Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 30/01/2014 - 09:45
(Thanh tra)- Trò chuyện trong một buổi chiều cuối năm, lần đầu tiên trên cương vị Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, cựu Bộ trưởng Tài chính - GS.TS Vương Đình Huệ - đã có những phân tích sâu sắc về kết quả điều hành của Chính phủ năm 2013 cũng như nửa nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIII.
GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Đảng. Ảnh: Châu Liêm
Phải “kiểm soát” thay vì “kiềm chế” lạm phát
+ Năm 2013 được coi là thời điểm nhạy cảm vì chúng ta tiến hành đánh giá giữa nhiệm kỳ. Theo ông, GDP bình quân 3 năm qua quá thấp so với mục tiêu đề ra, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
- Đến giờ, đã trải qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Nhìn lại về thời điểm hơn 3 năm trước, khi chúng ta xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm để chuẩn bị cho Đại hội XI, lúc đó, đã xác định nhiều vấn đề, trong đó, có đặt ra nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Trên cơ sở đó đề ra mục tiêu phấn đấu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011 - 2015 là 7,0 - 7,5%, sau đó, chỉ tiêu này có được điều chỉnh xuống còn 6,5 - 7%.
Khi chúng ta xây dựng kế hoạch này thì khủng hoảng kinh tế thế giới đã xảy ra, chứ chúng ta không bị bất ngờ hay thiếu chủ động trong ứng phó với khủng hoảng. Nhưng, phải nói rằng, phạm vi, tác động của khủng hoảng tài chính, khởi đầu từ năm 2008 đã gây ra hậu quả nhiều hơn, khó khăn nhiều hơn mức mà chúng ta có thể dự báo. Và, không chỉ Việt Nam bị tình trạng dự báo chưa sát so với thực tế diễn ra như vậy.
+ Tức là, việc không đạt chỉ tiêu đề ra không hoàn toàn do điều hành của Chính phủ chưa đạt, mà do các nguyên nhân khác, trước hết là vì việc đề ra chỉ tiêu chưa sát thực tế?
- Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn điểm lại các diễn biến chủ yếu từ đó đến nay, từ việc xác định đường hướng đến việc thực thi chính sách. Ngay sau khi Đại hội XI bế mạc (19/1/2011), tình hình kinh tế cả trong nước cũng như thế giới xuất hiện nhiều diễn biến xấu khiến kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có điều chỉnh. Khởi đầu là Nghị quyết 11 của Chính phủ, ban hành ngày 24/2/2011, chuyển trọng tâm điều hành chính sách sang “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”. Sau đó, tại Kết luận số 02-KL/TW, ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị, cũng xác định quan điểm chỉ đạo là tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội; coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011, vừa là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo. Trong năm 2011 và vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, không quá câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP.
7 tháng sau đó, tại Hội nghị T.Ư 3, tháng 10/2011, Ban Chấp hành T.Ư khẳng định sự đúng đắn của Kết luận 02-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khoá XIII, tháng 11/2011, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, đặt ra mục tiêu: “Trong 2 - 3 năm đầu Kế hoạch tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành khởi động mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…”.
Như vậy, đến nay, có thể thấy rằng, những điều chỉnh đó đều là rất cần thiết, rất đúng hướng, mở đường cho chúng ta từng bước vượt qua khó khăn, thử thách của thời kỳ khủng hoảng và đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 3 năm vừa qua, cả hệ thống chính trị đã hết sức nỗ lực. Tất nhiên, so với chỉ tiêu của Đại hội Đảng XI thì có một số chỉ tiêu không đạt và đạt thấp, nhưng so với những gì mà chúng ta điều chỉnh, thì đã đạt được những thành tích rất căn bản, tích cực và đúng hướng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng vẫn giữ được ở mức hợp lý, an sinh và phúc lợi xã hội được chú trọng và tăng cường; quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường.
+ Nhưng, có ý kiến cho rằng, với lạm phát, không cần làm gì, cứ “trùm chăn đi ngủ” thì nó cũng tự xuống vì trong bối cảnh “mùa Đông” của nền kinh tế mấy năm qua, lấy gì cho nó tăng?
- Tôi không cho là như vậy. Năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng cao hơn 18%, nhưng từ đó đến nay, chúng ta luôn bảo đảm được mức năm sau thấp hơn năm trước; năm 2012, xuống còn 6,81% và dự kiến năm 2013 chỉ ở mức tăng khoảng hơn 6%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tất nhiên, có ý kiến nói do tổng cầu yếu, nên lạm phát không tăng được. Điều đó cũng đúng, nhưng xin lưu ý rằng, nếu không có một chính sách tốt trong điều hành nền kinh tế vĩ mô và không có các chính sách tài khóa, tiền tệ đúng hướng thì làm sao đạt được kết quả như vậy. Nhất là trong điều kiện Việt Nam phải chịu rất nhiều tác động về vấn đề lạm phát, ở nhiều hướng, cả chi phí đẩy, cả cầu kéo và đặc biệt là lạm phát kỳ vọng, thường khiến CPI tăng rất mạnh…
Chúng ta cũng biết tại một số thời điểm của năm 2012, 2013, do phải điều chỉnh một số dịch vụ công đang bị neo ở mức thấp nên đã tạo ra chi phí đẩy,… khiến lạm phát tăng cao nhưng Chính phủ đã điều phối rất nhanh và kịp thời nên chúng ta có được kết quả kiềm chế lạm phát tốt hơn.
Cũng đừng bao giờ nghĩ lạm phát “trùm chăn ngủ”. Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng nguy cơ tăng trở lại vẫn còn, do cải cách tiền lương chưa thực hiện được nhiều, chúng ta cũng đang tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với giá điện, than, dịch vụ công về y tế, giáo dục… Giá cả thị trường, thế giới nhất là xăng dầu cũng có thể biến động mạnh do bất ổn ở một số khu vực trên thế giới. Nếu điều hành cung tiền và tín dụng không khoa học, sát thực, sử dụng đầu tư công kém hiệu quả cũng sẽ gia tăng áp lực lạm phát. Sức ép về lạm phát đối với chúng ta luôn là rất lớn. Vì thế, tôi mới thường dùng từ “kiềm chế” lạm phát, chứ lẽ ra, một cách tích cực hơn cả là chúng ta phải “kiểm soát” được lạm phát.
Thực hiện quyết liệt các đề án tái cơ cấu đã được duyệt
+ Năm 2013 cũng là năm xuất hiện không ít chỉ trích từ một số chuyên gia về tiến độ chậm trễ tái cơ cấu nền kinh tế. Còn theo đánh giá của ông?
- Tôi cho rằng, nhìn một cách thật công bằng thì Chính phủ đã triển khai khá toàn diện tái cơ cấu nền kinh tế và đã đạt được kết quả bước đầu, nhất là trong việc xây dựng khung khổ, thể chế cho quá trình tái cơ cấu. Theo đánh giá của tôi thì có thể coi đây là 1 trong 3 thành tích mà chúng ta đạt được trong năm 2013, bên cạnh thành tích về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và những thành tích về thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo.
Ngay sau khi Hội nghị T.Ư 3, tháng 10/2011, chúng ta đã xác định tái cấu trúc nền kinh tế trong 5 năm tới cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất, đó là: Tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước.
Chính phủ đã ban hành chương trình tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, phê duyệt các đề án liên quan đến tái cấu trúc. Đối với tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, đã thực hiện những giải pháp mang tính đột phá theo tinh thần Chỉ thị số 1792/CT-TTg. Đối với cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, đã ban hành các chính sách bảo đảm hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng từng bước ổn định, nguy cơ đổ vỡ cơ bản được đẩy lùi. Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách… Trong năm 2013, Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và đang triển khai đề án này một cách khẩn trương.
+ Tuy nhiên, bản thân Chính phủ cũng thừa nhận tiến trình này chưa được như mong muốn?
- Đúng là như vậy. Kết quả tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực trọng tâm, nhìn chung còn rất khiêm tốn. Bản thân việc tái cơ cấu nền kinh tế, đã được đề cập đến từ Nghị quyết Đại hội XI. Nhưng, suốt từ đó đến nay, nền kinh tế luôn gặp phải hoàn cảnh rất khó khăn, nên chúng ta phải tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn của nền kinh tế như nợ xấu tăng cao, tồn kho tăng cao, bất động sản đóng băng… nên nỗ lực tái cấu trúc chưa được như mong muốn.
Cùng với đó, nguồn lực để thực hiện tiến trình này cũng rất hạn chế. Như việc chúng ta thành lập Công ty Quản lý tài sản để giải quyết nợ xấu, là giải pháp đúng, cần thiết. Nhưng, phải nói rằng, các nước lớn, có nhiều nguồn lực thì cách làm của họ có thể khác. Cũng cần nhìn nhận cả trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, có lúc, có nơi cũng chưa quyết liệt, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa T.Ư và địa phương còn thiếu hiệu quả. Vì những lý do đó nên tái cơ cấu nền kinh tế tuy đạt được kết quả bước đầu nhưng kết quả chưa như mong muốn. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, phải đạt được chuyển biến thực sự và có kết quả cụ thể, rõ ràng hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế.
+ DNNN được coi là trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động chưa thực sự hiệu quả, còn không ít yếu kém. Theo ông, chúng ta cần có cách nào để xây dựng nguồn lực mạnh tăng cường cho khối DNNN những năm tới?
- Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ quản lý, lãnh đạo cho khối các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước là vấn đề căn cốt. Việc đầu tiên các tập đoàn cần làm là phải thực hiện quyết liệt cho đúng với các đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm triển khai của từng bộ và phối hợp giữa các bộ, ngành trong quá trình tái cơ cấu các DNNN như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Đổi mới DNNN…
Điều có thể làm ngay là phải thực thi hiệu quả hơn các quy định về quản trị công ty theo tiêu chuẩn tiên tiến, tự các doanh nghiệp phải làm. Cụ thể cần sắp xếp hợp lý tổ chức bộ máy và nhân sự, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết; sắp xếp, bố trí lại lao động, giải quyết lao động dôi dư. Tái cấu trúc phải thực hiện đồng bộ vừa trên phương diện vĩ mô và từng tập đoàn, tổng công ty cụ thể, có ưu tiên tập đoàn lớn hoặc một số đơn vị còn có yếu kém, có rủi ro. Với việc thực hiện nguyên tắc “thị trường, bảo đảm hiệu quả và minh bạch”, việc cổ phần hóa và thoái vốn ra khỏi những ngành không then chốt của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong thời gian tới sẽ khởi sắc hơn.
+ Đâu là chế tài thực hiện cách quản lý các tập đoàn, thưa ông?
- Mỗi tập đoàn lớn sẽ có nghị định riêng về tổ chức hoạt động, quy định rõ trách nhiệm lãnh đạo tập đoàn nếu 2 năm liên tiếp bị thua lỗ. Các quy chế giám sát tài chính, quy định diện kiểm soát đặc biệt là những chế tài cần thiết để ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu ở các DNNN.
Tình hình rõ ràng đang tốt lên
+ Nhìn về năm 2014, ông có dự cảm gì?
- Kinh tế thế giới năm 2014 được dự báo tăng trưởng cao hơn, ở mức 3,6% so với mức 2,9% của năm 2013. Tình hình trong nước tiếp tục những động thái tích cực, kinh tế trên đà phục hồi và ổn định hơn, niềm tin của doanh nghiệp và người dân sẽ được củng cố hơn. Những thành quả mà chúng ta đạt được trong 3 năm qua, cho phép trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ này tiếp tục củng cố tính vững chắc của kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa giữa tăng trưởng và lạm phát và cho phép chúng ta nghĩ đến phục hồi sản xuất kinh doanh và nhịp độ tăng trưởng theo mục tiêu hợp lý.
+ Đã có ai nhận xét ông là người lạc quan chưa?
- Có thể tôi là người thận trọng nhưng lạc quan? Nhưng, phải khẳng định rằng, chỉ bằng trực quan, chúng ta cũng thấy tình hình rõ ràng đang tốt lên. Như các công trình hạ tầng và giao thông, mấy năm gần đây tiến độ nhanh hơn nhiều. Ngay tại Hà Nội, bao nhiêu công trình cầu vượt đã được nhanh chóng hoàn thành. Rồi tiến độ đường vành đai 3 Cầu Giẽ - Ninh Bình, quốc lộ 1A, các tuyến đường cao tốc… trước đây không biết bao giờ xong và không biết bao nhiêu năm chứng kiến những sự trì trệ như vậy làm chúng ta không thể không nóng ruột.
Nhưng, giờ nhiều cái đã và đang đổi thay. Không chỉ nhanh hơn, các công trình giao thông, các cây cầu cũng đẹp hơn, ùn tắc giao thông được giải quyết hiệu quả hơn. Có người nói giải tỏa nút này thì lại ra tắc nút kia, nhưng tôi thì không thấy như vậy mà chỉ thấy đi lại ngày một “ngon lành” hơn…
+ Chắc chắn rằng, bài báo này đến tay người đọc, sẽ có nhiều ý kiến nhận xét ông lạc quan. Lạc quan đương nhiên là tính quý của người Việt. Chúng ta hẳn rằng sẽ khó chiến thắng trong các cuộc chiến trường chinh khốc liệt ở thế kỷ trước và nhiều nghìn năm trước nếu thiếu tinh thần lạc quan. Và, như lời bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, “dù đạn bom man rợ thét gào” thì vẫn “thấy trời xanh xao xuyến ở trên đầu, ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau”. Xin cảm ông và chúc ông một năm mới thêm nhiều thành công.
Vừa tái lập được 1 năm, Ban Kinh tế T.Ư theo phương châm “làm nhiều nhưng nói ít”. Trong 1 năm qua, Ban Kinh tế T.Ư đã và đang hình thành tổ chức, bộ máy, tuyển dụng nhân sự, đồng thời thực hiện công tác nghiên cứu, đề xuất, thẩm định, kiểm tra, giám sát theo nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành T.Ư giao. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng có thể nói, hiện Ban Kinh tế T.Ư đã bắt nhịp được với nhiệm vụ được giao, năm tới đây sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao phó - GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Đảng.
Nguyễn Thanh Liêm - Lê Châu (Thực hiện)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sáng ngày 14/13.
Lê Phương
16:31 14/12/2024(Thanh tra) - Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán Công ty cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 242,5 triệu đồng.
Trần Quý
20:27 13/12/2024Đông Hà
09:13 13/12/2024Theo VietinBank
21:28 11/12/2024Trần Quý
19:12 11/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền