Chiều 10/8, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội đối với Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo này.

Trình bày dự thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch ở cấp cao nhất theo quy định của Luật Quy hoạch và lần đầu tiên được triển khai ở nước ta. Do đó, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, chưa có tiền lệ.

Dự thảo đã đề cập đến việc phân vùng, trục tăng trưởng, hành lang kinh tế; đây là cơ sở để làm các quy hoạch khác như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành và địa phương.

Bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu

Các đại biểu tham dự hội nghị này đã tập trung thảo luận về những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ quy hoạch; trong đó phân tích để thấy cơ sở pháp lý, thực tiễn thời kỳ quy hoạch; định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành kinh tế, góp ý để chỉ rõ quan điểm, mục tiêu và những tác động trong tổ chức không gian phát triển các ngành kinh tế; định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phân tích để góp ý làm rõ căn cứ, yêu cầu, mục tiêu phát triển các ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; định hướng sử dụng tài nguyên quốc gia, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Viêt Nam cho rằng, dự thảo chưa nêu tên và trích dẫn các văn bản pháp quy liên quan đến quy hoạch từng ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch tổng thể.

Bản thân hệ thống hạ tầng kỹ thuật có mối liên hệ và chia sẻ không gian phát triển, tuy nhiên dự thảo chưa nêu rõ mối quan hệ này để tận dụng không gian phát triển và đảm bảo sự đồng bộ hiệu quả phục vụ.

Trong dự thảo quy hoạch chưa nêu được luận chứng để phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật mà đi sâu vào trình bày quy mô phát triển của từng ngành, thậm chí lấn sang nội dung của quy hoạch ngành quốc gia là không phù hợp…

PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Kinh tế, UBTƯ MTTQ Việt Nam, có ý kiến, báo cáo minh họa cho dự thảo quy hoạch đã chỉ ra thực trạng động thái dịch chuyển nhân lực giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, cần nối kết động thái này với việc phân tích thay đổi cơ cấu kinh tế ngành, vùng để có những nhận xét sâu hơn và thực chất hơn về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học Giáo dục và Môi trường, UBTƯ MTTQ Việt Nam, nêu quan điểm, mục tiêu cần bổ sung lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên...

GS.TS Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học Giáo dục và Môi trường, UBTƯ MTTQ Việt Nam, lại cho rằng, trong quy hoạch tổng thể quốc gia cần đi sâu vào định hướng, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, có những giải pháp đảm bảo an ninh tài nguyên nước, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững.

Quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng

 Ghi nhận các đóng góp tại hội nghị, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, các tham luận chuyên sâu phản biện đều đánh giá cao Dự thảo Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết, khó và không kém phần nhạy cảm, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Ông Đỗ Văn Chiến cũng nhận định, đối với dự thảo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cơ bản đã đề cập khá toàn diện, sâu sắc một khối lượng đồ sộ liên quan đến chuyên môn sâu của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sẽ tiếp tục được nghiên cứu để đóng góp ý kiến.

Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 là văn bản hết sức quan trọng, hoàn thiện không gian, các lĩnh vực tổng thể của đất nước với tầm nhìn dài hạn, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là cơ sở quan trọng để hoạch định phát triển đất nước trong những năm tới đảm bảo hiệu quả và bền vững. Đây cũng là văn kiện chung để triển khai các quy hoạch trên các vùng, các ngành, xây dựng quy hoạch các địa phương của cả nước.

Ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, nếu quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác, phát triển; và ngược lại, nếu quy hoạch không đạt yêu cầu, mong muốn đề ra, sẽ tác động tiêu cực đến các quy hoạch khác, và suy rộng ra là kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam đề nghị bộ phận soạn thảo sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá, tiếp thu ý kiến xác đáng để bổ sung vào báo cáo quy hoạch; trong quá trình thẩm định hoặc tổ chức các cuộc hội thảo với những nội dung còn có ý kiến khác nhau đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ gửi cho MTTQ Việt Nam để tiếp tục tham gia ý kiến.

Khẳng định MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, thành viên của Mặt trận sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ với cơ quan chủ trì soạn thảo về những khó khăn trong quá trình lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để đưa quy hoạch vào thực tiễn cuộc sống, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Thanh Thanh