Hãng tin Yonhap đưa số liệu từ cuộc khảo sát đối với 500 người đang điều hành nhà hàng, bán lẻ và các doanh nghiệp dịch vụ khác của Liên đoàn Các ngành công nghiệp Hàn Quốc (FKI). Kết quả chỉ ra, 40,8% số người được hỏi nói rằng, đang cân nhắc việc ngừng hoạt động.

Trong số đó, 28,2% cho rằng, doanh thu và lợi nhuận giảm là nguyên nhân chính. Cuộc khảo sát cũng cho thấy khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn và gánh nặng gia tăng từ các khoản vay là 17,8%.

Tại Hàn Quốc ghi nhận, các doanh nghiệp nhỏ và những người kinh doanh tự do đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định giãn cách kéo dài và hạn chế thời gian hoạt động kinh doanh để chống lại đại dịch.

Chính phủ có kế hoạch duy trì quy định giờ giới nghiêm (21 giờ) đối với các nhà hàng và quán cà phê, đồng thời tăng giới hạn về quy mô các cuộc tụ họp riêng tư từ 4 người lên 6 người, áp dụng từ ngày 17/1 đến ngày 6/2.

Trong số những người được khảo sát, 30,7% bày tỏ lo ngại về tâm lý người tiêu dùng khiến doanh thu suy giảm khi đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến chi tiêu của họ. Tiếp theo là các quy định về giãn cách xã hội chặt chẽ và hoạt động cửa hàng bị hạn chế, với 22,9%.

Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành kế hoạch hỗ trợ 40.000 tỷ won (33,4 tỷ USD) cho các doanh nghiệp nhỏ và người lao động tự do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhằm giảm bớt những rắc rối tài chính mà họ gặp phải trước thềm kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, dự kiến diễn ra từ ngày 31/1 đến ngày 2/2.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki, khoản tiền trên là khoản hỗ trợ mới nhất, ngoài gói hỗ trợ ngân sách 35.800 tỷ won, được cung cấp dưới dạng khoản vay lãi suất thấp cho những người buôn bán nhỏ.

Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch cung cấp lượng thực phẩm kỷ lục 204.000 tấn để phục vụ kỳ nghỉ lễ.

Giá tiêu dùng của Hàn Quốc tăng với tốc độ cao nhất trong 10 năm qua, do chi phí năng lượng và giá nông sản tăng cao. Lạm phát tiêu dùng năm 2021 của Hàn Quốc tăng 2,5% so với mức 0,5% năm trước đó.

Đức Anh