Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội: Khó “cân” lợi ích, cải tạo nhà chung cư cũ vẫn… rối

Thứ ba, 12/08/2014 - 20:34

(Thanh tra) - Lợi ích 3 bên (Nhà nước - nhân dân - doanh nghiệp) khó cân đối, trong khi trách nhiệm lại không quy rõ ràng, chưa kể chính sách thiếu thống nhất… dẫn đến tiến độ các dự án cải tạo chung cư cũ không có bước tiến đáng kể. Đó là thông tin, được đưa ra trong buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng với UBND TP Hà Nội chiều nay (12/8).

Trên địa bàn TP Hà Nội có rất nhiều nhà chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thảo Nguyên

Trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cao 4 đến 6 tầng và 10 khu thấp tầng thường từ 1-3 tầng (hầu hết đã bán theo Nghị định 61/CP và người dân đã tự bỏ kinh phí để cải tạo lại) đa phần được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước. Trong quá trình sử dụng các hộ dân đã tự cơi nới, phát triển trên diện tích đất trống, sân chung. Đa số diện tích xây dựng cũng như dân số tại các khu chung cư đã tăng hơn 1,5 lần so với thiết kế ban đầu.

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ… “nhỏ giọt”

Theo UBND TP Hà Nội, đến nay, nhiều nhà chung cư đã xuống cấp nguy hiểm ở cấp C, cấp D, như quận Đống Đa có 44 nhà chung cư nguy hiểm cấp độ C; quận Ba Đình có 12 nhà chung cư cấp độ C và 3 nhà chung cư cấp độ D…

Thực hiện chủ trương cải tạo nhà chung cư cũ xuống cấp, năm 2007 - 2009; 2011 - 2012, TP đã bố trí 22,2 tỷ đồng kiểm định 162 công trình để lọc ra những chung cư nguy hiểm cấp D, tổ chức di chuyển, cải tạo xây dựng lại.

Đến nay, mới chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà chung cư B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; I1, 2, 3 Thái Hà (quận Đống Đa); P3 Phương Liên (quận Thanh Xuân). Nhà chung cư C7, B6 Giảng Võ, C1 Thành Công (quận Ba Đình) vẫn đang thi công. Nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa); 148 - 150 Sơn Tây (Ba Đình) mới tổ chức di dời, tạm cư cho các hộ dân. Còn nhà chung cư C8 Giáng Võ đang tiếp tục yêu cầu di dời.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTG ngày 26/7/2011, khu vực lõi đô thị (4 quận nội thành cũ) cần phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người; kiểm soát chiều cao các công trình trong các quận nội thành.

“Chính điều này khiến việc bảo đảm bài toán kinh tế: Cân đối tài chính cho chủ đầu tư, cải thiện diện tích ở cho người dân trong khu vực dự án, hạn chế tăng dân số tại khu vực này không khả thi. Việc khai thác dự án để tự cân đối tài chính (sau khi đã bảo đảm quỹ nhà để tái định cư tại chỗ) của các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn”, ông Tuấn nói.

Hơn nữa, quá trình thỏa thuận quy hoạch, hoàn tất các thủ tục về quản lý xây dựng, đất đai… lại phát sinh nhiều ý kiến của người dân. Trước đây một số dự án được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm tự cân đối tài chính, người dân được tái định cư với hệ số cao hơn quy định (K = 1,7 đến K = 2,2) nay các dự án phải tuân thủ quy hoạch chung cư xây dựng Thủ đô dẫn đến tình trạng người dân so sách, không ủng hộ dự án. Trong khi đó, hầu hết các đơn vị chủ đầu tư không bảo đảm được yêu cầu trong việc chuẩn bị quỹ nhà tạm cư.

Cần quy rõ trách nhiệm 3 bên

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, cải tạo nhà chung cư cũ xuống cấp là vấn đề phức tạp, nếu mà “bị sập gây thiệt hại cho người dân thì trách nhiệm là của chính quyền, mà cuối cùng là Chủ tịch TP”, nên dù hiện có nhiều bất cập nhưng TP quyết tâm làm, vừa làm, vừa tháo gỡ. Tuy nhiên, thời gian tới cần phải quy rõ trách nhiệm của Nhà nước, chình quyền các cấp và người dân, không thể đẩy hết trách nhiệm cho doanh nghiệp.

“Nhà này là do Nhà nước xây dựng, cho thuê, rồi bán cho cán bộ công nhân viên chức vì vậy phải có trách nhiệm. Chúng ra đặt vấn đề rất quan trọng, rất quan tâm mà không quy rõ trách nhiệm thì không thể thực hiện được”, ông Thảo nói và đề nghị Chính phủ ban hành quy định bắt buộc chính quyền và nhân dân phải có trách nhiệm; đồng thời ban hành quy định rõ điều kiện của nhà đầu tư, phương thức tái tạo nhà chung cư cũ, hết tuổi thọ, xuống cấp nguy hiểm.

Theo ông Thảo, tại sao không đưa ra phương thức, Nhà nước mua lại căn hộ của người dân ở chung cư cũ, rồi bán cho căn hộ mới với những quy định rõ ràng về giá, trình tự… chứ không chỉ đưa ra cơ chế để tránh tình trạng “làm cũng được mà không làm cũng được”.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, Bộ rất quan tâm đến chất lượng các công trình xây dựng để đảm bảo an toàn, tính mạng của người dân. Riêng với chung cư cũ càng phải kiểm soát chặt chẽ hơn… Qua kiểm tra thấy, Hà Nội đã tích cực kiểm định, phân loại các công trình và đã có trách nhiệm rất lớn gia cố công trình. Tuy nhiên, do việc cải tạo chung cư cũ rất khó khăn, việc xây dựng lại còn ít so với mong muốn.

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, Bộ trưởng yêu cầu Hà Nội tăng cường đánh giá chất lượng nhà chung cư. Trước mắt, gia cố những công trình, bộ phận công trình không an toàn; Kiên quyết đưa người dân ra khỏi công trình mất an toàn.

Về phía Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật quy định về chất lượng, an toàn công trình; xây dựng cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực cải tạo các nhà chung cư cũ. Bộ và TP sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ xem xét lại quy định về tầng cao công trình; ưu tiên tái định cư tại chỗ cho nội đô; lựa chọn các doanh nghiệp có kinh nghiệm và tài chính để tham gia xây dựng.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Xây "chui" loạt căn hộ trên tầng mái chung cư

Hà Nội: Xây "chui" loạt căn hộ trên tầng mái chung cư

(Thanh tra) - Tại tầng mái chung cư CT2 Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), 4 căn hộ đã được xây dựng trái phép và bán cho người dân. Vụ việc cho thấy vẫn có doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về xây dựng để trục lợi, đẩy gánh nặng khắc phục hậu quả lên khách hàng và cơ quan quản lý.

Đông Hà

20:01 14/12/2024
Yên Bái đẩy mạnh công tác triển khai thi hành Luật Đất đai 2024

Yên Bái đẩy mạnh công tác triển khai thi hành Luật Đất đai 2024

(Thanh tra) - Ngày 13/12, UBND tỉnh Yên Bái đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức buổi làm việc nhằm đánh giá công tác quản lý nhà nước về đất đai và triển khai Luật Đất đai 2024 trên địa bàn tỉnh. Buổi làm việc có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cùng đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

Bùi Bình

20:04 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm