Các quốc gia giàu có đã và đang tăng cường nỗ lực tuyển dụng nhân viên y tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19, với những mức lương đưa ra hấp dẫn.

Theo cơ quan y tế của Liên hợp quốc, các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng này, với 37 quốc gia trên lục địa đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế, đe dọa khả năng đạt được dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn cầu vào năm 2030 - một cam kết chính của các Mục tiêu phát triển bền vững.

Hành động của các quốc gia giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) được xem xét kỹ lưỡng trong cảnh báo của WHO.

Tiến sĩ Jim Campbell, Giám đốc chịu trách nhiệm về chính sách nhân viên y tế tại WHO cho biết, các nước OECD và các quốc gia vùng Vịnh giàu có đang thu hút nhiều lao động hơn, nhưng sự cạnh tranh giữa các quốc gia châu Phi cũng ngày càng gay gắt.

“Ở châu Phi, nền kinh tế rất sôi động đang tạo ra những cơ hội mới... Các quốc gia vùng Vịnh có truyền thống phụ thuộc vào nhân sự quốc tế và sau đó, một số quốc gia có thu nhập cao của OECD đã thực sự đẩy nhanh việc tuyển dụng của họ để đối phó với đại dịch cũng như đối phó với thiệt hại về người, bệnh tật và sự vắng mặt của người lao động trong thời kỳ đại dịch", ông Jim Campbell nói.

Cũng theo ông Jim Campbell, khoảng 115.000 nhân viên y tế đã tử vong vì COVID-19 trên khắp thế giới trong đại dịch và nhiều người khác đã bỏ nghề do kiệt sức và trầm cảm. Bên cạnh đó, những dấu hiệu của sự căng thẳng từ các cuộc đình công ở hơn 100 quốc gia kể từ khi đại dịch bắt đầu, bao gồm cả ở Anh và Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí nó đang lan ra các nước khác.

"Chúng ta cần bảo vệ lực lượng lao động nếu muốn đảm bảo người dân được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế" - ông Jim Campbell nhấn mạnh.

Để giúp các quốc gia bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe dễ bị tổn thương của họ, WHO đã đưa ra danh sách bảo vệ và hỗ trợ lực lượng lao động y tế cập nhật, trong đó nêu bật các quốc gia có số lượng nhân viên chăm sóc sức khỏe có trình độ thấp.

“Các quốc gia này yêu cầu hỗ trợ ưu tiên để phát triển lực lượng nhân viên y tế và tăng cường hệ thống y tế, cùng với các biện pháp bảo vệ bổ sung nhằm hạn chế tuyển dụng quốc tế tích cực”, WHO nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Một em bé 5 tháng tuổi được tiêm phòng tại một trại dành cho những người di tản ở Vùng Kurdistan của Iraq. Ảnh: UNICEF/Anmar Anmar 

Ủng hộ lời kêu gọi chăm sóc sức khỏe toàn dân cho tất cả các quốc gia, phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững, Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi tất cả quốc gia “tôn trọng các điều khoản trong danh sách hỗ trợ và bảo vệ lực lượng lao động y tế của WHO”.

Ông Tedros nói thêm: “Nhân viên y tế là trụ cột của mọi hệ thống y tế, nhưng 55 quốc gia có hệ thống y tế yếu nhất thế giới lại không có đủ người và nhiều nơi đang mất nhân viên y tế do "di cư y tế quốc tế”".

Ông Tedros cũng tiết lộ một danh sách mới của WHO về các quốc gia dễ bị tổn thương, trong đó mới bổ sung thêm 8 quốc gia đó là: Comoros, Rwanda, Zambia, Zimbabwe, Đông Timor, Lào, Tuvalu và Vanuatu.

WHO cho biết, sau hơn 3 năm đại dịch COVID-19, lực lượng y tế thế giới đã và đang thiếu hụt trầm trọng. Các y tá và nhân viên y tế một số khu vực ở châu Phi và Đông Nam Á có xu hướng rời đi để tìm cơ hội tốt hơn ở các quốc gia giàu có hơn như ở Trung Đông hoặc châu Âu.

Theo cơ quan y tế của Liên hợp quốc, hiện tượng này đã diễn ra trước đại dịch nhưng hiện đang tăng nhanh sau đại dịch và sự cạnh tranh toàn cầu đang nóng lên.

Trong khi đó, Tiến sĩ Campbell đề cập đến lo lắng về một thị trường tuyển dụng tư nhân. Ông cho hay: “Chúng ta đang thấy phần lớn các quốc gia đang tôn trọng những điều khoản (bằng cách) không tích cực tuyển dụng từ các quốc gia (dễ bị tổn thương) này... Nhưng cũng có một thị trường tuyển dụng tư nhân tồn tại và chúng tôi đang mong đợi họ cũng đạt được một số tiêu chuẩn toàn cầu về phương pháp thực hành và hành vi của họ”.

Hoài Phương