Elena Kasabova - nhân viên công nghệ thông tin tại một ngân hàng ở thành phố Sofia đã cùng hàng nghìn người dân Bulgaria tham gia các cuộc biểu tình ở Thủ đô và những thành phố khác phản đối tham nhũng cấp cao trong Chính phủ .

Lẽ ra, với mức lương khá cao, Elena có ít lý do để cảm thấy bất bình, nhưng cô cho rằng: “Tham nhũng như một điều hiển nhiên xuất hiện ở khắp mọi nơi... Là một người đóng thuế có lương tâm, tôi không hiểu tại sao lại cần đóng góp để trợ giúp cho bệnh viện, những thiết bị y tế cơ bản, trong khi cảnh sát, nghị sỹ và các bộ trưởng trong Nội các lại ngồi trên những chiếc ô tô đắt tiền mẫu mới nhất được chi trả từ nguồn ngân sách Nhà nước?".

Các cuộc biểu tình cho thấy sự tức giận của người dân về tình trạng tham nhũng tràn lan ở quốc gia thành viên nghèo nhất của Liên minh châu Âu (EU). Giới quan sát cho rằng, các vụ tham nhũng đã chỉ ra có sự thông đồng của quan chức cấp cao, các nhóm kinh doanh mờ ám và cán bộ ngành Tư pháp.

Những cuộc tuần hành diễn ra hòa bình và nhỏ lẻ cho tới ngày 2/9 vừa qua, hàng chục nghìn người đã tập hợp bên ngoài Tòa nhà Chính phủ vào đúng ngày tổ chức phiên họp đầu tiên của Nội các Bulgaria sau kỳ nghỉ hè và cảnh sát đã phải dùng tới hơi cay, vòi rồng với đám đông.

leftcenterrightdel
 Cảnh sát chống bạo động bị ném trứng trong cuộc đụng độ với người biểu tình ở Sofia, Bulgaria. Ảnh: Reuters 
 

Ngày 3/9, những người biểu tình tiếp tục bày tỏ sự tức giận của họ trước cáo buộc tham nhũng của Chính phủ, bao gồm một đề xuất gây tranh cãi về thay đổi Hiến pháp mới, có khả năng sẽ giúp cho Chính phủ hiện tại giữ nguyên quyền lực.

Hiến pháp mới do Đảng GERB của Thủ tướng Borissov đề xuất, soạn thảo bởi cựu Bộ trưởng Tư pháp Danail Kirilov (người từ chức hôm 2/9), sẽ trao quyền lực mới cho Văn phòng Tổng Chưởng lý đi kèm ít cơ chế buộc cơ quan này phải chịu trách nhiệm hơn.

Ông Danail Kirilov cũng bị chỉ trích vì không thúc đẩy thông qua các cải cách để giải quyết tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp và không đề cử được ứng cử viên cho chức vụ Tổng Chưởng lý vào năm ngoái, khiến ông Geshev là ứng cử viên duy nhất cho chức vụ này.

Bugaria tham gia EU năm 2007 nhưng hiện là thành viên nghèo nhất khối trong khi tình trạng tham nhũng tại quốc gia này bị cho là nghiêm trọng.

Bulgaria được xếp hạng thấp nhất trong số 27 quốc gia thành viên EU theo đánh giá Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2019 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI). Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ - một tổ chức tư vấn của Sofia - cho biết trong một báo cáo năm 2019 rằng, kết quả khảo sát những doanh nhân tại đây chỉ ra, ít nhất 35% hợp đồng mua sắm công có dính líu đến các hành vi tham nhũng.

“Sự kiên nhẫn của người dân với hệ thống đang cạn kiệt... Thuế cao và mức độ tham nhũng cao khiến bạn rất khó để thành công, dù bạn quyết định làm việc trong lĩnh vực nào", Petar Nedevski, chủ một doanh nghiệp du lịch ở Sofia nói.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Boyko Borisov đã lãnh đạo Chính phủ Bulgaria hơn 1 thập kỷ. Ảnh: Ludovic Marin/AFP 
 

Tại Quốc hội, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã kêu gọi Chính phủ của Thủ tướng Borissov từ chức và kêu gọi các đại biểu Quốc hội bác bỏ kế hoạch xây dựng Hiến pháp mới.

Các cuộc biểu tình vào mùa hè năm nay được châm ngòi bởi cuộc đột kích được vũ trang mạnh mẽ mà Tổng Chưởng lý Ivan Geshev ra quyết định nhằm vào Văn phòng của Tổng thống Rumen Radev - người được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu vào năm 2016 và là người chỉ trích mạnh mẽ, thẳng thắn Chính phủ đương nhiệm về vấn đề tham nhũng.

"Không phải việc thiếu Hiến pháp khiến người dân phải xuống đường, mà là sự thiếu đạo đức trong lãnh đạo, sự xói mòn của nhà nước và tham nhũng", Tổng thống nói.

Sự tức giận của người dân càng gia tăng bởi một loạt vụ bê bối gần đây, trong đó bao gồm cáo buộc về khoản tiền lại quả cho các quan chức Chính phủ từ một doanh nhân người Bulgaria hiện đang bỏ trốn, để đổi lấy việc cho phép anh ta tiếp quản hoạt động của một công ty nhà nước... Ngoài ra, những bức ảnh bị rò rỉ cho thấy tại phòng ngủ của Thủ tướng có một cọc tiền mệnh giá 500 Euro được để trong một ngăn kéo mở. Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết, một số bức ảnh là giả.

Từng là Thị trưởng Sofia, hiện đang trong nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3, ông Borisov đã cầm quyền hơn 1 thập kỷ. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ của ông gần đây đã giảm mạnh. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy từ 60 - 70% người dân Bulgaria ủng hộ yêu cầu Thủ tướng từ chức của những người biểu tình.

Hoài Phương