tỷ đồng nhưng chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2018 đến tháng 6/2019 chưa tổng hợp được số liệu chính thức về số dư quỹ để báo cáo cấp có thẩm quyền…

Trên cơ sở kết quả làm việc với các bộ, ngành, địa phương và các phân tích nêu trên, đoàn công tác đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, vì các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước.

Đề nghị này nhận được sự đồng tình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đoàn công tác cũng đề nghị, Chính phủ xử lý dứt điểm kiến nghị của các địa phương; rà soát, sửa đổi các văn bản dưới luật bảo đảm việc thực hiện đúng, đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.

H.Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm