Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thanh Hoa - Đông Hà
Thứ ba, 27/05/2025 - 12:52
(Thanh tra) - Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc tháo gỡ rào cản trong tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, đặc biệt tại các khu công nghiệp, đang được coi là một bước đi quan trọng nhằm mở rộng không gian phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo.
Tiếp cận được mặt bằng sản xuất, doanh nghiệp nhỏ có thêm cơ hội phát triển và mở rộng quy mô. Ảnh: Đ.H
Nhiều ý kiến cho rằng nếu không tháo gỡ rào cản thuê đất trong khu công nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ mãi loay hoay bên lề cuộc chơi. Ngược lại, khi được tiếp cận mặt bằng sản xuất hợp lý, họ sẽ có cơ hội bứt phá, mở rộng quy mô và tăng sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt.
Thách thức mặt bằng sản xuất
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, mặt bằng sản xuất luôn là yếu tố quan trọng quyết định khả năng mở rộng quy mô, đầu tư và phát triển của các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, tiếp cận đất đai tại các khu công nghiệp hiện nay vẫn là một thách thức lớn. Tình trạng khan hiếm quỹ đất, chi phí thuê cao ngất ngưởng khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ khả năng chen chân vào các khu công nghiệp lớn.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 940.000 doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP và hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp và tăng trưởng bình quân khu vực tư nhân khoảng 10 - 12%/năm, giới chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần có chính sách mang tính đột phá, đặc biệt là về tiếp cận đất đai và vốn.
Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng, nêu bật một nghịch lý đáng lo ngại: chính sách đất khu công nghiệp hiện không phù hợp với năng lực tài chính của phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Chúng tôi rất phấn khởi khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước thể hiện quyết tâm phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng nếu không có đất để sản xuất, tất cả chỉ là khẩu hiệu”, ông Toàn thẳng thắn nói.
Theo ông Toàn, tại nhiều địa phương, các khu công nghiệp đều mặc định không cho thuê nếu diện tích dưới 1 ha. Trong khi đó, giá thuê dao động từ 25 - 35 triệu đồng/m², đồng nghĩa với việc một lô đất tối thiểu có thể “ngốn” 30–35 tỷ đồng – chưa tính chi phí hạ tầng. “Doanh nghiệp nhỏ, vốn chỉ có vài tỷ đồng, sao có thể chịu nổi mức chi phí này?”, ông Toàn đặt vấn đề.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược – Ban Chính sách, chiến lược Trung ương), cho rằng tiếp cận đất đai luôn là một “rào chắn” cố hữu đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
“Chi phí thuê đất quá cao đang vượt xa khả năng chi trả của đa số nhà đầu tư. Không tiếp cận được đất đai thì doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất, nhất là trong các ngành công nghiệp chế tạo, logistics hay phân phối quy mô lớn”, ông Cung phân tích.
Mở lối từ chính sách
Trước thực tế trên, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được đánh giá là một trong những văn kiện quan trọng, góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn kéo dài, nhất là trong tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, điểm nổi bật là việc yêu cầu dành tối thiểu 5% quỹ đất trong các khu công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong vòng 5 năm.
Theo các chuyên gia, đây là bước đi mang tính chiến lược nhằm đưa khu vực doanh nghiệp nhỏ, lâu nay bị “bỏ quên” trong quy hoạch phát triển công nghiệp, vào dòng chảy chính sách quốc gia. Nếu thực hiện hiệu quả, nhóm doanh nghiệp này sẽ có điều kiện để gia nhập khu công nghiệp, mở rộng sản xuất, nâng cao tính chính quy và năng suất lao động.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, đánh giá Nghị quyết 68 là “bước đi rất đáng ghi nhận” trong thiết kế lại cấu trúc tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, vốn được coi là “nút thắt cổ chai” của doanh nghiệp nhỏ.
“Nếu như trước đây, phần lớn khu công nghiệp được thiết kế ưu tiên cho doanh nghiệp lớn, thì nay chính sách đã chuyển hướng hỗ trợ nhóm yếu thế. Tuy nhiên, chỉ khi có ràng buộc cụ thể đối với ban quản lý khu công nghiệp về phân khu, tiêu chuẩn suất đầu tư,và giá thuê, thì tỷ lệ 5% kia mới thực sự có ý nghĩa”, ông Long nhận định.
Ông cũng cảnh báo rằng nếu không có các hướng dẫn chi tiết và kiểm tra thực thi chặt chẽ, “5% quỹ đất dù được quy định vẫn có thể bị các khu công nghiệp né tránh bằng cách tăng tiêu chí kỹ thuật, áp giá thuê cao, hoặc dành cho các doanh nghiệp “con cưng”.
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, cho rằng Nghị quyết 68 chính là “bước ngoặt lịch sử” đưa khu vực tư nhân vào vị trí trung tâm trong cấu trúc kiến tạo và phục vụ của Nhà nước.
Tuy nhiên, để nghị quyết này không dừng lại ở chủ trương, ông Điều nhấn mạnh vai trò của việc thể chế hóa bằng các luật, nghị định, hướng dẫn cụ thể, từ quy trình giao đất, cho thuê đất, đến tiêu chuẩn hạ tầng và điều kiện ưu đãi. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp và chuyên gia phản biện trong quá trình soạn thảo và thực hiện chính sách.
“Mọi quyết sách, dù đúng đắn đến đâu, cũng cần được cụ thể hóa bằng hành động, đồng thuận và giám sát thực thi nghiêm túc”, ông Điều nhấn mạnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tín hiệu tích cực từ nhiều trụ cột như hạ tầng, cải cách thể chế, dòng vốn FDI đến chính sách nhà ở xã hội… đang đồng loạt hội tụ, tạo kỳ vọng lớn cho sự phục hồi của thị trường bất động sản trong 2 quý cuối năm 2025.
Đông Hà
(Thanh tra) - Trong khi mức độ quan tâm đất nền tại nhiều địa phương có xu hướng chững lại sau giai đoạn sôi động đầu năm, một số tỉnh phía Bắc vẫn chứng kiến đà tăng giá đáng kinh ngạc, tiêu biểu là Hưng Yên và Hòa Bình.
Đông Hà
Thùy Dương
Đông Hà
PV
Thùy Dương
Nam Dũng
Văn Thanh
Kim Thành
Nam Dũng
Trần Kiên
Thanh Hoa
Bùi Bình
Lâm Ánh
Trần Kiên
Phương Anh
Hương Giang
Đình Thuyết