Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bức tranh người giàu Việt thay đổi thế nào trong một thập kỷ qua

Thứ tư, 04/04/2018 - 20:28

Trong một thập kỷ qua, bức tranh người giàu Việt đã có nhiều thay đổi cả về tên tuổi lẫn tài sản sở hữu. Thị trường cũng đã quen với việc gọi tên các tỷ phú USD giàu có.

Cái tên Đoàn Nguyên Đức trở lên nổi tiếng hơn bao giờ hết vào năm 2008, khi ông niêm yết cổ phiếu HAG của Tập đoàn HAGL lên sàn chứng khoán. Sở hữu hơn 55% cổ phần tại HAGL khi đó, bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, với tổng tài sản đến cuối năm 2008 đạt 6.160 tỷ đồng.

Thời điểm đó, TTCK Việt cũng chỉ có khoảng trên 200 mã cổ phiếu doanh nghiệp được niêm yết, và hiếm xuất hiện những doanh nghiệp có vốn hóa lớn như hiện nay.

Đại gia Đoàn Nguyên Đức là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt vào năm 2008 hiện đã không còn nằm trong Top đầu của bảng xếp hạng người giàu. Ảnh:

Khi mà Vincom và Vinpearl của ông Phạm Nhật Vượng còn chưa sáp nhập để trở thành Vingroup, ông Vượng là người giàu thứ 2 sàn chứng khoán, với khối tài sản 5.225 tỷ đồng, đến từ lượng cổ phiếu VIC và VPL nắm giữ.

Xếp sau là các đại gia quen thuộc như ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), với 3.280 tỷ đồng; “vua thép” Trần Đình Long với 1.578 tỷ đồng; nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến - em gái ông Tâm với 1.345 tỷ đồng...

Tổng cộng, khối tài sản của 10 người giàu nhất sàn chứng khoán khi đó đạt 21.422 tỷ đồng, tương đương trên 1 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá thời điểm đó.

Trong các lĩnh vực mà 10 đại gia giàu nhất sàn chứng khoán tham gia, 6 trên 10 người xuất thân từ bất động sản, với những doanh nghiệp đầu ngành khi đó, là HAGL, Vincom, Kinh Bắc hay Tân Tạo… Chỉ có duy nhất ông Trần Đình Long là đại gia trong lĩnh vực sản xuất cùng 2 đại gia Nguyễn Duy Hưng và Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) trong lĩnh vực tài chính.

Thời điểm đó, những cái tên tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Bùi Thành Nhơn, Trịnh Văn Quyết… hoàn toàn xa lạ trên thị trường, khi không có bất kỳ thông tin nào về khối tài sản mà các vị doanh nhân này sở hữu. Thị trường càng xa lạ hơn với danh xưng tỷ phú USD. Người giàu nhất là bầu Đức cũng chỉ sở hữu 6.160 tỷ đồng.

Sau 10 năm phát triển của thị trường, 6 trên 10 đại gia ngày đó đã không còn giữ được vị trí của mình trong bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán Việt. Thế chỗ là những đại gia mới nổi, với khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nếu như 10 năm trước, để lọt vào top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt chỉ cần sở hữu 583 tỷ đồng, thì nay số tiền nắm giữ để được nằm trong danh sách này phải lên tới 4.959 tỷ đồng. Người sở hữu con số 583 tỷ đồng hiện nay thậm chí không lọt vào top 100 người giàu nhất.

Đặc biệt nhất là vị trí giàu số 1 thị trường chứng khoán Việt. Sau một thập kỷ, khối tài sản của người giữ vị trí này đã tăng gấp 15 lần, từ mức 6.160 tỷ đồng của bầu Đức vào năm 2008 lên gần 92.000 tỷ đồng hiện nay của ông Phạm Nhật Vượng.

Danh sách 10 người giàu nhất TTCK vào năm 2008, đến nay chỉ còn lại 4 đại gia trụ lại, là ông Phạm Nhật Vượng, hiện là người giàu nhất. Đại gia Trần Đình Long vẫn xếp thứ 4, nhưng tài sản đã tăng gấp 14 lần, đạt 22.474 tỷ đồng. Bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) hiện xếp thứ 5 với 15.967 tỷ đồng. Đại gia Đặng Thành Tâm hiện xếp thứ 10 với 4.959 tỷ đồng.

Sau những vụ niêm yết đình đám, đà tăng giá liên tục của cổ phiếu, hàng loạt đại gia mới xuất hiện với khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng như ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air; hay ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Novaland…

Cũng sau 10 năm, tổng tài sản của 10 đại gia giàu nhất sàn chứng khoán đã tăng gấp gần 12 lần, đạt 254.000 tỷ đồng, tương đương 12 tỷ USD.

Thị trường cũng không còn xa lạ với danh xưng tỷ phú USD khi liên tiếp những cái tên lần lượt lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới do Forbes thống kê.

Tài sản ròng 4 tỷ phú USD Việt Nam hiện nay. Nguồn:

Từ quốc gia không có tỷ phú nào trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới, hiện Việt Nam đã ghi tên 4 đại diện với tổng tài sản ròng trên 13,7 tỷ USD, gồm ông Phạm Nhật Vượng (6,8 tỷ USD); bà Nguyễn Thị Phương Thảo (3,8 tỷ USD); ông Trần Bá Dương (1,8 tỷ USD) và ông Trần Đình Long (1,3 tỷ USD). Trong đó, với khối tài sản ròng hiện lên tới 6,8 tỷ USD, ông Phạm Nhật Vượng đang xếp thứ 255 trong số những người giàu nhất thế giới.

Trong một thập kỷ đã xuất hiện nhiều đại gia mới, hé lộ khối tài sản hàng chục nghìn tỷ của mình, nhưng thị trường Việt vẫn còn hàng loạt người giàu “ẩn mình” chưa công bố khối tài sản chính thức.

Những chủ doanh nghiệp được đánh giá có khối tài sản lên tới hàng tỷ USD, và chắc chắn thuộc nhóm giàu nhất tại Việt Nam, phải kể tới đại gia Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, và "chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển, hay nữ đại gia quyền lực tại Tập đoàn BRG, bà Nguyễn Thị Nga... Tuy nhiên, cho tới nay, các đại gia này vẫn kín tiếng.

Ông Vũ Văn Tiền vẫn âm thầm cùng Geleximco phát triển hàng loạt dự án bất động sản, giao thông, công nghiệp, tài chính... với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD, đặc biệt là đề xuất tham gia xây dựng 4 dự án hạ tầng giao thông với tổng giá trị lên tới 50 tỷ USD. Còn “chúa đảo” Tuần Châu đang nuôi tham vọng xây dựng các siêu dự án nghìn tỷ tại TP.HCM, Vũng Tàu.

Trong khi đó, nữ đại gia Nguyễn Thị Nga với hệ sinh thái doanh nghiệp xoay quanh Tập đoàn BRG, SEAbank, cũng sở hữu hàng loạt dự án bất động sản, khách sạn lớn như Hilton Hanoi Opera; Hilton Garden Inn, Thắng Lợi, Sheraton… cùng các sân golf cỡ lớn như Ruby Tree Golf Resort; King’s Island Golf Course hay Legend Hill Golf Resort…

Đó là còn chưa kể tới lượng dự án bất động sản và đất vàng khổng lồ bà có liên quan, thông qua các doanh nghiệp bà nắm giữ vốn.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG được xem là một trong những nữ doanh nhân giàu có nhất tại Việt Nam. Ảnh:

Ngoài ra, hàng loạt đại gia, doanh nhân gắn liền với các công ty gia đình trị nhưng kín tiếng, không đưa cổ phiếu như Tập đoàn Hoàn Cầu, dòng họ Lý Quý, Trương gia, Nguyễn Thị Điền (An Phước), Trần Quý Thanh (Tân Hiệp Phát), Đỗ Quang Hiển (T&T Group); Đỗ Minh Phú (Doji), Vũ Quang Hội (Bitexco) hay Đoàn Quốc Việt (BIMGroup)...

Đây cũng là những đại gia thực sự giàu có của Việt Nam nhưng vẫn chưa muốn công khai khối tài sản khổng lồ của mình.

Theo Hoàng Thanh/Zing.vn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm