Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, OFAC, ngày 15/3 đã mở rộng danh sách các cá nhân từ Bosnia-Herzegovina bị trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt được áp đặt đối với cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Tình báo, Osman Mehmedagic, và 2 người khác.

OFAC cho biết, Mehmedagic đã lạm dụng vị trí, chức vụ của mình để chỉ đạo công ty viễn thông nhà nước, vì “lợi ích của Đảng Hành động Dân chủ, SDA” (Đảng Bosniak lớn nhất trong nước), thu thập, sử dụng dữ liệu di động nhằm theo dõi các phong trào của những chính trị gia không liên kết với SDA.

“Ngoài ra, Mehmedagic đã sử dụng vị trí, sự đe dọa và mối quan hệ của mình để gây ảnh hưởng đến các ứng cử viên từ “Osmorka” (“Eight”), một nhóm người Bosniak và các đảng dân sự từ Bosnia-Herzegovina [liên minh các đảng đã đánh bại đảng của ông trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 năm ngoái], để ủng hộ SDA”, OFAC cho biết.

“Cũng có thông tin đáng tin cậy rằng Mehmedagic đã hợp tác với các mạng lưới tội phạm để làm giàu cho bản thân và đảng chính trị của mình”, tuyên bố của OFAC nhấn mạnh.

Theo Hãng tin AP, sau thông báo về các biện pháp trừng phạt, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố rằng, hành vi vi phạm của Mehmedagic “phản ánh một kiểu hành vi lớn hơn” của các đảng chính trị ở Bosnia-Herzegovina, bao gồm cả SDA, “đã biến các tổ chức an ninh và tư pháp quan trọng thành vũ khí để lạm dụng các nguồn lực nhằm hỗ trợ các mục tiêu chính trị và bảo vệ các tổ chức tội phạm mà họ có liên quan”.

leftcenterrightdel
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã được áp đặt đối với cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Tình báo Bosnia-Herzegovina Osman Mehmedagic. Ảnh: klix 

Mehmedagic thôi giữ chức Giám đốc Cơ quan An ninh Tình báo Bosnia-Herzegovina vào ngày 23/2 vừa qua, sau hơn 7 năm tại vị.

Cũng trong ngày 15/3, Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Edin Gacanin, sinh ra ở Bosnia-Herzegovina nhưng lớn lên ở Hà Lan. Edin Gacanin “Tito” - thủ lĩnh của băng Tito, Dino khét tiếng và được biết đến là “một trong những kẻ buôn bán ma túy nhiều nhất thế giới”.

OFAC tuyên bố: “Ngoài các nỗ lực buôn bán ma túy trên nhiều quốc gia, băng đảng của Gacanin còn tham gia rửa tiền và có liên hệ chặt chẽ với Nhóm tội phạm có tổ chức Kinahan".

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định, gia tộc Kinahan cầm đầu một đường dây buôn ma túy và vũ khí xuyên lục địa trị giá hàng tỉ USD, với mạng lưới vô số công ty bình phong được sử dụng để vận chuyển hàng tấn cocaine, heroin và cần sa đi khắp thế giới và rửa tiền thu được.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, những hoạt động rửa tiền này đe dọa toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

OFAC nói thêm rằng, các biện pháp trừng phạt chống lại Gacanin đã được phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ (DEA), Cơ quan Hợp tác thực thi pháp luật của Liên minh châu Âu (Europol) và chính phủ các nước Hà Lan, Pháp, Bỉ.

Mỹ cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Dragan Stankovic, Giám đốc Cục Quản lý các vấn đề về trắc địa và đất đai của Cộng hòa Srpska (một thực thể có đa số người Serbia sinh sống thuộc Bosnia-Herzegovina).

Stankovic chịu trách nhiệm về một nỗ lực nhằm chiếm đoạt quyền lực của Nhà nước Bosnia-Herzegovina đối với tài sản nhà nước nằm ở Cộng hòa Srpska, trái với các quyết định của Tòa án Hiến pháp Bosnia-Herzegovina, Hiến pháp Bosnia-Herzegovina và lệnh cấm chuyển nhượng tài sản của nhà nước do Văn phòng Đại diện Cấp cao áp đặt.

Danh sách các cá nhân Bosnia-Herzegovina bị trừng phạt, ngoài ba thành viên mới nêu trên, còn bao gồm Thủ tướng Fadil Novalic, cựu công tố viên cấp nhà nước Dijana Kajmakovic, cựu Chủ tịch Liên bang Marinko Cavara, Chủ tịch Cộng hòa Srpska Milorad Dodik, và những người khác.

Bất kỳ tài sản hoặc lợi ích nào thuộc về các cá nhân bị trừng phạt ở Mỹ đều bị phong tỏa và phải được báo cáo.

Thông cáo báo chí của Bộ Tài chính Mỹ ngày 15/3 nhấn mạnh: “Với tư cách là người bảo đảm cho Thỏa thuận Hòa bình Dayton [đạt được hồi tháng 11/1995 tại Dayton, bang Ohio, Mỹ], Mỹ cam kết chống tham nhũng tràn lan, các mối đe dọa đối với chính quyền nhà nước của Bosnia-Herzegovina, cũng như sự gia tăng của các loại ma túy bất hợp pháp và tội phạm có tổ chức”.

Hoài Phương