Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đảm bảo nguồn vốn, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu vay vốn của người nghèo

Phúc Anh

Thứ tư, 16/08/2023 - 15:52

(Thanh tra) - Đó là nhấn mạnh của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội” diễn ra vào ngày 16/8.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: NĐ

Thiết lập được kênh tín dụng riêng, bám sát cơ sở, giúp thoát nghèo

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội. Đây là quyết sách phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại, bảo đảm sinh kế và sự phát triển của người dân.

Trong nhiều năm qua, nguồn vốn vay TDCSXH đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Các chương trình TDCSXH đã cung cấp nguồn lực thực hiện quan trọng và thật sự trở thành cấu phần bổ trợ tất yếu của các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: NĐ

Đặc biệt, bằng những quyết sách sáng tạo từng bước kiện toàn thể chế và hệ thống tổ chức, từ việc thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo (năm 1995) đến việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH - năm 2002) đã cho thấy sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và sự thống nhất định hướng lãnh đạo của Đảng về thúc đẩy TDCSXH phát triển phù hợp với thực tiễn thay đổi trong từng giai đoạn của tiến trình đổi mới.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng của NHCSXH có tính đặc thù, gần dân, phù hợp với nhu cầu của nhân dân, đồng thời huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để triển khai nhanh chóng, hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Với phương châm “Trung ương và địa phương đồng hành”, “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, hàng năm, NHCSXH đã chủ động, linh hoạt huy động có hiệu quả hàng chục ngàn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và huy động của các tổ chức, cá nhân trên thị trường… bảo đảm nguồn vốn cơ bản ổn định để cung cấp tín dụng ưu đãi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Với hệ thống chi nhánh được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, thông qua hàng chục chương trình tín dụng khác nhau, nêu cao khẩu hiệu hành động “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, NHCSXH đã thiết lập được kênh tín dụng riêng, bám sát cơ sở, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất, kinh doanh; giúp học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn đi học, có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm; hỗ trợ người dân nông thôn, miền núi xây dựng các công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống… góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững.

Thông qua các hình thức vận động, tuyên truyền, nhiều hội viên của các hội trên đã thay đổi nhận thức rõ rệt: Từ tâm lý mặc cảm, tự ti, e ngại tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đến nay nhiều người đã mạnh dạn hơn trong vay vốn sản xuất, kinh doanh; từ quan niệm về việc nhận được nguồn vốn “cho không”, các đối tượng chính sách đã ý thức rõ hơn về nguyên tắc “có vay, có trả”, có trách nhiệm hơn với đồng vốn vay của mình. Bởi vậy các rủi ro trong NHCSXH luôn được kiểm soát.

“Tôi đặc biệt đánh giá cao việc NHCSXH là một trong những ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất, tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong toàn hệ thống ngân hàng” - ông Thắng đánh giá.

Tín dụng chính sách xã hội bảo đảm sinh kế và sự phát triển của người dân

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại hội thảo. Ảnh NĐ

Tại hội thảo, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng khẳng định: Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, NHCSXH được giao nhiệm vụ thực thi TDCSXH, đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng; đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Với phương châm "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ", NHCSXH đã xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc, triển khai kịp thời, trên diện rộng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ "nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có NHCSXH".

Năm điểm nổi bật được ông Dương Quyết Thắng nêu lên là TDCSXH đã góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; góp phần ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước. Xây dựng thành công mô hình tổ chức đặc thù, hiệu quả, phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị, điều kiện thực tiễn đất nước, phát huy vai trò quản lý Nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, cách thức hoạt động nghiệp vụ sáng tạo, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, NHCSXH đã tập trung huy động nguồn vốn lớn, đa dạng và có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời, ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

"Kết quả đạt được sau hơn 20 thực hiện Nghị định 78/NĐ-CP, 9 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đã khẳng định các chủ trương của Đảng, giải pháp của Chính phủ là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp, thiết thực, có tính nhân văn sâu sắc, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện TDCSXH, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội", Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho hay.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm