Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vụ nhận chìm 1 triệu tấn bùn: Nhà khoa học bị “mạo danh” không thuộc Nhà nước

Thứ sáu, 04/08/2017 - 08:41

(Thanh tra) - Tại buổi họp báo Chính phủ cuối chiều 3/8, liên quan đến việc cấp phép cho nhận chìm 1 triệu tấn bùn nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà khẳng định, việc có nhà khoa học bị “mạo danh” là thuộc bên tư vấn, không thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

“Đây là cơ hội để tôi chính thức trao đổi với các bạn (phóng viên) vì vẫn có người dân nhầm lẫn việc nạo vét bùn khu quay tàu là chất thải. Trên thực tế hiện nay, thuật ngữ Luật Biển và Công ước London, luôn quan niệm bùn nạo vét là tài nguyên và được khuyến cáo tái sử dụng tài nguyên này”, ông Trần Hồng Hà giãi bày.

Ngay từ năm 2014, khi Bộ thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án này theo Luật Bảo vệ Môi trường 2015, đã luôn quan tâm đến việc hài hoà với luật pháp quốc tế, chú ý bảo đảm đánh giá các vấn đề tác động từ hoạt động này đến tài nguyên môi trường biển.

“Quan điểm của Bộ TN&MT trước tiên đương nhiên là bảo vệ môi trường, không thể đánh đổi môi trường. Nhưng vấn đề môi trường phải hài hòa với phát triển. Để bảo đảm những điều này đều phải dựa trên quy định của pháp luật, các cơ sở khoa học xác đáng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Do đó, Bộ TN&MT đã tổ chức các đơn vị khảo sát toàn bộ hiện trạng môi trường biển với diện tích 300 ha và đã có số liệu về hệ sinh thái. Ngay trong giấy phép cho phép nhận chìm bùn, cũng đã yêu cầu rõ Viện Hải dương học Nha Trang độc lập đánh giá hiện trạng môi trường.

“Quá trình đó đã thực hiện xong và đã có công bố. Đó là việc đối chứng và kiểm chứng lại số liệu thời điểm doanh nghiệp khảo sát năm 2012 vì chúng tôi quan điểm thời điểm đó và giờ có thể khác nhau”, ông Hà cho biết.

Theo ông Trần Hồng Hà, việc giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tập hợp các nhà khoa học là để đánh giá toàn diện trên cơ sở khoa học, xem xét từ các mô hình toán, cơ lý hoá…

“Bộ có 22 nhà khoa học đầu ngành ở các lĩnh vực. Hội đồng khoa học của chúng tôi không có nhà khoa học nào bị mạo danh. Các nhà khoa học bị mạo danh thuộc về bên tư vấn, thuộc trách nhiệm pháp lý giữa nhà đầu tư và tư vấn, không thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước”, Bộ trưởng khẳng định.

Ông Hà cũng cho biết, quan điểm của Chính phủ là phải lấy môi trường là trên hết, hoạt động phát triển kinh tế phải hết sức lưu ý, môi trường phải hài hòa.

“Chúng ta đang đứng trước vấn đề khá bức xúc là tiến độ dự án đáp ứng cân bằng năng lượng cung cấp cho các tỉnh phía Nam. Dự báo từ 2018 trở đi, phía Nam thiếu năng lượng. Trong việc thực hiện hợp đồng, nếu có chậm trễ, bên có lỗi sẽ bị phạt 620.000 USD mỗi ngày. Vì vậy, vấn đề đặt ra với Bộ Công thương, EVN và các bên là phải chọn phương án tốt nhất”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành TN&MT cho rằng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cần bình tĩnh, tiếp tục đánh giá bài bản, giúp cho vấn đề xác định cơ sở khoa học đối với việc xác định khu vực đó để bảo đảm quy hoạch và tính toán lâu dài cho sự tồn tại phát triển khoảng 70 năm của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về dự án nhận chìm vật chất ở biển Bình Thuận.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc Bộ TN&MT cấp Giấy phép nhận chìm ở biển Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN&MT xem xét, xử lý vấn đề trên đúng quy định của pháp luật.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất tại vùng biển tỉnh Bình Thuận theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 7732/VPCP-KGVX ngày 24/7/2017 của Văn phòng Chính phủ.

Trước đó, ngày 23/6/2017, Bộ TN&MT đã cấp Giấy phép số 1517/GP-BTNMT cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).

Theo giấy phép, gần 1 triệu m3 vật chất nhận chìm là từ quá trình nạo vét vũng quay tàu và khu bến chuyên dùng, phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Trong đó, có 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích...

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm