Theo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 gửi HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng ký ban hành, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai sâu rộng đến tất cả các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh.

Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực của quản lý Nhà nước, tập trung vào lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: Quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên; lĩnh vực đầu tư, mua sắm công…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, kiến nghị khắc phục, hoàn thiện các tồn tại nhằm nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị.

Các cơ quan tư pháp đã tích cực, chủ động phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử kịp thời các vụ án tham nhũng, đảm bảo cho công tác quản lý Nhà nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Thực hiện Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị xây dựng chế độ định mức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các cơ quan, đơn vị đã xây dựng Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định. Hàng năm, chỉ đạo thực hiện nghiêm tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính; kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm các khoản chi cho tổ chức hội nghị, hội thảo, tổng kết, tiếp khách với tổng kinh phí tiết kiệm giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 1.043 tỷ đồng.

Quản lý chặt chẽ đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; qua công tác thẩm định và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành đã giảm kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 56 tỷ đồng.

Thực hiện nghiêm việc quản lý tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các quy định của pháp luật hiện hành.

Cùng thời gian, tỉnh đã tập trung thực hiện kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Đôn đốc giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đảm bảo đúng quy định về thời gian, trình tự. Hàng năm đã xem xét, giải quyết trên 75% số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh.

Chú trọng thực hiện công tác hòa giải và xử lý các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở, tăng cường đối thoại với công dân; duy trì nề nếp công tác tiếp công dân định kỳ và thường xuyên theo đúng quy định.

Mặc dù có nỗ lực và cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận tình hình khiếu nại, tố cáo trên một số địa bàn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp; một số nơi còn để xảy ra khiếu kiện đông người.

Nguyên nhân chủ quan được chỉ ra là, một số ngành, huyện, xã chưa tập trung cao; còn né tránh, lúng túng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Về khách quan, còn những quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, chưa ổn định... đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Qua tổ chức, quản lý và điều hành của UBND tỉnh trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, UBND tỉnh rút ra được một số bài học, trong đó bao gồm: Quan tâm làm tốt công tác tiếp công dân, chú trọng đối thoại với công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở, tạo môi trường thuận lợi để phát triển.

Huyền Trịnh