Đất đai coi như đạo luật gốc trong quản lý Nhà nước

 Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh, vấn đề quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng bao quát tất cả lĩnh vực về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Ngoài ra, đất đai vừa là môi trường vừa là tư liệu sản xuất rất quan trọng có thể sử dụng cho các thế hệ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, với tính chất phức tạp như vậy nên bộ luật đất đai có thể coi là bộ luật về vấn đề hết sức cơ bản nền tảng cho phát triển kinh tế, liên quan đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội và người dân.

Đất đai coi như đạo luật gốc trong quản lý Nhà nước, giải quyết đúng chính sách pháp luật về đất đai không chỉ kiến tạo môi trường pháp lý ổn định minh bạch, kiên tạo nên nguồn lực mà góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, chính trị, an toàn xã hội, góp phần phát triển bền vững bảo vệ môi trường, cũng như quyền lợi chính đáng của người dân và đặc biệt chính là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII và được Quốc hội cho phép lấy ý kiến nhân dân. Tại diễn đàn MTTQ và các diễn đàn khác đã lấy rất nhiều lần ý kiến.

Góp ý cho dự thảo lần này, Phó Thủ tướng mong muốn ý kiến đi vào thẳng vào chương, điều; điều nào chưa chặt chẽ, khoa học, khả thi đối với chính sách mà nghị quyết Trung ương ban hành thì tập trung góp ý để làm sao chính sách được thể chế một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp lý thực hiện và người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng thực hiện.

Sau khi nghe tóm tắt Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); các đại biểu dự đã có ý kiến đánh giá, góp ý về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

Cần được nghiên cứu đồng bộ, khoa học hơn

Góp ý nội dung về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nêu rõ, không có lĩnh vực nào mà cộng đồng quan tâm nhiều như Luật Đất đai, bởi đây là lĩnh vực được Nhà nước quan tâm trong xây dựng hệ thống pháp luật. Tại Hội nghị lần 5 Trung ương khóa XIII tháng 5/2022 đã chỉ rõ nhiều vấn đề cần đổi mới, cần giải quyết về quản lý đất đai.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, bản Dự thảo Luật Đất đai đã được nghiên cứu nghiêm túc, công phu song vẫn còn tồn tại cần quan tâm. Nội dung luật đã bám sát định hướng, quản lý; Dự thảo Luật vừa có quy định khung và có một số quy định cụ thể, song chưa đồng bộ với các tồn tại cần giải quyết.

Với vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, với các lĩnh vực kinh tế - xã hội với toàn bộ người dân và để đáp ứng yêu cầu như Quốc hội đề ra, rất cần được nghiên cứu đồng bộ, khoa học hơn. Một số tồn tại nêu trên về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mong được xem xét kĩ hơn.

Trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện cần đẩy mạnh việc chuẩn bị một số dự thảo nghị quyết hướng dẫn và tổ chức linh hoạt hơn các hình thức góp ý, nhất là lấy ý kiến cộng đồng và chuyên gia đa ngành đồng bộ về 9 vấn đề trọng tâm. Để Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành sẽ là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, có tuổi thọ cao và đi vào thực tế cuộc sống.

Cần tiếp tục xem xét, sửa đổi, bổ sung

Theo ThS Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, qua nghiên cứu Dự thảo Luật cho thấy có 4 điều khoản quy định riêng cho dân tộc thiểu số (DTTS); 4 điều khoản quy định cho một số đối tượng ưu tiên, trong đó có DTTS. Trong đó: Các chính sách đã được quy định cụ thể là giao đất ở, giao đất sản xuất, được ưu tiên hơn so với đối tượng khác khi thực hiện giao đất, cho thuê đất, được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm, kể từ khi được giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Nội dung quy định như trên cho thấy Dự thảo Luật chưa thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; các chính sách đối với DTTS trong các điều luật chưa thể hiện được nguyên tắc nêu tại tên Điều 17 là “… có đất để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sinh kế”, do đó cần tiếp tục xem xét, sửa đổi, bổ sung.

Đảm bảo tính độc lập, khách quan hơn

GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai tiếp tục làm rõ quyền của Nhà nước là “đại diện chủ sở hữu về đất đai” (Điều 14) và làm rõ hơn “Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai” (Điều 15) thông qua quy định chức năng nhiệm vụ của các cơ quan đại diện cho dân và cơ quan hành chính Nhà nước.

Nên tách riêng quyền đại diện chủ sở hữu và quyền năng quản lý Nhà nước, sau đó thiết kế phân quyền cho hai cơ quan tương ứng, quyền đại diện chủ sở hữu thì giao cho Quốc hội, HĐND; quyền quản lý hành chính Nhà nước thì gia cho Chính phủ, UBND các cấp. Như vậy mới đảm bảo tính độc lập, khách quan hơn và hạn chế quyền lực tập trung vào cơ quan quản lý hành chính như hiện nay.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi được trình Quốc hội tại kỳ họp 4 (10/2022). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai từ 3/1 đến 15/3. Việc lấy ý kiến này là cách tập trung trí tuệ của nhiều người để hoàn thiện Luật Đất đai, một luật có tác động lớn đến cuộc sống của người dân.

Thanh Thanh