Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam đối mặt với thách thức lớn về an ninh nguồn nước

Thứ năm, 20/04/2017 - 06:06

(Thanh tra) - Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo quốc tế “An ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam” diễn ra ngày 19/4.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Nguy cơ thiếu nước trầm trọng

Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và khó lường. Nước sông, nước ngầm đã và đang suy giảm đáng kể, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Trong khi đó, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cũng như sự gia tăng dân số, nhu cầu về nước cho sản xuất, đời sống đang tăng nhanh.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, nước ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh nguồn nước. Theo thống kê, Việt Nam có trên 60% tổng lượng dòng chảy xuất phát từ Trung Quốc, Thái Lan, Myanma, Lào và Campuchia với 126/208 con sông có nguồn từ nước ngoài chảy vào nội địa. Quá trình công nghiệp hóa, khai thác năng lượng dòng chảy và mở rộng diện tích tưới tiêu nông nghiệp của những nước thượng nguồn đang gây khó khăn cho Việt Nam.

Theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), quốc gia thiếu nước nếu chưa có đến 4.000 m3/người/năm. Với dân số Việt Nam như hiện nay, bình quân đầu người Việt Nam chỉ nhận được được khoảng 3.370 m3/năm từ nguồn nước nội sinh. Dự báo tổng nhu cầu nước toàn quốc năm 2020 là 80 tỉ mét khối/năm.

Nguy cơ thiếu nước đã hiện hữu, nhưng vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn dưới tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, đe dọa cán cân nguồn nước. Thực tế những năm gần đây cho thấy, hiện tượng suy thoái đất diễn ra nhanh, nước biển dâng, trong đó tình trạng sa mạc hóa ở các tỉnh Nam Trung bộ và sụt lún làm ngập lụt vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do chất thải hữu cơ và vô cơ, dư lượng thuốc hóa nông; rừng bị chặt phá trái phép, làm thủy điện... làm hạn chế việc điều tiết nguồn nước.

Dự báo, Đồng bằng sông Cửu Long có 828.000ha đất bị nhiễm mặn, Vùng trung du và miền núi Bắc bộ có gần 2,3 triệu héc ta bị suy thoái, có nguy cơ trượt lở. Vùng duyên hải Nam Trung bộ có gần 56.000 héc ta đất bị nhiễm mặn, 759.000 héc ta bị hoang hóa, sa mạc hóa...

GS.TS Trần Đình Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi nhận định: An ninh nguồn nước ở Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn từ những thách thức mang tính khách quan và chủ quan. Một phần là do người dân Việt Nam vẫn còn suy nghĩ nguồn nước là vô tận, chưa hiểu đúng về vai trò của nước và mối nguy hại khi thiếu nước. Nguy cơ thiếu nước đối với Việt Nam không chỉ còn là dự báo mà đã hiện hữu ở rất nhiều vùng miền khắp cả nước.

Hợp tác, chia sẻ giữa các quốc gia để khai thác hiệu quả nguồn nước

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận về tìm cách tiếp cận mới và giải pháp ứng phó với thực trạng biến đổi khí hậu để bảo đảm an ninh nguồn nước.

TS. Dirk Pauschert, Giám đốc Chương trình Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho biết, GIZ có những dự án đã và đang triển khai tại các đô thị ở Việt Nam để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như bảo vệ nguồn nước. Tiêu biểu như các chương trình chống ngập úng được triển khai từ năm 2012-2016 tại 5 đô thị duyên hải quy mô vừa (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Cà Mau); các chương trình quản lý nước thải được thực hiện bằng cách hỗ trợ bảo vệ nước, nguồn gốc của sự sống tránh nguy cơ ô nhiễm từ hộ gia đình và các ngành công nghiệp tại Việt Nam triển khai và thực hiện từ năm 2005 thông qua 4 giai đoạn (hiện đang ở giai đoạn 4) tại 9 tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương, Nghệ An, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hòa Bình, Lạng Sơn và Sơn La.

Đề cập đến những giải pháp cụ thể đối với an ninh nguồn nước, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ và thiện chí giữa các quốc gia để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Đồng thời, cần có hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước hoàn chỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống có hiệu quả các tác hại của nước do nhân tai gây ra.

Bên cạnh đó, phải thay đổi nhận thức và hành động ở mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân trong bảo đảm an ninh nguồn nước. Các nhà quản lý, nhà khoa học phải đưa ra nhiều thông tin, giải pháp hữu ích liên quan đến việc bảo đảm an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu rõ rệt như hiện nay. "Chúng ta cần gửi đi và thực hiện tốt thông điệp: Bảo vệ, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững là trách nhiệm của từng cá nhân và của toàn xã hội", TS Trần Đình Hòa nhấn mạnh.

TH

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.

Thái Hải

19:48 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm