Nghị định 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực từ hôm nay, ngày 15/10.

Tại nghị định này, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là hành vi vi phạm, sẽ bị xử phạt.

Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan, lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn... bị coi là hàng lậu.

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các tổ chức và cá nhân kinh doanh hàng xách tay đã thông qua các công cụ website, Zalo, Facebook… chào bán các sản phẩm do nước ngoài sản xuất.

Thông qua các đơn đặt hàng, các tổ chức, cá nhân nói trên thu gom hàng hóa rồi thuê người vận chuyển dưới hình thức xách tay từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Đức… về Việt Nam để tiêu thụ. Các loại hàng hóa này có giá rẻ hơn hàng hóa nhập khẩu chính ngạch, do không phải đóng thuế cho Nhà nước. Và các loại hàng này thường không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt

Trước đó, Nghị định 185/2013 của Chính phủ cũng đã có quy định để xử lý hàng xách tay.

Tuy nhiên, trong Nghị định 98/2020, mức xử phạt đã tăng nặng lên rất nhiều. Cụ thể, nếu hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3 triệu đến dưới 5 triệu đồng sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng.

Mức xử phạt với cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ lên đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu, tổ chức kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt cao nhất 100 triệu đồng. Mức phạt đối với hoạt động kinh doanh hàng xách tay (hàng lậu) có giá trị 100 triệu đồng bị phạt đến 200 triệu đồng.

Đặc biệt, nếu trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới hoặc từ 100 triệu đồng, mức phạt này sẽ tăng gấp đôi lên 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức.

Một chuyên gia thị trường cho biết, việc nâng khung xử phạt theo nghị định mới là cần thiết, nhằm tăng cường tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi cho rằng với những quy định của Nghị định 98 thì việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu nói chung và kinh doanh hàng xách tay nói riêng sẽ dần dần bị kiểm soát, tiến tới hạn chế tối đa. Qua đó dần xóa bỏ triệt để hành vi vận chuyển, tàng trữ, giao nhận và kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Quang Minh