Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nhóm PV
Chủ nhật, 09/02/2025 - 08:44
(Thanh tra) - Mới đây, Báo Thanh tra nhận được đơn kiến nghị của một số hộ dân sống tại khu 5, phường Hải Hòa, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh có nội dung đề nghị xem xét việc thu hồi đất để thực hiện “Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ - thương mại trạm kiểm soát liên hành cầu Bắc Luân II gắn với khu dịch vụ, thương mại tại phường Hải Hòa (giai đoạn 1) theo hình thức đối tác công tư” do UBND thành phố Móng Cái tiến hành thu hồi có nhiều dấu hiệu vi phạm khi phê duyệt triển khai thực hiện dự án với giá đền bù chưa thỏa đáng; có dấu hiệu hủy hoại tài sản; quá trình thu hồi đất còn nhiều bất cập.
Nhà đầu tư góp 20% tổng mức đầu tư nhưng hưởng quyền khai thác hơn 38 năm?
Trong đơn người dân cho biết, dự án trên được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) với loại hình là hợp đồng hỗn hợp BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) và BLT (Xây dựng – Thuê dịch vụ - Chuyển giao).
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 504 tỷ đồng có sử dụng vốn Nhà nước trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 128 tỷ đồng cùng số tiền thuê Nhà nước trả cho 10 năm (Hợp đồng BLT) hơn 278 tỷ đồng. Nhà đầu tư là Liên danh Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn. Thời gian khai thác dự án theo Hợp đồng BOT là 38 năm 01 tháng.
Hiện trang khu đất bị cưỡng chế thu hồi mà các hộ dân đang kêu cứu
Ngày 29/11/2018, HĐND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án bằng Quyết định số 83/QĐ-HĐND; Phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 bằng Quyết định số 3383/QĐ-UBND ngày 31/8/2017 UBND tỉnh Quảng Ninh. Dự án được cho phép chuyển đổi đất trồng lúa sang đất mục đích khác bởi Nghị quyết số 290 NQ- HĐND của HĐND tỉnh Quảng Ninh ngày 31/10/2020. Được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi bằng Quyết định số 1550/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 16/4/2019.
Quyết định số 83/QĐ-HĐND và Quyết định số 3383/QĐ-UBND
Dự án được phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư là Liên danh Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn bằng Quyết định số 2792/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 10/8/2020 và Quyết định số 3793/QĐ-UBND của UBND thành phố Móng Cái ngày 04/6/2020.
Cũng theo đơn phản ánh, dự án có tổng mức đầu tư trên 504 tỷ đồng, trong đó phần vốn tham gia của Nhà nước là hơn 406 tỷ đồng tương đương với 80%. Phần vốn tham gia của Nhà nước bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và số tiền thuê Nhà nước trả cho nhà đầu tư trong thời gian 10 năm. Như vậy, trong dự án này toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng được dự toán trong Quyết định số 1550/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 16/4/2019 đều do ngân sách nhà nước chi trả. Đối với nhà đầu tư, chi phí phải bỏ để tham gia dự án hơn 100 tỷ đồng tương ứng với 20% tổng mức đầu tư nhưng được hưởng các quyền lợi là khai thác dịch vụ cửa khẩu cùng khu thương mại, dịch vụ trong khoảng thời gian được phê duyệt là hơn 38 năm.
“Hủy hoại” tài sản của người dân, đền bù chưa thỏa đáng khi thu hồi đất?
Theo đơn phản ánh của người dân, ngày 11/6/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 1847/QĐ-UBND phê duyệt mức giá đất để đền bù, giải phóng mặt bằng đối với dự án. Tuy nhiên, cho đến tận giữa năm 2024 mới xây dựng phương án bồi thường cho các hộ gia đình. Việc áp dụng giá đất cũ, được ban hành ba năm trước đó là trái với quy định của pháp luật và đồng thời không thỏa đáng với người dân có đất bị giải tỏa.
Quyết định số 1847/QĐ-UBND phê duyệt mức giá đất để đền bù, giải phóng mặt bằng đối với dự án
Đối với việc thu hồi đất, cưỡng chế giải phóng mặt bằng và đền bù, hỗ trợ, tái định cư, các hộ dân cho biết: “Họ là những thanh niên xung phong, lên đây khai hoang giữ biên giới theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước. Thời điểm khai hoang theo các văn bản tiếp nhận là từ 1990 (tức trước 15/10/1993). Theo Luật Đất đai 2003 thì các hộ dân đã làm ăn sinh sống ổn định lâu dài và không có tranh chấp thì phải được cấp có thẩm quyền quản lý đất đai tại địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có đất ở và đất canh tác. Tuy nhiên, dù các hộ dân đã kê khai, đăng ký nhưng chính quyền địa phương lấy lý do quy hoạch và không cấp. Đến nay khi đền bù, mặc dù đã có nhà ở trên đất, diện tích đất ở thực tế nhưng một số các hộ gia đình không được công nhận có đất ở để được bồi thường và hưởng chính sách tái định cư”.
Ảnh hiện trạng nhà do các hộ dân cung cấp khi chưa bị cưỡng chế thu hồi đất
Trong đơn người dân cũng khẳng định, việc áp giá đền bù cho đất ở, đất khác là hoàn toàn không thỏa đáng, không đúng giá trị thực tế vì UBND TP Móng Cái áp dụng mức giá trước khi xây dựng phương án nhiều năm. Mức giá được bồi thường hiện tại thấp hơn rất nhiều so với giá đất tại địa phương, dẫn tới người dân không đồng ý với mức giá do đơn vị thu hồi, giải phóng mặt bằng đưa ra. Tài sản trên đất bao gồm cây cối, hoa màu và đặc biệt là nhà ở, các công trình xây dựng trên đất cũng bị kiểm đếm thiếu và xác định giá trị chưa thỏa đáng.
Ngoài ra, phản ánh của người dân cho biết, khi tiến hành cưỡng chế thu hồi đất vào ngày 28/6/2024, thì có rất nhiều các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ phía các đơn vị tổ chức và thực hiện. Điển hình, việc các đơn vị cưỡng chế đã phá nhà ở, công trình kiến trúc và cây cối, hoa màu trên cả phần đất không bị thu hồi, vẫn đang nằm trong quyền sử dụng hợp pháp của các hộ dân. Việc cưỡng chế thu hồi đất thậm chí còn được tiến hành trước khi có quyết định thu hồi đất; cưỡng chế, đập phá tài sản, cây cối ngoài diện tích thu hồi đất của người dân có thể được xem là hành vi hủy hoại tài sản hợp pháp của công dân?
Gửi đơn phản ánh đến Báo Thanh tra, người dân kiến nghị cần phải có một cơ quan thanh kiểm tra việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân để làm rõ các sai phạm và trả lại các quyền lợi hợp pháp cho họ, những người đã có công khai hoang và gìn giữ đất đai khu vực biên giới. Cùng với đó, thanh kiểm tra lại quá trình triển khai dự án, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và ngân sách Nhà nước.
Liên quan tới nội dung này Báo Thanh tra đã có giấy giới thiệu cử phóng viên tới liên hệ làm việc với UBND TP Móng Cái và UBND xã Hải Hòa để xác minh thông tin làm rõ phản ánh của người dân.
Trao đổi ban đầu với phóng viên Báo Thanh tra, ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết: “Sẽ cung cấp thông tin và hồ sơ liên quan về dự án tới lãnh đạo Báo Thanh tra”.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng trôi qua, Báo Thanh tra vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ UBND TP Móng Cái.
Sau đó Báo Thanh tra cũng đã gửi công văn đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, và các cơ quan đơn vị liên quan, nhưng vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía các cơ quan này.
Liên quan đến vụ việc này, Báo Thanh tra đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc, thanh kiểm tra, làm rõ những kiến nghị, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đó là khẳng định của tỉnh Phú Thọ trong buổi làm việc với Đoàn Giám sát Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về việc giám sát việc quản lý, sử dụng, phân bổ kinh phí hỗ trợ Nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, nắm bắt tình hình triển khai công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ngày 20/3.
Nam Dũng
(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời mới ký quyết định ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2025 trên địa bàn.
Nhật Minh
Minh Nghĩa
T. Minh
Trần Kiên
Thanh Hoa
Chính Bình
Chính Bình
PV
Hương Giang
PV
Trần Quý
Trần Kiên
Lâm Ánh
Nam Dũng
Trọng Tài
Lâm Ánh
Thành Nam