(Thanh tra) - Trên bảng xếp hạng PCI 2013, Hà Nội tuy có tăng nhưng phần lớn các doanh nghiệp được hỏi vẫn ca thán rằng, các khoản “chi phí không chính thức”, rủi ro khi thu hồi đất, “chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước” vẫn còn lớn.
Hội nghị môi trường đầu tư TP Hà Nội qua kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và điều tra doanh nghiệp FDI năm 2013, đã diễn ra ngày 21/3.
Nhũng nhiễu… phổ biến
Theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), PCI năm 2013 Hà Nội đạt 57,67% điểm, tăng 4,27% điểm, xếp ở vị trí thứ 33/63 tỉnh, thành phố (tăng 18 bậc xếp hạng so với năm 2012), nằm ở nhóm có chất lượng điều hành khá.
Trong đó, các chỉ số thành phần “đào tạo lao động”, “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”, Hà Nội vẫn duy trì có truyền thống xếp hạng tốt. Các chỉ số “tính minh bạch và tiếp cận thông tin”; “chi phí gia nhập thị trường” có sự cải thiện mạnh mẽ, tương đối tốt.
Tuy nhiên, các chỉ số “tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định trong sử dụng đất”; “chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước”, “chi phí không chính thức”, “tính năng động và tiên phong của lãnh đạo”, “thiết chế pháp lý” dường như không có cải thiện, Hà Nội vẫn xếp loại thấp, đứng gần cuối bảng xếp hạng.
Thậm chí, chỉ số “chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước” đo lường thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính (kể cả thời gian tiếp thanh tra) giảm 8 bậc, xếp thứ 62/63.
“Chi phí không chính thức” đo lường các khoản phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả để thực hiện các thủ tục hành chính hoặc có được hợp đồng kinh doanh, Hà Nội giảm 5 bậc, xếp thứ 61/63.
Kết quả điều tra cho thấy, 66,39% doanh nghiệp cho rằng “nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”; 8,99% doanh nghiệp cho rằng họ phải chi hơn 10% doanh thu cho các chi phí không chính thức; 66,91% các doanh nghiệp cùng ngành phải trả chi phí không chính thức.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, rủi ro khi thu hồi đất vẫn là những vấn đề nan giải của Hà Nội và chưa có sự cải thiện.
GS.TS Edmund Maiesky, chuyên gia tham gia điều tra PCI 2013 cho biết, các doanh nghiệp vẫn cho rằng “sân chơi” chưa thực sự bình đẳng đối với khối tư nhân trong nước và đặc biệt quan ngại rằng các doanh nghiệp có mối thân quen với lãnh đạo tỉnh thường được ưu ái hơn trong tiếp cận đất, vốn và các hợp đồng đầu tư.
“Hà Nội đã có những cải thiện về tính minh bạch nhưng chưa đáng kể, cần phải mạnh mẽ và kịp thời hơn nữa”, ông Edmund Maiesky khuyến nghị.
Doanh nghiệp và công quyền - đôi bên thiếu tin cậy
Ngạc nhiên với chỉ số “tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định trong sử dụng đất” thấp, ông Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trong năm 2013, sở tổ chức gặp doanh nghiệp nhưng không thấy các doanh nghiệp phàn nàn về việc khó khăn trong tiếp cần đất đai, hay cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Năm 2014, sẽ không còn chuyện cấp “sổ đỏ” cho doanh nghiệp rồi thu hồi lại vì các quy hoạch đã rõ ràng, tính rủi ro sẽ không còn”, ông Khánh nhấn mạnh.
Lý giải về thái độ ứng xử của cán bộ, cá nhân ông Bách, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho rằng, bên cạnh công tác giáo dục, đào tạo có hạn chế thì một phần cũng do điều kiện môi trường làm việc của cán bộ như cơ quan thuế rất chật hẹp, bức bối, nhiều cơ quan vẫn phải đi thuê trụ sở. Hơn nữa, bản thân doanh nghiệp cũng không có kiến thức về tài chính, đa phần đều “khoán trắng” cho kế toán, trong khi kế toán nhiều doanh nghiệp thiếu tính chuyên nghiệp, thay đổi liên tục.
Lấy ví dụ, có trường hợp kế toán báo cáo giám đốc doanh nghiệp làm việc với cơ quan thuế 14 lần vẫn chưa được giải quyết. Cho kiểm tra thì hóa ra kế toán đó làm việc cho nhiều doanh nghiệp. “Lần này lên làm việc cho doanh nghiệp này thì "đá" qua hỏi về doanh nghiệp khác”, theo ông Bách, nhiều thông tin của doanh nghiệp rất méo mó, có khi thiếu trung thực. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp rất đông mà tâm lý thì cứ đến ngày cuối cùng mới đến quyết toán thuế, dẫn đến “ùn tắc” khi làm thủ tục.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu Hà Nội cho rằng, trong quá trình điều tra PCI cũng phải xem xét đến tính chuyên nghiệp, trung thực của doanh nghiệp.
Trao đổi lại, đại diện nhóm chuyên gia VCCI cho biết, trong hơn 8.000 doanh nghiệp tham gia điều tra, có rất nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội. Những mẫu điều tra này mang tính đại diện cao và vẫn phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh kết quả PCI 2013 của Hà Nội.
Thẳng thắn chia sẻ, ông Edmund Maiesky cho biết, chúng tôi chỉ điều tra doanh nghiệp. Có thể vì lý do nào đó, doanh nghiệp che dấu thông tin hoặc không hiểu hết các thủ tục hành chính, nhưng họ không phải luật sư để biết hết đầy đủ các quy định. “Tôi cảm nhận giữa công chức Hà Nội với các doanh nghiệp đều không tin cậy lẫn nhau” và nếu không cải thiện được tình hình thì rất khó cải thiện chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh của Hà Nội.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, tăng cường đối thoại giữa chính quyền và các doanh nghiệp là đòi hỏi cần thiết trong quá trình đổi mới kinh tế hiện nay. Từ kết quả điều tra PCI, giúp cho Hà Nội hiểu được tiếng nói của các doanh nghiệp để đưa ra những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nhất là trong bối cảnh, Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các địa phương có những biện pháp cụ thể để nâng cao chỉ số PCI.
Đánh giá đây là hội nghị rất quan trọng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, bên cạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, năm 2014, Hà Nội sẽ có những kế hoạch cụ thể để nâng cao vị trí xếp hạng PCI, cải thiện môi trường kinh doanh. “Thái độ ứng xử của mọi cán bộ, công chức sẽ có bước tiến mới. Thân thiện, cởi mở hơn với người dân và doanh nghiệp, thể hiện văn minh giao tiếp của người Hà Nội”, ông Sửu khẳng định.
Thảo Nguyên