Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu sít sao bác đề nghị bắt giữ Chủ tịch Đảng Dân chủ

Hoài Phương

Thứ ba, 28/02/2023 - 17:17

(Thanh tra) - Quốc hội Hàn Quốc ngày 27/2 đã bỏ phiếu về đề nghị của Chính phủ trong việc bắt giữ Chủ tịch Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính Lee Jae-myung liên quan đến các cáo buộc tham nhũng.

Chủ tịch Đảng Dân chủ Lee Jae-myung trả lời các phóng viên khi ông tiến vào sảnh chính của Tòa nhà Quốc hội ở Seoul, ngày 27/2/2023, trước một cuộc bỏ phiếu của Quốc hội về đề nghị bắt giữ ông vì tội tham nhũng. Ảnh: Yonhap

Kết quả, đề nghị đã bị bác bỏ, chỉ với chênh lệch 1 phiếu.

Theo Hãng tin Yonhap, đây là một kết quả sít sao đáng ngạc nhiên, cho thấy nhiều người ủng hộ việc bắt giữ ông Lee Jae-myung, trong khi Đảng DP hiện nắm giữ tới 169 ghế trong Quốc hội gồm 299 thành viên.

Đề nghị của Chính phủ đã được đưa ra để bỏ phiếu với tỷ lệ 139-138 với 9 phiếu trắng và 11 phiếu được coi là không hợp lệ.

Kết quả, mặc dù phù hợp với quan điểm rộng rãi rằng, Đảng DP đối lập chính của ông Lee sẽ sử dụng quyền lực đa số của mình để bác bỏ yêu cầu, nhưng lại gây bất ngờ vì điều đó có thể có nghĩa là, có tới 30 nghị sĩ DP có thể đã bỏ phiếu ủng hộ việc bắt giữ lãnh đạo của mình.

Trước đó, Đảng DP đã phản đối việc bắt giữ Chủ tịch Đảng Lee Jae-myung, đồng thời kêu gọi các nghị sĩ của Đảng tham gia phiên họp toàn thể ngày 27/2, bác bỏ đề nghị bắt giữ.

Theo Yonhap, Đảng DP cũng tố cáo nỗ lực bắt giữ ông Lee của công tố là hành vi trả thù chính trị của Tổng thống Yoon Suk Yeol đối với đối thủ tranh cử tổng thống của ông.

Và, tất cả các nghị sĩ của Đảng DP đã tham gia bỏ phiếu.

Trước khi kết quả được công bố, lãnh đạo DP cho biết, Đảng này tự tin vào quyết định của các nghị sĩ thành viên DP và số phiếu áp đảo trong cuộc bỏ phiếu kín.

Để đề nghị bắt giữ được thông qua, cần phải có đa số thành viên Quốc hội bỏ phiếu và đa số những người bỏ phiếu ủng hộ. Trong trường hợp hôm 27/2, có 297 trong số 299 thành viên Quốc hội đã tham gia bỏ phiếu. Như vậy, cần ít nhất 149 phiếu ủng hộ việc bắt giữ ông Lee thì đề nghị mới được thông qua.

Đây là lần đầu tiên đề nghị bắt giữ được đưa ra xem xét với người đứng đầu đảng đối lập lớn nhất của Hàn Quốc.

Đề nghị đã được trình lên Quốc hội ngày 21/2 sau khi được Tổng thống Hàn Quốc ký phê duyệt.

Theo quy định hiện hành, cần có sự đồng ý của Quốc hội khi muốn bắt giữ một nghị sỹ đương nhiệm.

Viện Kiểm sát đề nghị Tòa án bắt giam ông Lee cuối tuần trước liên quan tới cáo buộc lạm quyền trong 2 dự án phát triển bất động sản và khoản tiền tài trợ cho Câu lạc bộ Bóng đá Seongnam (tỉnh Gyeonggi).

Ông Lee Jae-myung (dưới), người đứng đầu Đảng Dân chủ đối lập chính, khẳng định sự bất công trong đề nghị của cơ quan công tố xin ý kiến Quốc hội về việc bắt giữ ông vì một loạt cáo buộc tham nhũng, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội ở Seoul, ngày 27/2/2023, trước khi Quốc hội tiến hành bỏ phiếu liên quan đến vấn đề này. Ảnh: Yonhap

Các công tố viên trước đó đã yêu cầu lệnh bắt giữ ông Lee về các cáo buộc tham nhũng và hối lộ xảy ra từ thời ông còn làm Thị trưởng thành phố Seongnam từ năm 2010-2018.

Ông Lee khẳng định bản thân vô tội, cho rằng mọi cáo buộc chống lại ông là bịa đặt và đã công bố bản tự diễn giải dài 20 trang, giải thích về các nội dung bị cáo buộc.

Đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền đã kêu gọi ông Lee từ bỏ quyền miễn trừ và trình diện tại phiên tòa theo lệnh bắt giữ. PPP đã chỉ trích DP trong việc mở các phiên họp Quốc hội bất thường để bảo vệ nhà lãnh đạo của mình khỏi bị bắt giữ.

Nhiều ý kiến cho rằng, các công tố viên sẽ truy tố nhà lãnh đạo phe đối lập mà không giam giữ, vì việc Quốc hội bác bỏ đề nghị này sẽ dẫn đến việc cơ quan công tố tự động bác yêu cầu lệnh bắt giữ đối với ông Lee.

Sau cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo PPP Joo Ho-young kêu gọi ông Lee từ chức Chủ tịch DP để nhận "trách nhiệm chính trị". Ông Joo lưu ý rằng, kết quả bỏ phiếu nên được coi là sự đồng ý trên thực tế, do một số nhà lập pháp của DP đã bỏ phiếu ủng hộ đề nghị này.

Người phát ngôn của Đảng PPP Park Jeong-ha cho biết: "Đảng DP, với đa số ghế trong Quốc hội, cuối cùng đã phủ nhận pháp quyền, nền tảng của nền dân chủ. Hôm nay sẽ đi vào lịch sử như một ngày hổ thẹn của Quốc hội".

Trong khi, đại diện Đảng DP Park Hong-keun cho biết, việc bác bỏ đề xuất bắt giữ là một "kết quả hợp lý", xét đến bản chất "không công bằng" của cuộc điều tra đối với ông Lee.

“Chúng tôi bảo vệ nền dân chủ khỏi sự đàn áp chính trị bất công của chính quyền ông Yoon Suk Yeol”, ông Park nói, đồng thời kêu gọi Chính phủ của Tổng thống Yoon tập trung vào việc giúp đỡ sinh kế của người dân hơn là cố gắng loại bỏ kẻ thù chính trị của mình, Yonhap đưa tin.

Tuy nhiên, ông Park cũng thừa nhận kết quả cho thấy có nhiều ý kiến khác nhau về Chủ tịch Lee trong Đảng DP, và nói thêm rằng, sẽ làm việc để lắng nghe họ.

Bộ trưởng Tư pháp Han Dong-hoon, người đã kêu gọi Quốc hội đồng ý với việc bắt giữ ông Lee, cho biết, ông tin rằng quyền miễn trừ bắt giữ của các nghị sĩ không dành cho những tình huống như thế này.

Văn phòng Tổng thống từ chối bình luận, với lý do đưa ra tuyên bố về vấn đề này là không phù hợp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Xử tử cựu quan chức tham nhũng lớn nhất Trung Quốc

Xử tử cựu quan chức tham nhũng lớn nhất Trung Quốc

(Thanh tra) - Lý Kiến Bình (Li Jianping), cựu quan chức tham nhũng bậc nhất Trung Quốc với số tiền biển thủ, nhận hối lộ lên tới hơn 3 tỷ nhân dân tệ (hơn 10.000 tỷ đồng) đã bị xử tử hôm 17/12.

Hoài Phương

22:17 17/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm