Tiết lộ về kế hoạch, ông Lee Do-woon, Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Yoon Suk Yeol, cho biết, việc sửa đổi đang được thảo luận để thúc đẩy nền kinh tế trong nước.

“Chúng tôi đang xem xét liệu các biện pháp kích thích kinh tế có thể được thảo luận tại cuộc họp khẩn cấp về ổn định sinh kế của người dân hay không”, ông Lee nói, đề cập đến cuộc họp do Tổng thống Yoon chủ trì.

Luật Kim Young-ran (được đặt tên theo người đề xuất luật này), có hiệu lực từ ngày 28/9/2016, được coi là một biện pháp mang tính bước ngoặt trong nỗ lực quét sạch nạn tham nhũng tại Hàn Quốc.

Luật xử phạt cả những người hối lộ tiền, đưa quà tặng hay đề xuất chiêu đãi, nên không chỉ cán bộ mà cả dân thường cũng chịu sự chế tài của luật này.

Luật Kim Young-ran được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi cơ bản trong văn hóa tiếp đãi của Hàn Quốc, vốn được cho là gốc rễ của nạn tham nhũng, hối lộ.

Đối tượng áp dụng của Luật Kim Young-ran là công chức, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, nghị sĩ Quốc hội, người làm trong ngành báo chí, giáo viên trường học. Nếu những người này nhận chiêu đãi bữa ăn hơn 30.000 won (khoảng 540.000 đồng), quà tặng có trị giá hơn 50.000 won (khoảng 900.000 đồng), tiền hiếu hỷ hơn 100.000 won (khoảng 1.800.000 đồng) thì sẽ bị xử phạt hành chính.

Một trong những đề xuất điều chỉnh luật là sẽ nâng giới hạn bữa ăn chiêu đãi từ 30.000 won hiện tại lên 50.000 won.

leftcenterrightdel
Một nhà hàng ở Seoul giới thiệu thực đơn giá rẻ “chống tham nhũng”. Ảnh: CNN 

Cũng theo quy định của Luật Kim Young-ran, người vi phạm có thể đối mặt với nguy cơ bị truy tố hình sự trong một số trường hợp nghiêm trọng như nhận quà trị giá hơn 1 triệu won (tương đương 18 triệu đồng), hoặc tổng trị giá quà cáp nhận trong một năm vượt quá 3 triệu won (khoảng 54 triệu đồng).

Đã có những lời kêu gọi sửa đổi các quy định của luật vì Hàn Quốc đã trải qua lạm phát cao trong những năm gần đây.

Thống kê của Hàn Quốc cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng đối với nhu yếu phẩm đã tăng 15% từ năm 2016 đến năm 2022.

Theo báo chí trong nước, kể từ khi Luật Kim Young-ran có hiệu lực, các lịch đặt trước tại sân golf chững lại, các đám cưới vắng khách hơn. Tại các bệnh viện, ban quản lý thậm chí còn dán thông báo yêu cầu không tặng quà cho bác sĩ. Các nhóm thực khách đề nghị tách hóa đơn, điều gần như chưa từng xảy ra ở Hàn Quốc.

Sau 1 năm Luật Kim Young-ran có hiệu lực (năm 2017), khoản tiền tiếp đãi của 500 doanh nghiệp lớn trong nước trong nửa đầu năm 2017, đã giảm mạnh. Cứ 4 doanh nghiệp lại có 3 doanh nghiệp trả lời rằng chi phí tiếp đãi đã giảm. Đặc biệt, các doanh nghiệp dược phẩm có mức giảm mạnh.

Theo các nhà phân tích, đây có thể được xem là dấu hiệu đáng khích lệ. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc cho rằng, luật này cũng còn nhiều bất cập khi làm giảm nhu cầu tiêu thụ trong nước, khiến các công ty giải trí và tiêu dùng có thể mất khoảng 11,6 nghìn tỷ won.

Trong khi đó, Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc cho rằng, luật nên nâng mức hạn chế về giá trị bữa ăn lên 70.000 won nhằm ngăn sự suy giảm của ngành công nghiệp thực phẩm.

Trước đó, vào tháng 1/2022, Nghị sĩ Kim Byung-wook của Đảng Dân chủ Hàn Quốc đã đệ trình bản sửa đổi để nới lỏng giới hạn của Luật Kim Young-ran.

Ngọc Anh