Tại phiên họp toàn thể được tổ chức vào cuối tháng 10 tại Paris, Pháp, FATF đã xem xét rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố của Nigeria.
Mặc dù Đơn vị Tình báo Tài chính Nigeria cho biết đang nỗ lực đáp ứng các khuyến nghị của FATF, nhưng quốc gia này không đạt được tiến bộ như mong đợi, theo đánh giá tại phiên họp toàn thể.
Trước đó, trong cuộc họp của FATF vào tháng 6 khi xem xét tiến độ của các quốc gia, Nigeria cùng với Haiti, Syria, Tanzania và Yemen đã chọn hoãn báo cáo.
8 tháng sau khi bị đưa vào Danh sách Xám, Nigeria vẫn chưa đáp ứng được 15 khuyến nghị do FATF đưa ra.
Các khuyến nghị của FATF đặt ra một khuôn khổ các biện pháp toàn diện và nhất quán mà các quốc gia nên thực hiện nhằm chống rửa tiền, tham nhũng và chống tài trợ khủng bố, cũng như chống tài trợ cho việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
FATF hồi tháng 2 năm nay đã đưa Nigeria, Nam Phi và 20 quốc gia khác vào Danh sách Xám do những thiếu sót trong luật chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Danh sách Xám của FATF, được ban hành 3 lần mỗi năm.
Việc đưa tên vào danh sách đặt các quốc gia dưới sự giám sát tăng cường của FATF nhằm đảm bảo các quốc gia cải cách luật pháp và quy định trong khung thời gian đã thỏa thuận.
FATF đánh giá, kể từ tháng 2/2023, khi Nigeria đưa ra cam kết chính trị cấp cao để hợp tác với FATF và Nhóm hành động liên chính phủ chống rửa tiền nhằm tăng cường hiệu quả của cơ chế chống rửa tiền (AML), chống tài trợ khủng bố (CFT), quốc gia này đã thực hiện một số bước hướng tới cải thiện cơ chế AML/CFT của mình, bao gồm cả việc hoàn thành đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố còn sót lại.
Nhóm lưu ý rằng, mặc dù Nigeria đã đạt được một số tiến bộ kể từ khi thông qua báo cáo đánh giá chung vào tháng 8/2021, nhưng quốc gia này vẫn cần phải thực hiện các kế hoạch hành động của FATF.
|
|
Phiên họp toàn thể FATF được tổ chức từ ngày 25 - 27/10/2023 tại Paris, Pháp. Nguồn: FATF |
Trong một tuyên bố về kết quả của phiên họp toàn thể tháng 10 được công bố trên trang web của FATF, nhóm cho biết các khu vực pháp lý được tăng cường giám sát đang tích cực làm việc với FATF để giải quyết những thiếu sót chiến lược trong cơ chế của họ nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
FATF kêu gọi các khu vực pháp lý liên quan hoàn thành kế hoạch hành động của mình một cách nhanh chóng và trong khung thời gian đã thỏa thuận, giống như tổ chức hoan nghênh cam kết của họ, đồng thời nói thêm rằng sẽ giám sát chặt chẽ tiến trình.
Lực lượng đặc nhiệm tài chính khuyến khích các thành viên và tất cả các khu vực pháp lý xem xét thông tin được trình bày trong phân tích rủi ro của FATF.
Nhóm cho biết, “FATF liên tục xác định các khu vực pháp lý bổ sung có những thiếu sót chiến lược trong chế độ của họ để chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt".
Các quốc gia đã được FATF xem xét tiến độ kể từ tháng 10/2023 bao gồm: Albania, Barbados, Burkina Faso, Quần đảo Cayman, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gibraltar, Haiti, Jamaica, Jordan, Mali, Mozambique, Nigeria, Panama, Philippines, Senegal, Nam Phi, Nam Sudan, Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Uganda.
Nigeria được yêu cầu thực hiện kế hoạch hành động FATF bằng cách hoàn thành đánh giá rủi ro còn sót lại và cập nhật chiến lược AML/CFT quốc gia để đảm bảo sự phù hợp với các chiến lược quốc gia khác liên quan đến các tội phạm nguồn có nguy cơ cao.
Quốc gia này được kỳ vọng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế chính thức và không chính thức phù hợp với rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố; cải thiện việc giám sát dựa trên rủi ro AML/CFT đối với các tổ chức tài chính và những ngành nghề, hoạt động kinh doanh phi tài chính được chỉ định, đồng thời tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối với lĩnh vực có nguy cơ cao.
FATF khuyến nghị Nigeria đảm bảo các cơ quan có thẩm quyền có quyền truy cập kịp thời vào thông tin sở hữu lợi ích chính xác và cập nhật về pháp nhân cũng như áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ; chứng tỏ sự gia tăng trong việc phổ biến thông tin tình báo tài chính của Đơn vị Tình báo Tài chính và việc các cơ quan thực thi pháp luật sử dụng nó.
Nigeria cũng phải chứng minh sự gia tăng bền vững trong các cuộc điều tra và truy tố rửa tiền phù hợp với rủi ro rửa tiền; chủ động phát hiện các hành vi vi phạm nghĩa vụ kê khai tiền tệ, áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp và duy trì dữ liệu toàn diện về tài sản bị phong tỏa, tạm giữ, tịch thu, xử lý.
Thêm vào đó, Nigeria được yêu cầu phải chứng minh sự gia tăng bền vững các cuộc điều tra và truy tố các loại hoạt động tài trợ khủng bố khác nhau phù hợp với rủi ro và tăng cường hợp tác liên ngành trong các cuộc điều tra.
Người phát ngôn Đơn vị Tình báo Tài chính Nigeria, Sani Tukur, cho biết cơ quan này đang nỗ lực giải quyết các khuyến nghị của FATF liên quan đến những thiếu sót về rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Nigeria.
“Chúng tôi đang nỗ lực để đạt được các khuyến nghị của FATF và tin tưởng rằng chúng tôi sẽ được "thăng hạng" trước lần đánh giá tiếp theo”, ông nói.
Đơn vị Tình báo Tài chính Nigeria trước đó cho biết họ đã tăng tốc các nỗ lực để đảm bảo quốc gia thoát khỏi Danh sách Xám của FATF, tránh bị đưa vào Danh sách Đen.
Vào tháng 5, các cơ quan liên quan tham gia khuôn khổ AML/CFT của quốc gia cùng với đại diện của khu vực tư nhân đã gặp gỡ và thống nhất về lộ trình chiến lược sửa đổi để thoát khỏi Danh sách Xám.
Tại đó, Giám đốc Điều hành Đơn vị Tình báo Tài chính Nigeria, Modibbo Tukur, lưu ý rằng sau khi Nigeria cam kết với FATF vào tháng 2/2023 và FATF công nhận những tiến bộ đã đạt được của đất nước, danh sách 15 khuyến nghị đã được thống nhất chung để tạo thành một phần của Kế hoạch hành động quốc gia.
Đây là mức giảm đáng kể so với 84 khuyến nghị được xác định là thiếu sót trong báo cáo đánh giá của nước này được công bố vào tháng 8/2021.
Ông Modibbo Tukur nhận định, việc đạt được mục tiêu cuối cùng đòi hỏi sự nhất quán, cam kết và nỗ lực phối hợp của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các đơn vị báo cáo từ khu vực tư nhân để đảm bảo rằng khu vực tài chính không bị coi là nơi trú ẩn an toàn cho tiền bẩn.