Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cổ phiếu dầu khí “thăng hoa”, cơ hội nào cho tháng 3?

Thứ ba, 13/03/2018 - 09:54

(Thanh tra)- Ba cổ phiếu họ dầu khí BSR, OIL và POW đã không làm nhà đầu tư thất vọng khi đem về khoản lợi nhuận hấp dẫn hơn tình hình giao dịch chung của thị trường. Nếu chưa kịp “lên tàu”, cơ hội cho nhà đầu tư vẫn còn ở phía trước.

Cổ phiếu OIL cũng đã đem lại “trái ngọt” cho nhà đầu tư khi tăng 20% chỉ trong phiên chào sàn ngày đầu tiên. Ảnh: internet

Bộ ba cổ phiếu “vượt trội”

Những cái tên nóng nhất thị trường dịp đầu năm niêm yết trên UPCoM có thể kể đến là anh em họ nhà dầu khí trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gồm Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (OIL) và Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW). Tại phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tới sự xuất hiện của cả ba cổ phiếu này với lượng đặt mua lớn, mức giá đặt mua cao hơn nhiều so với giá khởi điểm. Sự kỳ vọng của cổ phiếu này khi lên sàn cũng không hề nhỏ.

Quả thực, cả ba cổ phiếu khi bước vào giao dịch đều đem lại niềm vui không thể lớn hơn cho những người sở hữu chúng. Giao dịch ngay ngày 1/3, cổ phiếu BSR đã có phiên tăng kịch trần, tức tăng 40% từ mức giá tham chiếu 22.400 đồng/cp lên 31.000 đồng/cp. Tính tại ngày 9/3, cổ phiếu này giữ ở mức giá 29.200 đồng/cp, tăng 30% chỉ sau 7 phiên giao dịch.

Còn nhớ trong phiên đấu giá ngày 17/1, gần 242 triệu cổ phiếu BSR đã được mua hết với giá thấp nhất 20.800 đồng/cp, cao hơn giá khởi điểm đến 42%. Một trong những quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam là VinaCapital cũng mua được khoảng 10% lượng chào bán với tổng giá trị đầu tư 25 triệu USD. VinaCapital đánh giá đây là khoản đầu tư tiềm năng nhất của quỹ thời điểm này.

Cổ phiếu OIL cũng đã đem lại “trái ngọt” cho nhà đầu tư khi tăng 20% chỉ trong phiên chào sàn ngày đầu tiên, từ mức tham chiếu 20.200 đồng/cp lên 24.200 đồng/cp. Hiện cổ phiếu này đang ở vùng giá khoảng 23.800 đồng/cp nhưng so với giá đấu thành công thấp nhất 19.200 đồng/cp thì nhà đầu tư đang có mức sinh lời 24%. Đây là kết quả vô cùng ấn tượng khi thị trường chung có những rung lắc nhất định trong thời gian qua và Vn-Index chỉ tăng khoảng 12,8% kể từ đầu năm.

Tăng chậm hơn hai cổ phiếu trên, cổ phiếu POW ngày chào sàn 6/3 chỉ tăng 17%, từ giá 14.900 đồng/cp lên 17.500 đồng/cp. Sau 4 phiên, cổ phiếu chốt ngày 9/3 còn ở mức 17.300 đồng/cp.

Dù không có sự bứt phá về giá nhưng cổ phiếu POW thực sự không phải hạng vừa khi nhà đầu tư nước ngoài cũng mua vào 60% tổng lượng chào bán cổ phần trong đợt đấu giá vừa qua. Tỷ lệ chào mua này ngang với BSR và cao hơn cả OIL. Đặc biệt, VinaCapital, đơn vị chi 25 triệu USD mua BSR cũng chi 20 triệu USD mua POW. VinaCapital cho rằng POW là công ty điện lớn thứ hai Việt Nam và hấp dẫn nhà đầu tư trong một thị trường điện tiềm năng 1,5 tỷ USD.

Cơ hội cho tháng 3

Thị trường đầu tháng 3 là sự xuất hiện của các gương mặt họ nhà dầu khí lên sàn. Tiếp tục đón nhận các phiên IPO mới, tháng này còn có sự góp mặt của những cái tên “khủng” sở hữu lượng đất vàng lớn như Viện Dệt may, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Ngày 12/3, gần 2,3 triệu cổ phiếu của Viện Dệt may, tỷ lệ hơn 45% vốn sẽ được IPO với giá khởi điểm 12.583 đồng/CP. Còn tới ngày 30/3, gần 76 triệu cổ phần Hapro cũng được chào bán với giá khởi điểm 12.800 đồng/CP.

Viện Dệt may sở hữu hơn 10.000 m2 đất ở nhiều vị trí đắc địa, đáng mơ ước. Tại Hà Nội, Viện Dệt may có hai khu đất tại số 478 Minh Khai (2.851 m2) và ngõ 454/24 Minh Khai (5.311 m2). Tại TP HCM, Viện có khu đất tại 354/128A Trần Hưng Đạo, quận 1 với diện tích gần 2.220 m2. Cả ba khu này đều đang được sử dụng làm văn phòng, trung tâm thí nghiệm, nghiên cứu và xưởng thực nghiệm.

Về phần mình, Hapro sau cổ phần hóa sẽ quản lý sử dụng 114 cơ sở nhà, đất, trong đó tại Hà Nội là 96 địa điểm và các tỉnh thành khác là 18. Riêng tại thủ đô, Hapro có 32 địa điểm thuộc sở hữu Nhà nước ký hợp đồng thuê nhà đất, 64 địa điểm khác là tài sản của doanh nghiệp, đất thuê của Nhà nước, trả tiền thuê đất hàng năm.

Sau cổ phần hóa, Viện Dệt may đề nghị sử dụng nguyên trạng diện tích đất và tài sản trên đất như các ưu đãi trước đây thì Hapro lại chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển thành 24 siêu thị Hapromart, Haprofood và nhiều cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm, thời trang khác.

Mặc dù chưa tới phiên chào bán nhưng nhà đầu tư đã tỏ ra vô cùng hào hứng. Lượng đặt mua số cổ phần Viện Dệt may cao gấp 6 lần lượng chào bán, trong đó 4 tổ chức đăng ký mua 6,3 triệu cổ phần của Viện và 17 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 8 triệu cổ phần. Theo kế hoạch, giá khởi điểm chào bán là 12.583 đồng/cp Viện Dệt may.

Về phiên IPO Hapro, dù còn nửa tháng nữa mới tới ngày đấu giá nhưng đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh phiên chào bán công khai, Nhà nước còn chủ trương bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, trong đó có Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) thuộc Tập đoàn BRG của doanh nhân Nguyễn Thị Nga ngỏ ý mua. UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt cho Vinamco tham gia mua toàn bộ 65% cổ phần Hapro trở thành cổ đông chiến lược của Hapro. Theo quy định, mức giá bán cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn mức giá khởi điểm (12.800 đồng/cp), Tập đoàn BRG dự kiến sẽ phải chi ít nhất 1.830 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần Hapro.

Với tiềm năng mà hai doanh nghiệp này có được, phiên IPO sắp tới đây dự kiến sẽ khá sôi động và thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.

Trà My

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm