Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 26/10/2013 - 09:23
(Thanh tra) - Vì “kẹt” hoàn thuế VAT mà nhiều doanh nghiệp (DN) thu mua chế biến hàng nông, lâm, thủy hải sản xuất khẩu (XK) thêm đói vốn, giảm khả năng duy trì XK để giữ thị phần mà khó khăn lắm mới xây dựng được…
Làm sao DN có thể kiểm soát được sau này đại lý trung gian có biến mất hay không.
Đói vốn vì… hoàn thuế
Công văn 7527/BTC-TCT ngày 12/6/2013, Bộ Tài chính quy định: DN XK nông, lâm, thủy, hải sản nếu mua trực tiếp của người sản xuất, hoặc chỉ qua một trung gian, thì được hoàn thuế VAT theo quy định, nếu mua hàng qua nhiều trung gian thì phải kiểm tra các khâu trung gian trước. Nếu các DN thương mại trung gian đã kê khai nộp thuế VAT thì mới hoàn thuế cho DN XK...
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, tình trạng bị thiếu vốn mà DN thủy sản đang gặp phải thủ tục hoàn thuế VAT khi mua nguyên liệu sản xuất hàng XK. Bởi, hầu hết các DN XK tôm không có vùng nuôi mà phải mua qua từ 3 - 4 trung gian. Và DN mua hàng không thể biết được mình đang mua qua trung gian thứ mấy, cũng không có quyền cũng như khả năng xem xét các khâu trung gian trước đã kê khai và nộp thuế VAT hay chưa. Do không quy định rõ thời gian tối đa để cơ quan thuế thực hiện việc xác minh, nên DN phải “dài cổ” chờ đợi kết quả hoàn thuế...
Mặt khác, các lô hàng thủy sản XK bị trả về (do rào cản thương mại, lỗi kỹ thuật…), DN phải nộp thuế nhập khẩu và thuế VAT trước thông quan là không hợp lý. Theo ông Hòe, hàng trả về cũng giống như hàng tồn kho, không thể áp thuế VAT đối với hàng tồn kho, mặc dù thuế VAT của hàng trả về này sẽ được xem như thuế VAT đầu vào để DN làm thủ tục hoàn thuế. Như vậy, DN cũng phải chịu một khoản nợ đọng khoảng 2 tháng khó có đủ tiền để nộp ngay.
Với kinh doanh XK nông, lâm sản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) Đỗ Hà Nam nói, đặc thù DN XK mua nguyên liệu qua nhiều đại lý thu mua trung gian. DN XK đã nộp 5% thuế VAT cho đại lý thu hộ. Tuy nhiên, khi các đại lý mua bán xong, lại biến mất và không nộp khoản thuế thu hộ này cho Cơ quan Thuế, làm cho việc kiểm tra, rà soát chứng từ đi vào bế tắc, khiến nhiều DN không biết khi nào mới được hoàn thuế.
Chủ tịch HĐQT Công ty Packsimex, Nguyễn Thị Ngọc Mai bức xúc, khi phải mua hàng qua nhiều trung gian, làm sao có thể kiểm soát được sau này họ có biến mất hay không? Lỗi này không thuộc về DN, nhưng vì chưa được hoàn thuế, dẫn đến thiếu vốn kinh doanh, DN buộc phải ngừng xuất khẩu, công nhân sẽ thất nghiệp, là điều không ai muốn. Thiếu vốn để tiếp tục xuất khẩu, các DN Việt Nam đành đứng nhìn thị phần của mình bị thu hẹp.
Giám đốc Công ty TNHH CTA Việt Nam, Nguyễn Quang Bình cho biết, hiện sản lượng cà phê thế giới ngày càng tăng trong khi thị phần của Việt Nam ngày càng giảm. Trong 3 tháng vừa qua, XK cà phê của Việt Nam chỉ còn 80 nghìn tấn/ tháng (trước đó là hơn 120 nghìn tấn). Nguyên nhân chính là những rắc rối từ hoàn thuế. Điều này vô tình tạo điều kiện cho các nước khác như Brazil, Indonesia… cạnh tranh XK với cà phê Việt Nam. Theo tính toán, Brazil đã gia tăng XK 400.000 tấn cà phê Robusta và Indonesia là 100.000 tấn. Như vậy, thị phần của Việt Nam trước mắt sẽ mất 500.000 tấn cùng thời gian này.
Năng lực XK của các DN cà phê Việt Nam không thua kém các nước. Nhưng vì thủ tục thuế khiến XK cà phê của chúng ta thua thiệt so với các nước. Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 - 9 (Simexco), Lê Tiến Hùng đề nghị, đã đến lúc VICOFA cần kiến nghị Bộ Tài chính xem xét để hỗ trợ DN đẩy mạnh XK.
Tình trạng này dẫn đến thực trạng là DN đang thiếu vốn, nay lại bị cơ quan Thuế “găm” thêm một khoản tiền hoàn thuế, càng tạo thêm khó khăn cho nguồn vốn kinh doanh. Xét cho cùng, trách nhiệm không thuộc các DN XK, mà là trách nhiệm quản lý thuế của chính Cơ quan Thuế với các đại lý trung gian. Thế nhưng, một khi Cơ quan Thuế chưa kiểm tra xong các chứng từ “đầu vào” thì tiền thuế VAT của các DN XK chưa được hoàn.
Giải pháp và trách nhiệm
Có thể nói, hiện tượng trốn thuế VAT hiện nay đã trở nên phổ biến. Các đại lý trung gian sau khi kết thúc mua bán đã biến mất mà không nộp thuế và phần thiệt thòi nhất chính là các DN XK chân chính.
Nên chăng, các ngành Thuế cần phải quản lý tận gốc việc nộp thuế từ nông dân đến những đại lý trung gian, để giải tỏa chuyện vướng mắc hoàn thuế của các DN XK, giúp DN tiếp tục giữ thị phần trên thị trường quốc tế mà khó khăn lắm mới xây dựng được.
Trước thực trang này, ngành Thuế nói gì? Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, theo tổng hợp từ các địa phương, hiện một số doanh nghiệp đang lợi dụng chính sách khấu trừ, hoàn thuế VAT để chiếm đoạt tiền thuế bằng cách thực hiện mua bán hàng hóa qua nhiều khâu trung gian và nhiều địa phương. Tổng hợp báo cáo kết quả và tình hình hoàn thuế 6 tháng đầu năm 2013 tại các Cục thuế cho thấy, số DN có tiền thuế VAT đã hoàn tăng cao và có dấu hiệu bất thường. Nhiều DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm kê khai khấu trừ, hoàn thuế VAT để chiếm đoạt tiền thuế.
Thế nhưng, Bộ Tài chính sau khi nhận được văn bản của VICOFA, VASEP phản ánh các vướng mắc khi triển khai Công văn 7527/BTC-TC, ngày 15/10/2013, Bộ Tài chính có Văn bản 13706/BTC-TCT gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn một số nội dung về hoàn thuế VAT, trách nhiệm của Cơ quan Thuế trong công tác quản lý thuế đối với các DN kinh doanh, tổ chức mua nông, lâm, thủy, hải sản để bán cho DN sản xuất, chế biến, kinh doanh XK...
Đối với trường hợp được hoàn thuế trước, kiểm tra sau, ngoài các DN XK uy tín trong danh sách công bố của Bộ Công thương, các DN XK mặt hàng khác cũng được thực hiện bình thường; DN đã hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 24 tháng tính đến ngày phát sinh hồ sơ hoàn thuế không bị xử phạt về gian lận thuế, trốn thuế gồm tất cả các sắc thuế theo quy định của pháp luật. Về thời gian giải quyết, DN được hoàn trước, kiểm tra sau thời gian tối đa không quá 6 ngày. Trường hợp kiểm tra trước hoàn sau theo quy định là trong phạm vi 40 ngày.
Đối với các hồ sơ đang tồn đọng, thuộc diện kiểm tra trước hoàn sau, các Cục thuế phải tổ chức kiểm tra trong phạm vi không quá 40 ngày. Sau 40 ngày phải thực hiện hoàn thuế cho DN. Trường hợp phát hiện những dấu hiệu vi phạm, phát hiện những chứng từ, hóa đơn không đủ điều kiện hoàn thuế của DN trực tiếp bán hàng cho DN có hồ sơ đề nghị hoàn thì chỉ thực hiện chưa hoàn đối với số tiền hoàn liên quan đến những chứng từ, hóa đơn này và thông báo cho DN biết.
Từ Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế đã có những tháo gỡ. Chủ trương này cũng hiệu lực ngay từ ngày ban hành Văn bản 13706/BTC-TCT là 15/10/2013. Hy vọng chủ trương sẽ được thực hiện xuyên suốt đến các Cơ quan thuế địa phương mà không vướng một trở ngại nào từ thủ tục, đến cách hành xử của cán bộ thuế thừa hành…
Thủy Thụy
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sáng ngày 14/13.
Lê Phương
16:31 14/12/2024(Thanh tra) - Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán Công ty cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 242,5 triệu đồng.
Trần Quý
20:27 13/12/2024Đông Hà
09:13 13/12/2024Theo VietinBank
21:28 11/12/2024Trần Quý
19:12 11/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà