Kế hoạch nêu rõ, việc luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo cấp vụ được thực hiện giữa các khối với nhau hoặc trong cùng khối với nhau, đó là: Khối các đơn vị trực tiếp làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khối các đơn vị tham mưu; khối các đơn vị sự nghiệp. Việc luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo cấp phòng được thực hiện giữa các phòng trong một đơn vị với nhau hoặc giữa các phòng thuộc các đơn vị trong khối với nhau.

Việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ quản lý được thực hiện trong nội bộ đơn vị hoặc giữa các đơn vị thuộc các khối với nhau.

Trường hợp chưa thực hiện chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 38 và mục 2, Điều 39 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ. Trường hợp công chức, viên chức đang bị xem xét, xử lý kỷ luật, đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được điều động, luân chuyển.

Việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với viên chức giữ chức vụ quản lý cấp phòng và viên chức không giữ chức vụ quản lý được thực hiện theo quy định của Nhà nước hiện hành và theo phân cấp về công tác cán bộ của TTCP.

Đối với việc luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý, thẩm quyền luân chuyển do Ban Cán sự Đảng TTCP xem xét, quyết định. Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm. Trường hợp đặc biệt do Ban Cán sự Đảng, Tổng TTCP xem xét, quyết định.

Công chức, viên chức sẽ được xem xét điều động, chuyển đổi vị trí công tác khi có các điều kiện, như: Thời hạn xem xét điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp phòng theo yêu cầu nhiệm vụ, ưu tiên xem xét những đối tượng có thời gian công tác từ 5 năm trở lên (không chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức còn thời gian công tác còn lại dưới 18 tháng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu).

Trường hợp công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ tại đơn vị có vi phạm đã bị xử lý kỷ luật thực hiện theo tinh thần Thông báo số 20-TB/TW ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị.

Trường hợp công chức, viên chức vi phạm các quy định của Điều 3, Điều 20, Điều 21 của Quy chế Tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra ban hành kèm theo Quyết định 465/QĐ-TTCP ngày 29/11/2022 của Tổng TTCP.

Trường hợp công chức, viên chức trong khi thực thi công vụ, có dư luận phản ánh về những biểu hiện tiêu cực, gây ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và cơ quan TTCP đã được Ban Cán sự Đảng xem xét, chỉ đạo; các vi phạm khác theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Đối với việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng; viên chức lãnh đạo, quản lý (người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập) do Ban Cán sự Đảng, Tổng TTCP xem xét, quyết định.

Đối với việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác công chức không giữ chức vụ quản lý: Điều động, chuyển đổi vị trí công tác công chức từ đơn vị này sang đơn vị khác: Vụ Tổ chức Cán bộ tham mưu báo cáo Ban Cán sự Đảng, Tổng TTCP xem xét, quyết định.

Điều động, chuyển đổi vị trí công tác công chức trong một đơn vị do tập thể lãnh đạo, cấp uỷ bàn bạc thống nhất xây dựng kế hoạch thực hiện, báo cáo Tổng TTCP (qua Vụ Tổ chức Cán bộ) trước khi quyết định thực hiện.

Về thời gian điều động, chuyển đổi vị trí công tác: Điều động công chức, viên chức theo yêu cầu nhiệm vụ, ưu tiên xem xét những công chức, viên chức có thời gian công tác tại 1 cục, vụ, đơn vị từ 5 năm trở lên.

Chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức có thời gian công tác tại 1 vụ, cục, đơn vị từ 3 đến 5 năm. Trường hợp đặc biệt do Ban Cán sự Đảng, Tổng TTCP xem xét, quyết định.

Về tỷ lệ điều động, chuyển đổi vị trí công tác: Đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ: Thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác từ năm 2023, bình quân mỗi năm tỷ lệ từ 20-25% (trên tổng số lãnh đạo cấp vụ của đơn vị).

Đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng: Thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác từ năm 2023, bình quân mỗi năm tỷ lệ từ 20-25% (trên tổng số lãnh đạo cấp phòng của đơn vị). Trong đó, điều động, chuyển đổi vị trí công tác trong nội bộ đơn vị tỷ lệ từ 15-20%, điều động, chuyển đổi vị trí công tác ra ngoài đơn vị tỷ lệ 5-10%.

Đối với công chức không giữ chức vụ quản lý: Chuyển đổi vị trí công tác có cùng chuyên môn nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác và giữa các địa bàn được phân công phụ trách, theo dõi, quản lý trong nội bộ đơn vị đối với công chức đã đảm nhận vị trí công việc đó từ 3-5 năm và được thực hiện thường xuyên.

Điều động, chuyển đổi vị trí công tác ra ngoài đơn vị từ năm 2023, bình quân mỗi năm tỷ lệ từ 5-10% (trên tổng số công chức của đơn vị).

Trường hợp đặc biệt do Ban Cán sự Đảng, Tổng TTCP xem xét quyết định cụ thể về tỷ lệ điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo từng năm.

TTCP cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; luân chuyển công chức lãnh đạo quản lý theo yêu cầu nhiệm vụ, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ được quy hoạch có môi trường để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ; điều động, chuyển đổi vị trí công tác góp phần khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

TTCP yêu cầu công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác phải đảm bảo chặt chẽ khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. Bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ được quy hoạch; bố trí sắp xếp và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ có thời gian công tác quá lâu (quá thời gian quy định) tại một cục, vụ, đơn vị; tại một phòng, ban trong một cục, vụ, đơn vị.

Kết hợp việc luân chuyển với điều động và chuyển đổi vị trí công tác nhằm bố trí, sắp xếp hài hoà, hợp lý trong tổng thể chung của đội ngũ cán bộ TTCP.

Theo TTCP, việc luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác công chức, viên chức là yêu cầu cần thiết, được thực hiện thường xuyên, liên tục. Công chức, viên chức được luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác phải chấp hành nghiêm chủ trương, quyết định của cấp có thẩm quyền. Trường hợp không chấp hành sẽ xem xét xử lý theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.

Phương Anh